Chủ đầu tư cao ốc tại chợ 19-12 nói gì ?

Chủ đầu tư cao ốc tại chợ 19-12 nói gì ?
TP - Ông Nguyễn Anh Cường - giám đốc Cty THHH Thủ đô 2, chủ đầu tư dự án cho biết, đến nay Cty đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án, quyết định thu hồi đất và Cty đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chủ đầu tư cao ốc tại chợ 19-12 nói gì ? ảnh 1
Ông Nguyễn Anh Cường

 Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị khởi công thì có ý kiến trái ngược, đề nghị dừng dự án với các lý do về tâm linh, lịch sử, về con đường ở đây.

Chúng tôi làm đúng thủ tục

Những ý kiến xung quanh dự án như thế nào, thưa ông?

Tôi nghĩ, những ý kiến đó không khách quan, mang tính cá nhân vì lợi ích của một số hộ dân quanh đó. Tại sao trong suốt 4 năm chuẩn bị dự án,  không có cá nhân, tổ chức nào lên tiếng nói đó là di tích, là con đường.

Chỉ khi chúng tôi giải phóng mặt bằng, mới có ý kiến trái chiều? Chúng tôi thực hiện dự án này vì lợi ích của 200.000 dân trong khu vực, đặc biệt của gần 500 hộ kinh doanh tại chợ.

Đó cũng là lợi ích của nhà nước. Đất đai phải được sử dụng để phát triển, tạo chỗ đỗ xe, giao thông cũng sẽ thông thoáng hơn, điều kiện kinh doanh của bà con ổn định, vệ sinh an toàn thực phẩm - môi trường đảm bảo hơn.

Chúng tôi đã làm đúng các thủ tục theo quy định, nhưng người ta dùng một số quan hệ, một số người gây áp lực với thành phố. Chúng tôi rất bức xúc, bởi nếu dự án bị dừng lại, xóa chợ này, ai sẽ là người chịu trách nhiệm với mấy trăm hộ kinh doanh, lòng tin của nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng.

Sau 4 năm chuẩn bị các thủ tục đầu tư, Cty đã chi phí những gì, thưa ông?

Chúng tôi ước tính tổng số tiền đầu tư đã lên tới 11 tỷ đồng, bao gồm: tiền thuê đất: 556 triệu đồng (1 năm), đến bù, hỗ trợ bà con tiểu thương gần 2,6 tỷ (5 triệu đồng/hộ), hỗ trợ 10 hộ nghỉ kinh doanh do điều kiện không chuyển về chợ tạm Phùng Hưng (30% lợi nhuận sau thuế trong thời gian nghỉ kinh doanh), chuyển điện thoại, phí thẩm định thiết kế cơ sở gần 2 tỷ đồng, phí cấp phép xây dựng: 40 triệu đồng, thiết kế dự án khoảng 6 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư dự án của chúng tôi là 370 tỷ đồng (Chưa kể ngân sách thành phố bỏ ra xây chợ tạm cho bà con!). Tôi nghĩ không có lý do gì để dừng dự án này.

Vừa qua, đại biểu HĐND TP, các nhà văn hóa, quy hoạch, kiến trúc, sử học và và nhiều người dân đã có ý kiến không đồng tình về việc chọn địa điểm này để xây trung tâm thương mại?

Tôi thấy những ý kiến đó không hợp lý. Bởi vì, thứ nhất, nói đây là di tích lịch sử thì không phải, không cơ quan nào công nhận; bảo đấy là con đường cũng không phải, chưa bao giờ đây là con đường. Vì chợ đã hình thành gần 30 năm nay. UBND TP Hà Nội cũng đã công nhận đây là chợ loại 3 (chợ cấp phường-PV).

Ý kiến cho rằng, đây là vườn hoa cây xanh thì cũng chỉ là ý kiến chủ quan, nhưng đằng sau đó tôi cho là mang ý trục lợi của ai đó, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bà con kinh doanh, ảnh hưởng chính sách của thành phố.

