Hà Nội:

Chính quyền 'bất lực' trước vi phạm tràn lan ở khu đô thị hạng sang?

TPO - Trước việc chủ đầu tư Five Star Mỹ Đình cố tình sai phạm, không chịu phá dỡ theo quyết định các cấp chính quyền đã ban hành nhiều tháng, dư luận đang đặt dấu hỏi, phải chăng chính quyền địa phương đang "bất lực" trước loạt công trình vi phạm?

Liên tiếp các vụ vi phạm trong lĩnh vực xây dựng diễn ra trên địa bàn quận Nam Từ Liêm trong thời gian qua đã được báo chí phản ánh. Trong đó, đơn cử là vụ việc tại dự án Five Star Mỹ Đình nằm tại ngõ 176 Đình Thôn (thuộc phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện có tới… 20 công trình vi phạm trật tự xây dựng/ 53 công trình. Trong đó, 20 công trình này thi công thêm phần tum sai so với thiết kế đã được phê duyệt.

Ngày 4/12/2017, UBND quận Nam Từ Liêm đã ban hành Quyết định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng với chủ đầu tư là Công ty CP quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất CIRI. Trong nội dung của Quyết định xử phạt yêu cầu chủ đầu tư phải nghiêm chỉnh chấp hành việc nộp phạt và tự phá dỡ bộ phận công trình xây dựng sai so với hồ sơ thoả thuận quy hoạch kiến trúc trong thời hạn 10 ngày, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Chính quyền 'bất lực' trước vi phạm tràn lan ở khu đô thị hạng sang? ảnh 1 Hàng loạt công trình tại dự án hạng sang Five Star vi phạm trật tự xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới chỉ chấp hành một phần nội dung Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là đi nộp phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thực hiện việc tự phá dỡ bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Đặc biệt, ngày 2/4/2018 UBND phường Mỹ Đình 1 cũng đã có thông báo kết luận số 308/TB-UBND của Chủ tịch UBND phường tại cuộc họp về xử lý vi phạm quy hoạch tại dự án Five Star Mỹ Đình, yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ xong trước ngày 15/4/2018, nhưng đến nay vẫn còn tới 16 hộ chưa tự tháo dỡ phần vi phạm, lý do được đưa ra là bởi có một số hộ… không có mặt tại khu dự án, đóng của không liên hệ được.

Chính quyền 'bất lực' trước vi phạm tràn lan ở khu đô thị hạng sang? ảnh 2 20/53 công trình tại dự án Five Star có ý xây thêm các công trình kiên cố sai giấy phép xây dựng.

Tiếp đến là công trình đang xây dựng trên đất thổ cư tại số 51 ngõ 20 đường Mỹ Đình. Công trình này có giấy phép xây dựng số 976/GPXD-UBND do UBND quận Nam Từ Liêm cấp ngày 06/07/2017.(GPXD cấp 6 tầng + lửng + tum). Hiện công trình này đã thi công xong gồm 06 tầng + lửng + tum theo nội dung giấy phép được cấp. Tuy nhiên, chủ công trình này lại cố tình vi phạm với tầng lửng vượt khoảng… 12m2; Sai mật độ; tum tăng diện tích so với GPXD. 

Hay như công trình xây dựng tại Ô 06-B1;B2 thuộc khu đất đấu giá QSDĐ đường Lê Đức Thọ (Công trình bên cạnh số nhà 12B2 ngõ 63 Lê Đức Thọ) có giấy phép xây dựng số: 663;664/GPXD-UBND do UBND quận Nam Từ Liêm cấp ngày 24/04/2017. (GPXD cấp: 5 tầng + hầm + lửng + tum). Tuy nhiên, hiện tại công trình này đã thi công xong 5 tầng + hầm +lửng, đang ghép cốp pha cột tầng tum có phần tầng lửng tăng diện tích so với GPXD được cấp.

Ngoài những công trình trên, trong Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng tại phường Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2 do Đội TTXD Quận Nam Từ Liêm đưa ra, còn không ít các công trình vi phạm khác. Điểm chung của các công trình này đó là chính quyền chưa thể giải quyết dứt điểm dù sai phạm đã rõ ràng. Chính điều này đã khiến dư luận không khỏi hoài nghi (!?)

