Cơ sở sản xuất dây diện gây ô nhiễm khu dân cư

Cơ sở sản xuất dây diện gây ô nhiễm khu dân cư
TP - Đó là cơ sở sản xuất (CSSX) dây điện của anh Nguyễn Thành Luyện, hoạt động ngay trong khu dân cư thuộc tổ dân phố 18, phường Sài Đồng (quận Long Biên).
Cơ sở sản xuất dây diện gây ô nhiễm khu dân cư ảnh 1
CSSX của anh Luyện luôn đóng kín cửa để sản xuất  Ảnh: K.N

CSSX này là một căn nhà cấp 4, rộng hơn 100 m2, hoạt động gần chục năm nay, nhưng đến năm 2001 anh Luyện mới được UBND huyện Gia Lâm (khi đó địa bàn huyện Gia Lâm chưa tách thành quận Long Biên và huyện Gia Lâm như hiện nay) cấp đăng ký kinh doanh với vốn pháp định 50 triệu đồng, ngành nghề sản xuất dây điện bọc nhựa PVC.

Từ khi có giấy phép kinh doanh, anh Luyện bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất khiến mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Trong đơn kiến nghị gửi Tiền phong, các hộ dân tổ 18 nêu: “Hệ thống máy móc trong CSSX của anh Luyện hầu hết do tự tạo, cũ kỹ, lạc hậu. Nhiều năm nay, chúng tôi thường xuyên phải chịu đựng tiếng máy gầm rú, mùi nhựa tái sinh khét lẹt độc hại cũng như cái nóng hầm hập được phả ra từ lò ủ đồng do CSSX này gây nên. Các hộ dân đã cải tạo lại hệ thống cửa cũng như tìm mọi cách che chắn để giảm thiểu sự ô nhiễm nhưng đều không hiệu quả”.

Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm trên, các hộ dân tổ 18 đã làm đơn kiến nghị gửi UBND phường Sài Đồng. Ngày 21/7/2006, ông Nguyễn Xuân Điệp - cán bộ quản lý môi trường phường Sài Đồng cùng đại diện tổ dân phố đã tiến hành kiểm tra CSSX của anh Luyện.

Biên bản kiểm tra kết luận: “Yêu cầu gia đình ông Nguyễn Thành Luyện nhanh chóng khắc phục thiết bị nhà xưởng trong thời gian ngắn nhất để bảo đảm vệ sinh môi trường cho phép và không gây tiếng ồn sang xung quanh. Nếu gia đình không thực hiện các quy định về môi trường của Nhà nước thì phải ngừng sản xuất”.

Thế nhưng, CSSX của anh Luyện vẫn hoạt động mà không có sự thay đổi nào để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngày 29/7/2006, ông Nguyễn Xuân Điệp lại tiến hành kiểm tra và lập biên bản lần 2 với kết luận: “Gia đình ông Luyện phải tạm ngừng sản xuất để hoàn chỉnh lại các thiết bị và các quy định của Nhà nước đề ra. Nếu cố tình sản xuất làm ảnh hưởng đến xung quanh, gia đình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Đánh trống bỏ dùi?

Ngày 2/10/2006, anh Luyện đã chủ động mời một đơn vị có khả năng kiểm nghiệm về tác nghiệp của môi trường (thuộc Tổng cục Kỹ thuật) để đo đạc xem  CSSX của mình có gây ô nhiễm hay không.

Theo kết quả phân tích, thì cơ bản CSSX của anh Luyện đạt tiêu chuẩn cho phép, chỉ có độ ồn khu vực ngách bên ngoài xưởng vượt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, phiếu phân tích này cũng ghi chú: “Kết quả trên chỉ có giá trị tại thời điểm thực hiện quan trắc: 2/10/2006”.

Ông Đặng Trần Nam, Tổ trưởng tổ dân phố 18 cho biết: Hôm đơn vị đó đo đạc xong mới mời chúng tôi đến và khi đó CSSX của anh Luyện chỉ bật một máy. Thấy vậy tôi và một số người dân có mặt đề nghị bật các máy làm việc như thường để đo đạc lại nhưng họ không làm.

Còn ông Nguyễn Xuân Điệp, cán bộ quản lý môi trường phường Sài Đồng cũng cho biết: Khi đo tôi cũng có mặt, sau đó họ đem mẫu về phân tích rồi có kết quả thì mình cũng chỉ biết vậy.

Tuy nhiên, với kết quả phân tích “chỉ có tiếng ồn khu vực ngách bên ngoài xưởng là vượt tiêu chuẩn cho phép”, nên sau đó anh Luyện cứ việc đóng kín cửa tiếp tục sản xuất.

Khi làm việc với PV, mặc dù phân bua rằng mình không sử dụng nhựa tái sinh để bọc dây điện, nhưng anh Luyện cũng phải thừa nhận rằng với mức độ sản xuất như vậy thì tình trạng ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi.

Trước thực trạng trên, đề nghị UBND phường Sài Đồng và các cơ quan chức năng cần xác định lại một cách khách quan và kết luận mức độ ô nhiễm môi trường do CSSX của anh Luyện gây ra. Nếu vượt quá tiêu chuẩn cho phép, thì không thể để một CSSX như vậy nằm trong khu dân cư.

MỚI - NÓNG