Chờ đợi thành phố

Quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư, Cty của ông có gặp khó khăn gì không, vì sao mất tới 4 năm để chuẩn bị?

Cả thành phố và các hộ dân thuộc dự án đều rất ủng hộ. Còn chậm là do thủ tục hành chính, do quy trình. Quá trình chuẩn bị giải phóng mặt bằng cũng mất khá nhiều thời gian.

Vậy trong quá trình đó, thành phố có cho biết đây từng là con đường, và nấm mộ chung gắn với sự kiện lịch sử 19/12/1946?

Trong 4 năm chúng tôi chuẩn bị dự án, không ai nói đây là một di tích lịch sử, không ai nói đây là một con đường. Thành phố không khẳng định gì cả. Nếu thành phố khẳng định thì đã không cho chúng tôi làm.

Nếu nói có một con đường thì tại sao thành phố không giải tỏa chợ đó đi, bao nhiêu năm đã tồn tại chợ ở đây, thành phố cũng công nhận chợ này rồi. Đây là chợ hợp pháp, có ban quản lý chợ.

Năm 2006, Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố cũng đã có văn bản cho phép chúng tôi thực hiện dự án tại đây.

Nếu vì lý do nào đó, dự án  phải tạm dừng lại để xem xét thì ông nghĩ sao?

Chúng tôi muốn thành phố có trả lời chính thức cho dư luận, cho chủ đầu tư và bà con tiểu thương để chúng tôi tiếp tục triển khai dự án. Nhưng thành phố chưa có ý kiến gì mà đang nghe ngóng dư luận nhiều chiều, để có quyết định cuối cùng.

Với dự án này, nếu thành phố có ý kiến khác đi thì sẽ gây hậu quả rất xấu, các hộ dân và nhà đầu tư không biết tin ai, không thể có lý do gì mà hoãn lại, vì thành phố đã cho phép rồi.

Hà Nội vừa mở rộng, tại sao các nhà đầu tư không giãn ra. Chọn khu đất này, ông có thấy gợn lên vấn đề gì không, chẳng hạn như vấn đề tâm linh?

Tôi nghĩ, mỗi người đều có lựa chọn, có chiến lược khác nhau. Phát triển ở quận Hoàn Kiếm, đất chật người đông thì sẽ đáp ứng tốt hơn. Còn về tâm linh, chúng tôi cũng có nghĩ đến việc xây dựng phù điêu hoặc đài tưởng niệm, trong khuôn viên 500m2 tại đó.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Văn Bá, Email: banmai949@yahoo.com

Tôi thấy ngạc nhiên khi nghe ông Nguyễn Anh Cường nói không biết gì về các thông tin liên quan đến chợ 19-12. Có thể ông Cường giỏi kinh doanh nhưng không biết gì về lịch sử dân tộc. Trong khi chờ quyết định xây TTTM tại chợ 19-12, ông Cường nên học thêm vế lịch sử, văn hóa kinh doanh để trả lời phỏng vấn cho chính xác hơn.

Trần Bình Minh, Email: pro.huyen@yahoo.com

Tôi không đồng ý với lí lẽ của ông Cường. Có ai thông báo cho biết mà có ý kiến. Thử hỏi trước khi là chợ tạm thì nó là cái gì? Và trước ngày 19 /12/1946 là cái gì? Chợ có từ ngày nào? 3000 mét vuông đất lại không phải A1 thì cũng A2 của Hà Nội mà chỉ có 3000$/tháng, thử hỏi lấy đâu ra giá ấy. Chỉ cần xây lên 10 tầng thôi thì 1m vuông cũng 3000 $ rồi.

Người rất yêu HN, Email: hienht61@yahoo.com

Lợi ích nào lớn hơn ?