Chính quyền kêu khó để "đỡ" cho vi phạm

Lý giải về sự khó khăn trong việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng, phía đội TTXD quận Nam Từ Liêm cho rằng, vướng mắc nhất là do Nghị định 139/2017/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 180/2007/NĐ-CP và 121/2013/NĐ-CP nhưng lại chưa có Thông tư hướng dẫn việc thực hiện qui trình xử lý vi phạm phải dựa vào luật xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định 81/2013/NĐ-CP, Nghị định 97/2017/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP công tác tổ chức đình chỉ ngăn chặn vi phạm vẫn chưa cụ thể. Do đó việc để thời gian bổ sung hồ sơ 60 ngày nếu không có GPXD bổ sung mới tổ chức lập hồ sơ xử lý dẫn tới công tác quản lý vi phạm gặp rất nhiều bất cặp và khó khăn.

Trước thực trạng trên, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, phải thừa nhận trong Luật còn có một số hạn chế so với thực tế. Tuy nhiên, cần phải khẳng định vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong những vụ việc liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn mình.

Chính quyền 'bất lực' trước vi phạm tràn lan ở khu đô thị hạng sang? ảnh 3 Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, chính quyền địa phương cần phải quản lý chặt chẽ các công trình xây dựng trên địa bàn từ khi chưa có dấu hiệu vi phạm. Tránh tình trạng để "sự đã rồi" mới đi xử lý.

Ông Liêm nhận định, trước khi khởi công xây dựng, các chủ công trình phải có đủ giấy phép xây dựng và chính quyền chắc chắn nắm được việc này. Chính vì vậy, việc các công trình xây dựng trên địa bàn thì chính quyền địa phương phải là những người nắm rõ nhất và phải thường xuyên kiểm tra cũng là điều dễ hiểu. Do đó, chính quyền không thể đợi khi chủ đầu tư vi phạm rồi mới đi kiểm tra xử phạt như vậy chẳng khác gì mất bò mới lo làm chuồng. Rõ ràng, để xử phạt các công trình vi phạm là mất nhiều thời gian. Vậy tại sao không giám sát chặt chẽ ngay từ ban đầu?

Cũng theo ông Phạm Sỹ Liêm, đối với những chủ công trình cố tình vi phạm, chính quyền địa phương bên cạnh việc phải sát sao cần có những biện pháp cứng rắn ngay từ ban đầu để tránh xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan. Như hiện nay, người dân đặt dấu hỏi nghi vấn về vai trò của chính quyền khi xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng phải chăng có sự “câu giờ”, “buông lỏng” hay “kêu khó để hoãn tiến độ xử lý” "phạt xong để đó" không phải không có căn cứ vì các công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, trong khi chính quyền thì kêu khó. Nếu cả hệ thống chính quyền địa phương đều kêu khó như vậy thì sẽ còn nở rộ nhiều công trình vi phạm (!?)

Chính quyền 'bất lực' trước vi phạm tràn lan ở khu đô thị hạng sang? ảnh 4 Nhiều chủ công trình cố tình cơi nới, xây vượt tầng để bán căn hộ.

Thực tế, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ có quy định xử phạt rất rõ ràng đối với các vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở... có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.

Theo đó, nếu như trước đây các công trình xây dựng sai phép, không phép có thể được nộp phạt để tồn tại thì nay, thì Nghị định 139 quy định cho phép chủ nhà có 60 ngày để điều chỉnh hoặc xin cấp phép xây dựng đối với công trình xây dựng sai phép.

Đặc biệt, đối với các công trình đang xây dựng mà sai chỉ giới xây dựng, cơi nới lấn chiếm sẽ tháo dỡ ngay. Còn đối với công trình đang triển khai xây dựng và không vi phạm các yếu tố trên sẽ có 60 ngày để bổ sung thủ tục, nếu quá thời hạn trên, không có đầy đủ hồ sơ sẽ bị tháo dỡ những phần xây dựng sai phạm.

Công trình xây dựng sai phép, không phép sẽ bị ngưng cung cấp điện, nước song song trình tự xử lý vi phạm trật tự xây dựng để tăng cường xử lý hiệu quả.

Theo Nghị định 139, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.

Năm 2017, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 17.422 công trình, trong đó số công trình có vi phạm là 1.916 công trình. Chính quyền các cấp đã ban hành 1.740 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 12,2 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG