CHLB Đức mua lại điện của dân từ gần 10 năm qua

CHLB Đức mua lại điện của dân từ gần 10 năm qua
TPO - Sau khi TPO đăng bài "EVN mua lại điện của dân, tại sao không ?“ của bác thợ điện Lê Quốc Tuân, rất nhiều ý kiến hưởng ứng đã gửi về tòa soạn. Dưới đây là bài viết của một sinh viên VN tại ĐH Cottbus, CHLB Đức viết về việc nước Đức đã mua điện của dân từ gần 10 năm qua.
CHLB Đức mua lại điện của dân từ gần 10 năm qua ảnh 1
Những hộ gia đình dùng NLMT như thế này hoàn toàn có thể bán điện ngược lại cho Cty Điện lực. Ảnh : Starrynightlights.

Kể từ tháng 4 năm 2000, sau khi luật về nguồn năng lượng mới của Đức có hiệu lực (EEG- Erneuerbare-Energien-Gesetz) thì sự phát triển các nguồn năng lượng mới như năng lượng gió, sinh học…và nhất là nguồn năng lượng mặt trời (NLMT) phát triển tăng rất nhanh.

Đối với hộ gia đình, đầu tư vào NLMT là phương pháp hữu hiệu hơn cả (năng lượng gió cũng khả thi, nhưng vấn đề là công suất quá lớn so với hộ gia đình, và đi theo với công suất là giá thành).

Theo luật này, bất cứ hộ gia đình nào (tôi chỉ nói về khía cạnh NLMT cho hộ gia đình) đầu tư vào NLMT đều được nhà nước hỗ trợ trong 20 năm bằng cách mua lại điện. Và nếu hộ nào đầu tư càng sớm thì nhà nước hỗ trợ càng nhiều. Và cứ sau 1 năm, số tiền nhà nước hỗ trợ so với năm trước sẽ giảm đi 5%.

Theo luật thì đầu tư vào NLMT năm 2009 sẽ được nhà nước hỗ trợ là 0,43 Euro/kWh điện (Cao hơn giá điện hộ dân mua điện từ nhà quản lý mang lưới điện). Các hộ có thể bán toàn bộ hoặc một phần điện sản suất ra cho các nhà quản lý mạng lưới điện. Và các nhà quản lý mạng lưới có trách nhiệm mua và trả tiền cho các hộ có điện bán trong vòng 20 năm.

Như thế, với khoảng thời gian 20 năm thì hầu như các hộ đầu tư vào NLMT đều có lãi. Chính vì điều này, kể từ năm 2000 đến nay mỗi năm lượng Công suất từ NLMT được lắp đặt tại Đức tăng hàng trăm phần trăm.

Năm 2007 cả nước Đức đã có 3500 GWh điện được sản suất từ năng lượng mặt trời (số liệu từ bộ khoa học công nghệ Đức http://www.bmwi.de). 

Việt Nam nên sớm có Luật về nguồn năng lượng mới

Theo tôi, tuy giá thành đầu tư vào NLMT hiện nay so với nước ta còn quá cao. Nhưng tôi được biết là hiện ở miền nam (VTV4 đưa tin) đã có 1 nhà máy lắp ráp tấm pin NLMT được xây dựng, và tiến tới tự sản suất hoàn toàn các thiết bị liên quan cũng như là tấm pin mặt trời, vậy thì khả năng giá thành sẽ tương đối rẻ và khả năng cho các hộ gia đình đầu tư vào NLMT sẽ là rất cao.

Chúng ta nên sớm cũng có luật về năng lượng như nước Đức để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản suất điện (hoặc chí ít cũng nên nghĩ đến luật này nhằm tránh như bao trường hợp, ngành nghề khác là: Luật luôn đi sau). Như thế vừa giảm áp lực thiếu điện cho nhà nước và cũng như là tránh cái gọi là…độc quyền cho ngành điện.

