Chuyện xe khách ngày tết - Nói hay đừng?

Chuyện xe khách ngày tết - Nói hay đừng?
TPO - Chuyện đi xe khách ngày tết như đi xe chui thời bao cấp, vé xe tăng gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày thường, trẻ con 4 - 5 tuổi cũng phải tính vé như người lớn....
Chuyện xe khách ngày tết - Nói hay đừng? ảnh 1
CSGT đang xử lý một xe khách chở người quá quy định

Rồi chuyện các “thượng đế” bị đuổi xuống dọc đường, chuyện nhà xe nhồi nhét hành khách, xe chở quá số người quy định mà không bị thanh tra giao thông “hỏi thăm” .v.v. và v.v. không chỉ là nỗi lo của những người có nhu cầu về quê chúc tết, đi chơi, thăm hỏi họ hàng không chỉ của người ra Bắc, vào Nam mà nó đang là nỗi kinh sợ của những người có nhu cầu ngược xuôi trên phố núi Hà Giang trong dịp Tết Nguyên đán này.

Lường trước tình thế phải trải qua chặng đường vài trăm cây số trên những đoạn đường gồ ghề, khúc khuỷu đèo núi, nên mặc dù mùng 6 tết mới phải đi làm, nhưng mùng 4 tôi đã chấp nhận chia tay Hội làng, bỏ qua lễ Hoá vàng của gia đình để mong trở lại cơ quan sớm, tránh được nỗi ám ảnh tàu xe ngày tết.

Nhưng không biết có phải vì người đi xa đều có chung nỗi lo, hay tại số lượng hành khách tỷ lệ nghịch với số xe lưu thông trên đường mà phải đợi đến gần một tiếng đồng hồ mới có một chiếc xe mang biển số 34K 6073, có cái tên Phú Thương, chạy tuyến Hải Dương - Hà Giang dừng lại cho tôi lên.

Đó cũng là chiếc xe, mà theo anh phụ xe có mái đầu cắt cua vừa đủn tôi lên trong lúc chiếc xe vẫn đang chuyển bánh, vừa nói: Đây là xe “nhà quê” nên giá vé cùng rất “nhà quê”.

Đúng như tên “nhà quê” hay “máy già” mà chủ nhân đặt cho, dù gió từ ngoài trời thổi vào lạnh buốt, trong xe những chú ruồi béo mập vẫn hồn nhiên lượn lờ trước mặt hành khách, còn mỗi khi xe đi vào chỗ xóc, đường xấu chiếc xe oằn lên nặng nề, thành rung lên bần bật, ghế trơ ra hết độ giảm xóc...

Thế nên tôi tin chắc nếu ai có nhu cầu mua xe chở khách đi trên chuyến xe này sẽ không ngần ngại lựa chọn vì những ưu điểm mà nó đạt được: Đó là chiếc xe chỉ chứa được 24 chỗ ngồi và đã được liệt vào loại “máy già”, nhưng chủ nhân của nó vẫn ngần ngại chất lên ngót 40 người lớn và 5 trẻ em. Bằng chứng là dãy ghế tôi ngồi chỉ có 3 ghế chính và một ghế phụ nhưng cũng chứa tới 5 người lớn và 3 trẻ em;

Thứ hai có thể nói đó là chiếc xe “may mắn”, vì chạy suốt chặng đường gần 500 cây số, qua năm, bảy tỉnh thành mà không hề bị chú cảnh sát giao thông nào “hỏi thăm”. Chỉ duy nhất khi xe qua ngã ba nhà máy giấy Bãi Bằng (tỉnh Phú Thọ) mới có một anh công an đứng đường chỉ gậy. Ngay lập tức anh phụ xe liền bo với anh tài xế: “Ngày tết mà, mày cứ chạy đi, nó không đuổi đâu mà sợ”.

Đúng như anh phụ xe nói, chiếc xe đàng hoàng vụt qua mà không hề nhấn phanh đỗ lại, vậy mà “nó” cũng chẳng thèm đuổi thật. Tôi nhủ thầm, hay là chiếc xe này có “uy” gì đây, phi chăng là cái “uy” mà Nhà xe  vẫn thường bo nhau là đóng “vé tháng”, “làm luật”...

Thứ ba là kỷ lục về tiền vé. Dù giá đã được niêm yết toàn tuyến Hải Dưng - Hà Giang là 90.000 đồng, nhưng anh phụ xe vẫn hồn nhiên tuyên bố: “Đi gần hay đi xa, lên từ tỉnh Hải Dưng, Hà Nội, Việt Trì, Phú Thọ hay Tuyên Quang, xuống ở Vĩnh Tuy, Bắc Quang hay Thị xã Hà Giang thì đều chịu giá vé như nhau 120.000 đồng/người. Đường gần thì tính 1.000 đồng/km, ai không đi được thì xuống”.

Anh ta còn nói thêm: Xe này là xe “nhà quê” nên mới có giá “quê” thế, chứ các xe khác nó lấy mỗi đầu người là 150.000 đồng, ngoài ra mỗi hành khách phi mừng tuổi thêm cho nhà xe 10.000 đồng nữa đấy.

Vừa lúc đó, trước xe có chị phụ nữ ôm con nhỏ vẫy vẫy, anh ta nói luôn: “Lúc trước xe nghỉ ở cây 7 Phú Thọ bảo đi không đi, đi xe Hà Nội làm sao chịu được nhiệt, bị đuổi xuống là phải”. Chiếc xe vụt qua, tôi ngoái lại, người phụ nữ bế đứa trẻ và những túi đồ đạc lỉnh kỉnh đứng bên khúc đường cua rơm rớm nước mắt.

