Chuyện cảm động về một người anh hùng

Chuyện cảm động về một người anh hùng
Từ năm 1960 - 1968, các anh hùng ngành Quân giới là Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm và Cao Viết Bảo nhiều lần được gặp Bác Hồ. Anh Bảo là người ít tuổi nhất, tác phong nhanh nhẹn nên được Bác rất quan tâm.

Bác đã tặng anh Bảo một con dao nhỏ mà nhiều lần Bác dùng gọt táo cho anh. Khi Bác qua đời, Anh hùng Cao Viết Bảo vinh dự được túc trực bên linh cữu Người.

Với tác phong gương mẫu, khẩn trương, triệt để chấp hành kỷ luật lao động, mọi quy định về sinh hoạt, học tập, công tác, luôn khiêm tốn, giản dị, sẵn sàng cảm thông và giúp đỡ mọi người, anh đã trở thành nòng cốt và được tổ chức lựa chọn xây dựng tổ thi đua điển hình mang tên “Tổ thi đua Cao Viết Bảo”. Sau này tác dụng của tổ đã động viên phong trào thi đua toàn ngành Quân giới và được nhân rộng ra toàn quốc.

Sinh năm 1932 tại Nghĩa Hưng (Nam Định); năm 1946, anh làm liên lạc cho bộ đội địa phương. Năm 1947, anh vào làm công nhân xưởng quân giới (Bộ QP). Công việc của anh là: rèn, luyện thép, hóa chất. Trong điều kiện thiếu thốn đủ bề của cuộc kháng chiến chống Pháp, anh đã luôn khắc phục mọi khó khăn, lao động sáng tạo, có nhiều sáng kiến cải tiến đưa năng suất lên 150, 200%. Anh tận dụng công suất máy để giảm sức lao động, khi làm việc dù là sản xuất hay sửa chữa vũ khí, anh luôn nghĩ đến bộ đội ngoài mặt trận để làm cho tốt.

Năm 1952, anh Cao Viết Bảo được bầu là chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ nhất (1952) anh đã được gặp và báo cáo thành tích với Bác Hồ. Năm 1953, anh vinh dự được dự Đại hội Thanh niên Trung Quốc; được dự Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 3 tại Bu-ca-rét (Ru-ma-ni).

Do có nhiều thành tích, bền bỉ phấn đấu, anh đã được tặng 3 huân chương lao động, 1 huân chương chiến công. Năm 1955 anh được kết nạp vào Đảng, và ngày 7/7/1958 anh được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lao động. Từ năm 1956, anh Cao Viết Bảo đã được bầu làm ủy viên BCH Trung ương Đoàn TN Lao động Việt Nam cho đến năm 1980 (nay là Đoàn TNCS HCM). Năm 1960, anh là đại biểu Quốc hội khóa II; là đảng ủy viên xưởng Z1 Cục Quân giới. Những năm 1961 – 1970, anh là Bí thư Đảng ủy xưởng 100 Cục Quân giới, ủy viên BCH Công đoàn Hậu cần Việt Nam.

Từ năm 1960 đến 1968, các anh hùng ngành Quân giới là Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm và Cao Viết Bảo nhiều lần được gặp Bác Hồ. Riêng anh Cao Viết Bảo là người ít tuổi nhất, người thấp nhỏ, có đôi mắt sáng, tác phong nhanh nhẹn nên được Bác rất quan tâm. Bác đã tặng anh Bảo một con dao nhỏ mà nhiều lần Bác dùng gọt táo cho anh. Khi Bác qua đời, Anh hùng Cao Viết Bảo vinh dự được túc trực bên linh cữu Người.

Những năm 1981-1982 khi đã là đại tá, trưởng phòng, anh Cao Viết Bảo vẫn giản dị trong bộ quân phục, vẫn đứng xếp hàng mua thực phẩm ở 12 phố Đặng Dung.

Mùa hè năm 1984, chúng tôi mời anh dự trại hè với thiếu niên nhi đồng phường Quán Thánh, anh đã nhận lời và bỏ cả ngày đi với các cháu rất vui. Các cháu đã quây quần nghe anh kể chuyện. Những đôi mắt tròn long lanh, chăm chú… Ai ngờ chỉ 8 tháng sau: Tháng 3/1985 anh qua đời đột ngột do bệnh tim ở tuổi 53.

Sinh thời, anh Cao Viết Bảo luôn hết lòng vì công việc chung, nhường những tiêu chuẩn phân phối của mình cho anh chị em khác. Có một câu chuyện ai cũng biết: Đó là việc anh chị hàng ngày đào đất đóng gạch để tự sửa căn nhà lá ở Ngọc Thụy – Gia Lâm. Mới được một phần ba số gạch thì anh đã ra đi mãi mãi!

20 năm đã qua mà hình ảnh anh, người đồng chí, đồng đội mẫu mực, người cán bộ gương mẫu vẫn không phai mờ trong chúng tôi.

MỚI - NÓNG