Tuy với NLMT thì điện chỉ có thể tạo ra khi có ánh nắng, nghĩa là vào ban ngày. Nhưng ở nước ta, điện bị cắt chủ yếu vào giờ cao điểm, mà giờ cao điểm là ban ngày, mà ban ngày ở nước ta thì tỉ lệ mặt trời chiếu sáng rất cao.

Thế nên với tuổi thọ trên 20 năm, trong quá trình hoạt động hầu như không cần bảo dưỡng và đối với hộ gia đình thì chỉ cần khoảng 1 kW- 5 kW công suất thiết kế. Tôi nghĩ NLMT sẽ là một giải pháp hữu hiệu đối với mọi hộ dân ở nước ta khi mà điện luôn bị cắt vào giờ cao điểm như hiện nay.

Tôi hi vọng trong những năm tới, chúng ta sẽ nhìn thấy ngày càng nhiều các tấm pin NLMT trên các mái nhà ở nước ta và con số đó sẽ tăng lên theo từng tháng, từng năm.

Quý Hà
(Từ CHLB Đức)

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Hồng Văn Mùi,  Email: ...mui@yahoo.com.vn

Đúng là về giá thành của pin mặt trời và sự hỗ trợ của chính phủ Nhật thì quả thực là tôi không biết nhưng suy nghĩ thêm, tôi thấy rằng rất có thể là những cơ sở có công suất lớn, phát điện xoay chiều, giá thành điện năng rẻ hơn thì sẽ có thể hoặc là vào giờ điện cao điểm thì hạn chế dùng điện lưới để tiết kiệm tiền hoặc/và phát công suất lớn (không quá định mức thiết bị) để bán, để có được giá cao thì cũng có thể có lợi chung cho xã hội.

Quả thực là đề xuất trên đây là rất thực tiễn, vì đó là sự việc đã thực thi ở nước ngoài mà chúng ta có thể tham khảo và vận dụng. Những ý kiến của bạn đọc tham gia trong chuyên mục cũng làm chúng tôi sáng tỏ thêm những đặc thù của hệ thống điện.

Tuy nhiên, bao trùm lên trên hết là cần thay đổi tư duy trong cơ cấu điện năng quốc gia, trong đó nổi bật quan hệ qua lại giữa người dùng điện và nhà cung cấp:

- Việc mua đi, bán lại (2 chiều) là hoàn toàn có thể có, như thực tế đã thực hiện và chứng minh. Không những thế, ý tưởng được thực hiện ngay cả với hộ gia đình, ở phạm vi công nghệ có giá thành điện năng đắt nhất trong các công nghệ hiện phổ biến.

- Trong quan hệ mua bán, nhất thiết phải bình đẳng, sòng phẳng, hợp lý. Như thế tức là việc mua bán điện giữa EVN với các nhà máy phát điện trong và ngoài tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cần phải đáp ứng được yêu cầu này.

Thử nhớ lại hồi mấy tháng trước, giữa EVN và Điện lực dầu khí (EPetr) đều đã nêu những lý lẽ của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng (mà đến nay chưa thấy kết luận), khi EVN cho rằng EPtr đã không cấp điện khi EVN yêu cầu; còn EPtr lại cho rằng nhà máy điện Cà Mau dư dả công suất nhưng EVN không mua) thì qua bài viết này có thể lý giải: giữa 2 bên chưa có sự thỏa thuận về kế hoạch mua bán điện năng (mua/bán vào những giờ nào, tương ứng với công suất và giá cả là bao nhiêu theo các thời điểm trong ngày…).

EVN chỉ cần mua khi hệ thống thiếu công suất và EPtr chỉ có thể bán theo đúng thỏa thuận. Vì vậy, tôi tin rằng khi EVN và bộ KHCN-MT vào cuộc, việc thực hiện mua bán điện là khả thi và ít nhất cũng làm giảm được áp lực cung cấp điện năng, tiến tới xóa bỏ độc quyền bán điện như hiện nay.