Từ ngày 23 tháng Chạp đến hết Rằm tháng Giêng là “tháng củ mật” của nhà xe. Vì vậy, không chỉ tuyến Hà Giang đi các tỉnh lẻ và ngược lại, các tuyến đường từ tỉnh miền xuôi lên với tỉnh miền núi Hà Giang đều phải chịu giá cắt cổ do nhà xe quy định, mà ngay cả tuyến đường có đông xe nhất là Hà Giang - Hà Nội, hành khách đều chịu chung cảnh lên xe ở đâu không biết và đến điểm nào không hay, cứ đi là phi chịu giá vé 150.000 đồng/người, điều này đã trở thành “quy định chung”, thành “luật bất thành văn” của những chủ xe ngày tết.

Anh bạn tôi đã nhiều năm trong nghề chạy xe Hà Giang - Hà Nội, tâm sự: “Bây giờ xe khách liên tỉnh ở Hà Giang nhiều quá nên nhà xe quanh năm đói. Chủ xe nào biết chiều khách, tạo được uy tín thì có khách quen, thu nhập cũng được. Nếu không, chở hành khách thì ít mà chở gió thì nhiều. Ngày thường nhà xe đâu dám tăng giá, chỉ mong có dịp lễ, tết để kéo lại”.

Hành khách thì có tâm lý chung, cả năm mới có ba ngày tết nên muốn đi đến nơi, về đến chốn để cả năm thuận buồm xuôi gió, vì thế đành bấm bụng rút tiền ra trả cho xong. Người hào phóng thì chặc lưỡi thông cảm vì chịu cảnh bắt xe ngang đường. Người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vắt kiệt giọt mồ hôi, thắt lưng buộc bụng tích cóp được dăm đồng mang về sắm tết, cúng dỗ ông bà thì than thở kêu trời. Người nào có “nghĩa khí” thì bị phụ xe trừng mắt doạ nạt, tàn nhẫn hơn là đuổi xuống ngang đường.

Thị xã sơn cước Hà Giang đã mùng Bốn Tết mà đường xá vẫn thưa người. Anh bạn tôi đã 10 năm ăn tết ở Hà Giang, kể: Năm nào cũng vậy, Hà Giang ngày thường thì tấp nập là thế, Tết về lại vắng bóng người, nhà nào nhà ấy cửa đóng then cài im ỉm vì người thị xã đa số là dân dưới xuôi lên đây làm ăn, đến Tết đều về quê cả.

Đấy là chưa nói đến các huyện, thị trấn, trường học ở các huyện miền núi cao của tỉnh ngoài người phải ở lại trực tết, còn thì ai cũng muốn về quê thắp nén nhang, thăm hỏi họ hàng. Ngoài con đường “độc đạo” là quốc lộ II gắn kết thị xã Hà Giang với miền xuôi và phưng tiện công cộng duy nhất chở khách đi ngược về xuôi cũng chỉ là... xe khách. Thế mới biết nhà xe vớ bẫm thế nào.

Đi xe khách đầu xuân, vui ít, buồn nhiều. Buồn không phải vì mất tiền do bị bắt chẹt giá vé mà vì cảm giác hụt hẫng. Ngày thường nhà xe phục vụ khách chu đáo, nhiệt tình bao nhiêu thì ngày tết khách lại bị phụ bạc bấy nhiêu.

Nếu nhà xe chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không đề cao chữ Tâm, chữ Tín thì chuyện “làm luật”, cạy cục nhờ người thân chạy cho bằng được “vé đóng luật tháng” để họ lờ cho lỗi chở quá tải, phóng nhanh vượt ẩu, thu vé sai quy định, chạy không đúng luồng đúng tuyến...

Tệ hại hơn là các chú tài xế tay lái non không có bằng cũng được giao nhiệm vụ cầm sinh mạng cả mấy chục con người rượt đuổi nhau qua những đèo dốc cua... mới thật là kinh khủng.

Chiều mùng Năm Tết, tôi ra bến xe đón người thân từ quê trở về cơ quan. Vẫn những chuyến xe tấp nập ra, vào bến, vẫn những bộ quần áo xộc xệch, khuôn mặt xanh mướt của hành khách vừa xuống xe sau một chặng đường dài mệt mỏi.

Nhưng dường như sau vẻ khó chịu, mệt mỏi đó, hành khách lại tìm được cảm giác vui mừng mà thở phào nhẹ nhõm vì đã “thượng lộ bình an”, để thay vào đó là những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ và những lời chúc đầu xuân họ dành cho nhau khi trở lại nơi công tác, gặp bạn bè, đồng nghiệp, người thân.

Không biết trong đoàn hành khách đi ngược về xuôi đó có ai là cảnh sát giao thông, ai đang làm luật và thực thi luật. Họ thấy gì và suy nghĩ gì không? Còn tôi lại mơ đến một đường dây nóng, một số điện thoại bắt buộc chủ xe phải dán ngay trong xe và in trên những tấm card visit để hành khách kịp thời báo với các nhà chức trách khi có lỗi vi phạm xảy ra.

Thế mới mong hành khách ngược xuôi trên tuyến Hà Giang có những chuyến đi thực sự bình an và vui vẻ. Đó còn là một tiêu chí thu hút khách thập phương đến với một tỉnh miền núi nhiều tiềm năng du lịch như Hà Giang, vì người tài xế, phụ xe chính là những nhân vật chào đón, gây được thiện cảm cho khách du lịch đầu tiên khi họ mới bắt đầu một chuyến khám phá mảnh đất mới.

MỚI - NÓNG