Ông chủ của dự án TTTM 19/12 có nói rằng suốt 4 năm chuẩn bị dự án đầu tư không ai nói với ông ta rằng đây là một di tích lịch sử, đây là một con đường.

Vậy xin hỏi ông: ông không phải là người HN, nhưng ông có là người VN không? Thuở nhỏ đi học ông có được học lịch sử VN không, ông có biết ngày 19/12 là ngày toàn quốc kháng chiến và nơi đây là nơi biết bao người đã đổ máu để bảo vệ HN không và vì sao nơi đây lại có tên là chợ "âm phủ"?

Ông nói ông vì lợi ích của 200 hộ dân quanh chợ và vì lợi ích của 50 hộ buôn bán trong chợ tạm nhưng chúng tôi những người vì lợi ích của gần 100 triệu người VN và vì hàng triệu người yêu quí HN thì lợi ích nào lớn hơn?

Nhân đây cũng xin hỏi các ông lãnh đạo các cơ quan liên quan đã tạo điều kiện cho ông chủ dự án TTTM kiến thức lịch sử của các ông thế nào mà quên đi quá khứ hào hùng của HN như vậy?  Hãy dừng ngay dự án lại khi còn chưa quá muộn.

Mac Minh Hai, Email: haiminhmac@yahoo.com

Thật buồn khi nghe chủ đầu tư trả lời

Tôi thật buồn khi nghe ông "chủ đầu tư" nói rằng chưa bao giờ nghe đây trước kia là một con đường hay một nơi ghi chiến công mà phải trả bằng xương thịt và máu của các anh hùng đã ngã xuống để giữ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc.

Người Hà Tây

11 tỷ đồng mà đơn vị CĐT đã chi phí nó thật nhỏ bé so với những điều mất đi khi TP cho phép đơn vị này xây dựng TTTM trên khu đất chợ tạm 19/12. Hà Nội đã được mở rộng với lý do để có đất làm nhà, làm đường, dãn mật độ đông đúc khu phố cổ.

Thế thì không có bất cứ một lý do nào TP lại tiếp tục cho xây những khu chung cư VP cao ốc ở bốn quận nội thành cũ, TP hãy dành những ô trống còn lại này để xây dựng công viên, cây xanh, có vậy mới là thông minh.

vu van hue, Email: vuvanhue778@yahoo.com

Là một công dân bình thường, tôi thấy buồn cho cách làm việc của lãnh đạo thành phố về dự án này : Thứ nhất : Tại sao một dự án lớn và có liên quan đến nhiều khía cạnh của kiến trúc đô thị : Kinh tế, văn hoá, giao thông, cảnh quan môi trường mà sau 4 năm chuẩn bị , dư luận mới được biết tới . Tại sao vấn đề không được công khai ngay từ ban đầu để khỏi rắc rối ?

Thứ hai : Nếu mọi việc dù đã quyết, nhưng khi phát hiện điều gì sai sót thì hoãn lại hoặc huỷ dự án đi thì cũng không có gì là rất xấu như ông giám đốc CT TNHH Thủ đô 2 nói. Ví dụ như khi phát hiện di tích Hoàng thành Thăng Long kia, thì ngay cả dự án nghiêm túc nhất là xây nhà Quốc hội còn phải đình lại kia mà!

Hay đường Kim Liên - Ô chợ đưa kia, khi phát hiện di tích Đền Nam Giao cũng phải sửa dự án ! Vậy thì cái cao ốc trên nên chợ 19-12 kia chưa động thổ nếu bị hoãn lại vì những lý do chính đáng thì cũng chẳng có hậu quả xấu gì.

Vấn đề bây giờ là : lý do để huỷ dự án có chính đáng hay không ? Đến nay nhân dân Hà Nội và cả nước cũng như các giới học giả mới được biết , vậy thì hãy để cho dư luận và những học giả công tâm phán quyết. Chắc chắn, làm như thế không vì lợi ích của riêng ai, mà chỉ TỐT CHO THÀNH PHỐ.

Còn như ông Giám đốc CT TNHH Thủ Đô 2 , lấy lợi ích của bà con 200 hộ kinh doanh và nhà đầu tư ra để làm "đối trọng" thì đó mới là vì lợi ích của một số người.

Vì tại sao mà ở vị trí đắc địa và diện tích hiếm có như thế mà giá thuê đất quá rẻ như vậy? Liệu tài sản quốc gia có bị người ta lợi dụng để kiếm lời ở đây không? Tôi đề nghị Thành phố hãy để cho mọi người được thảo luận đầy đủ, và nên chăng có hội thảo của các nhà khoa học về vấn đề này.

Để một con đường thì người dân Hà Nội và con em chúng ta sẽ thấy tự hào và yêu mến Hà Nội hơn, Hà nội sẽ có thêm nhiều tư liệu quý về lịch sử xây dựng và chiến đấu của mình.

Để một Cao ốc Hà Nội xấu và chật chội thêm, nhân dân thủ đô mất đi một thứ phúc lợi còn một số nhóm người nhỏ thu lợi từ nó. Đề nghi lãnh đạo TP cân nhắc .

Nguyễn Ngọc Toản, Email: Ngoctoan_BTG_BN@ yahoo.com

Hãy làm cho Thủ đô ngang tầm với các nước trên thế giới

Vừa qua việc có rất nhiều ý kiến xung quanh việc xây dựng Trung tâm thương mại 19.12, có ý kiến cho rằng không nên xây dựng vì sẽ làm mất ý nghĩa lịch sử, cần xây dựng ở đây một không gian tưởng niệm những người đã hy sinh, cái đó theo tôi cũng đúng.

Nhưng mọi người hãy thử nghĩ tại sao chúng ta không xây dựng một TTTM ở đây và xen kẽ vào đó là một khu tưởng niệm để mỗi mọt người khi vào đó đều thấy được ý nghĩa lịch sử của nó.

Thử hỏi thế hệ trẻ ngày nay có mấy người đến thăm quan, ôn lại những quá khứ trước đây, họ chủ yếu là vào các trung tâm TM, trung tâm mua sắm là chính.

Có một bài báo viết rằng 51 năm nữa thủ đô HN mới theo kịp Singapore, mọi người nghĩ thế nào về vấn đề này? hãy thử so sánh với các nước trên thế giới xem thủ đô của họ ra sao? nhà cao tầng mọc san sát, trung tâm mua sắm văn minh lịch sự nhưng họ vẫn giữ được các giá trị lịch sử văn hoá của đất nước họ.

Lịch sử thì vẫn là lịch sử, mỗi người chúng ta đều phải ghi nhớ và tôn trọng những giá trị lịch sử đó nhưng cũng không nên vì cái đó mà chúng ta để thủ đô HN chậm phát triển so với các nước.

Khi xây dựng TTTM mại ở đây các nhà quy hoạch thủ đô chắc chắn đều đã nghĩ đến vấn đề này và họ cũng biết cân nhắc để vẫn giữ được những giá trị lịch sử văn hoá nhưng vẫn làm cho thủ đô ngày càng phát triển.

nguyen van bat, Email: nvbat@yahoo.com.vn

Thật không thể hiểu nổi trong khi đang phải bỏ ra rất nhiều tiền để đền bù giải phóng mặt bằng( đoạn Kim Liên- ô Chợ Dừa chẳng hạn) thì đằng này lại lấy đường để xây trung tâm thương mại.

Người lãnh đạo phải biết rõ điều này là phi lý không thể chấp nhận được. Dù có phải đền bù cho công tác chuẩn bị dự án này bao nhiêu thì cũng phải dừng. Còn chỗ buôn bán ư ? Chỗ ở còn quan trọng hơn nhiều mà còn phải di dời thì chỗ buôn bán chỉ là chuyện nhỏ.

MỚI - NÓNG