Đức Vinh, Email: ...leduc@gmail.com

Cám ơn ý kiến bạn Quý Hà, CHLB Đức, tôi hoàn toàn ủng hộ phát triển năng lượng mặt trời . Tôi sẽ là người đầu tiên lắp đặt pin mặt trời nếu có cơ quan, doanh nghiệp chuyển giao công nghệ này một cách tiện lợi cho dân.

Nguyễn Tuấn Anh, Email: ...anh@yahoo.com

Những thông tin của bạn cung cấp thật là hữu ích với người dân nước mình và là thông tin rất có giá trị... tham khảo đối với EVN.

Huỳnh Nguyễn, Email: ...tuyet@yahoo.com

Đọc bài viết của  Quý Hà nói về điện NLMT, thật tuyệt vời. Mong sao ngành điện nước ta sớm thực hiện được giống như ở nước Đức.

Trần Minh Tiến, Email: ...tien87@yahoo.com

Cám ơn báo TPO đã có bài viết hay về điện mặt trời. Nhưng vấn đề là ở VN ai sẽ lo vấn đề này ?

Tuấn

Cõ lẽ 30 năm nữa chúng ta mới có đủ điều kiện để thực hiện như người Đức đang làm hiện nay về mua điện của dân...

Một bạn đọc

Tôi rất tâm đắc với ý tưởng này, xin cho biết giá thành lắp đặt một giàn thiết bị điện năng lượng mặt trời là bao nhiêu, chi phí vận hành,bảo dưỡng , tuổi thọ của thiết bị.... để cùng thảo luận.

Trần Xuân Hà, Email: ...ha@vnn.vn

Sau khi xem bài này tôi ước mong Việt nam sớm có nhà máy sản xuất pin mặt trời giá thành rẻ như những gì đã đưa tin về Công ty cổ phần Mặt trời đỏ. Thật thất vọng vì tìm trên mạng không có bất cứ thông tin gì về sản phẩm pin mặt trời của công ty đã và sẽ bán ra thị trường.

Chúng ta đã biết NLMT là năng lượng sạch, lại có thể góp phần cải thiện tình hình thiếu điện hiện nay, nhưng giá thành và nguồn cung lại là một vấn đề.

Đức là một nước giàu, người dân có khả năng về kinh tế và có ý thức về bảo vệ môi trường, chính phủ khuyến khích. Còn ở Việt nam, muốn mua pin mặt trời không hề đơn giản, người dân muốn mua cũng không mua được (chưa kể giá thành trên thế giới vào khoảng 5 đến 6USD/1W), cộng với thiết bị chuyển đổi một chiều thành xoay chiều, điều này vượt xa khả năng của số đông người Việt.

Như vậy để đạt được công suất đóng góp đáng kể vào hệ thống điện quốc gia là điều không tưởng.

Nguyễn Văn Vinh, Email: ...62@yahoo.com.vn

Nên khuyến khich người dân đầu tư vào sử dụng Năng lượng mặt trời. Cám ơn thông tin của bạn, mong sao điện lực VIệt nam cũng có những bước đi thích hợp để giải quyết vấn đề điện năng cho người dân Việt.

Trung Đông, Email: ...dong@gmail.com

Thật là tuyệt vời ! Rất cám ơn bạn đã cho những thông tin thật bổ ích nếu như những nhà lãnh đạo, quản lý của ta cũng đọc những thông tin này nhỉ? Tôi cũng được nghe ở bên Đức việc sử dụng năng lượng mặt trời và sức gió để sản xuất điện phục vụ dân sinh rất hiệu quả và thật tuyệt vời hơn không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ngôi nhà chung của chúng ta.

Có lẽ một thời chúng ta đã quá say sưa với Thuỷ điện... Sao EVN không học cách làm này để mang lợi ích cho cộng đồng ?

Trần Cảnh, Email: ...noi@yahoo.com

EVN cần sớm thiết lập cơ chế & khung giá mua điện của dân

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của tác giả bài viết. Đã có lần tôi làm việc với 1 đối tác nước ngoài, họ vào Việt nam để khảo sát thị trường điện gió. Họ nhận thấy rằng năng lực phát triển điện gió ở nước ta khá lớn, đặt biệt ở vùng đồng bằng sông cửu long.

Tuy nhiên họ cho rằng sẽ không thể khuyến khích tư nhân đầu tư điện gió nếu EVN độc quyền và hoàn toàn không có chủ trương hấp thụ nguồn điện này từ dân nếu họ đầu tư. Cản trở lớn nhất là giá điện EVN mua lại và cơ chế mua lại điện của dân.

Ở một vài nước phát triển như Đức, Mỹ, Canada người dân (thông thường là những hộ trang trại, họ chăm sóc vài ngàn m2 đất canh tác, hoặc có trang trại chăn nuôi lớn, đều bỏ tiền (chủ yếu đi vay ngân hàng) đầu tư vào xây dựng 1 trạm điện gió.

Về mùa thu hoạch, họ sử dụng điện cho thu hoạch & chế biến sau thu hoạch, khi này nhu cầu điện của họ thường cao & họ cần mua thêm điện của nhà nước.

Về thời gian khác trong năm, nhu cầu điện của họ giảm xuống, nguồn điện gió lại được bán trở lại cho các công ty điện. Giữa họ và công ty điện luôn có thỏa thuận rõ ràng về giá điện, cơ chế bán điện.

Tôi nghĩ ở nước ta hoàn toàn làm được điều này nếu EVN có thiện chí và quyết tâm làm.

Về giá điện của ta, tôi thấy ở nước phát triển họ cho phép công ty điện đầu năm tính giá điện ở mức công ty điện dự tính mức tăng giá thành. Đến cuối năm, có 1 ủy ban độc lập (gồm nhiều thành phần như: người bên ngành tài chính, kiểm toán, điện, hội người tiêu dùng....) sẽ tiến hành xác định mức giá thành chuẩn dùng điện trong năm đó. Số tiền điện điều chỉnh sẽ được bù trừ vào hóa đơn điện năm sau.

Thiết nghĩ nhà nước ta có thể áp dụng mô hình này ở trong một khung tăng giảm nhất định nào đó, điều này giúp cho doanh nghiệp chủ động dự tính mức chi phí giá thành, giúp cho công ty điện (EVN) dự trù mức chi phí đầu tư, đảm bảo được nguồn tiền đầu tư nhất định hàng năm cho ngành điện.

Lê Xuân Tuấn, Email: tuanyen201074@...

Thật là một ý tưởng đề xuất tuyệt vời, đề nghị các ban ngành quản lý cần có một khung pháp lý cụ thể để kích thích các hộ dân đầu tư xây dựng các nhà máy điện góp phần ổn định nguồn điện cho quốc gia.

Nguyễn Minh Tâm, Email: ...49@gmail.com

1. Chi phí lắp đặt và sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời rất tốn kém. Một tấm pin năng lượng mặt trời của hãng Sharp công suất 200W là 1032 USD. (http://www.wholesalesolar.com/solar-panels.html). Ngoài ra còn phải mua máy biến đổi dòng điện từ điện 1 chiều sang điều xoay chiều. Bên cạnh đó, công suất của tấm pin năng lượng mặt trời giảm dần theo thời gian và tuổi thọ là 25 năm. Chi phí lắp đặt và duy tu cũng tốn kém.

2. Nếu muốn bán điện cho EVN thì chúng ta phải dư điện. Tôi e rằng chi phí đầu tư vào tấm pin năng lượng mặt trời và công suất đạt được như mong muốn để bán lại điện cho EVN có khả thi không? Hàng giờ chúng ta cũng phải sử dụng điện như tủ lạnh (sử dụng 24/24), quạt, máy lạnh, máy vi tính... Vậy nên tính đến việc sử dụng bao nhiêu năng lượng và công suất của hệ thống pin năng lượng là bao nhiêu.

3. Tôi nhớ không lầm thì chính phủ Nhật đã cấp kinh phí lắp đặt và mua hệ thống pin năng lượng cho người dân ở khu vực đó. Chào thân ái.

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG