Có thể đặt điểm O bên bờ Hồ Gươm

Có thể đặt điểm O bên bờ Hồ Gươm
TP - Phản hồi bài “Xây cột Km 0 bên Hồ Gươm: Cần thiết hay lãng phí?”, độc giả khắp nơi có ý kiến khác nhau, phản đối khá nhiều, đóng góp cho ý tưởng gần hơn với thực tiễn cũng không ít.

Chuyên trang Bình luận - Ý kiến số báo này, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu, và mong tiếp tục nhận được nhận xét, đóng góp cho đề tài này.

Có thể đặt điểm O bên bờ Hồ Gươm ảnh 1
Việc xây tháp Km 0 tại Hồ Gươm, Hà Nội phải được cân nhắc kỹ càng, thận trọng Ảnh: Hồng Vĩnh

Có thể đặt điểm 0 bên bờ Hồ Gươm

Tuy nhiên, là một cán bộ làm trong ngành đo đạc bản đồ, tôi xin khẳng định nếu đo đạc chính xác vị trí Km 0 để làm chuẩn cho việc tính khoảng cách đi các ngả đường, chắc chắn sẽ không ở vào vị trí mong muốn bên bờ Hồ Gươm.

Thêm nữa, xác định vị trí này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến mạng lưới trắc đạc của ngành đo đạc bản đồ nước nhà như ông Viện trưởng Viện Địa lý nói trong bài đăng trên Tiền Phong số 66 ngày 7/3/2009.

Việc xây theo kiến trúc như Tiến sĩ Hà Đình Đức đưa ra là tốn kém không cần thiết. Hơn nữa, đúng như lời Giáo sư Lê Văn Lan trong bài báo, nó sẽ phá vỡ cảnh quan xung quanh hồ.

Ý kiến của ông Lợi nói Km 0 là chỉ số kỹ thuật quan trọng phục vụ công tác quy hoạch và các ngành kinh tế khác hoàn toàn không có cơ sở nào. Chẳng có ai sử dụng vị trí này một cách chính xác tuyệt đối để tính toán quy hoạch cho các ngành khác.

Nếu có, cũng chỉ là một con số tương đối chính xác như so với trị trí tại Bưu điện Bờ Hồ (sai số 100 – 200m) là được. Thêm ý tưởng hạ vị trí này xuống đúng cốt 0 thì càng ngây thơ. Ngành đo đạc có cả hệ thống lưới độ cao quốc gia để phục vụ cho các ngành kỹ thuật.

Giả dụ có để đúng vị trí này về cốt 0 , bên bờ Hồ sẽ có một cái giếng sâu hơn đáy Hồ Gươm và dưới đó là cột mốc 0 của Việt Nam.

Tôi đồng tình với việc đặt vị trí điểm 0 bên bờ Hồ Gươm chỉ cần đơn giản như điểm 0 như người Pháp làm ở sân Nhà thờ Đức Bà. Bên Pháp, người ta đặt điểm Km 0 tại sân trước cửa Nhà thờ Đức Bà Paris, chỉ là một tấm sắt có tâm bằng đồng với kích thước chỉ bằng miệng hố ga tròn (đường kính một m) được chôn chìm xuống sân.

Thế mà, ai đến đây cũng phải cố tìm cho được vị trí này. Tương truyền, có một lời nguyền linh thiêng là “ai đến đây mà đặt chân lên vị trí điểm 0 này sẽ có cơ hội trở lại Paris nhiều lần nữa.

Vị trí đặt điểm 0 có thể chọn xung quanh bờ Hồ hay trên sân trước tượng đại Lý Công Uẩn. Điểm 0 này mang ý nghĩa tượng trưng như một vị trí chuẩn để người ta so sánh trong văn hóa đời thường, cũng như để mỗi khách du lịch đến đây có thêm một niềm tự hào nho nhỏ nữa là từng đặt chân đến vị trí 0 của Việt Nam.

Theo tôi, việc xây tháp Km 0 tại Hồ Gươm, Hà Nội phải được cân nhắc hết sức kỹ càng và thận trọng, bởi Hồ Gươm không chỉ là địa linh của riêng Hà Nội mà còn là của cả dân tộc Việt Nam. Tôi không phải là người mê tín, nhưng liệu ta có tính đến việc phá vỡ phong thủy nơi địa linh của cả dân tộc sẽ ảnh hưởng ra sao trong tương lai chưa?

Việt Đông
Hà Nội
hoainamtx@...

Dù xây bằng ngọc phỉ thúy chăng nữa…

Cần nghiên cứu kỹ về nhiều mặt, xem việc xây dựng cột Km 0 bên Hồ Gươm có thật cần thiết. Từ thời “Nhà Giây Thép Hà Nội” – Tên mọi người thường gọi trước CM tháng 8/45 – được xây dựng cho đến nay; hầu hết mọi người vẫn quan niệm nơi ấy (tức Bưu điện Hà Nội) là mốc Km 0 để tính đường dài từ Thủ đô tỏa đi mọi miền đất nước.

Nếu không, căn cứ vào đâu để, từ trước kia, người ta cắm các cột cây số trên các tuyến đường bộ như Hà Nội – TP HCM là 1.719 km, Hà Nội – Châu Đốc 1.963 km hay Hà Nội – Lạng Sơn 154 km, Hà Nội – Hải Phòng 101 km v.v…

Ngoài ra, cột mốc cây số là để đánh dấu cho từng đoạn đường, sau khi đo đạc chuẩn xác. Nó thiết thực nhất về mặt giao thông. Vậy thì nó mang nặng tính khoa học, chứ không thể gán cho nó thuộc về công trình văn hóa được.

Cột Km 0, nếu được xây dựng dù bằng đá quý như ngọc phỉ thúy hay kim cương chăng nữa đâu có phải sẽ là di tích văn hóa như tháp Hòa Phong, Tháp Bút, Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Rùa.

Đó là chưa kể, nếu được phê chuẩn, sau khi đo đạc, cột Km 0 sẽ không phải ở giữa cửa nhà Bưu Điện Hà Nội, mà lại chệch về bên phải hay bên trái, hoặc đúng ngay Tháp Hòa Phong thì sao?

Chẳng lẽ vì vấn đề khoa học, tính chính xác của đo đạc, mà phải chuyển tháp Hòa Phong đi nơi khác, nhường chỗ chuẩn cho cột Km 0? Còn, nếu chệch sang phải hay sang bên trái độ 300m – 400 m chẳng hạn, liệu có phải phá dỡ những công trình đã xây dựng như nhà cửa, hè đường?

Về mặt cảnh quan nơi chung, Hồ Gươm và cả bờ bao xung quanh có rộng gì đâu. Ngoài những di tích văn hóa, lịch sử đã có các kiến trúc đều theo kiểu cổ truyền.

Nay dựng lên một cái cột Km 0, hình trụ vuông vắn bốn mặt, thuộc loại kiến trúc hiện đại, như thế vừa chen chúc, vừa khiến cho không gian Hồ Gươm nói chung, càng thêm chật chội. Và, cảnh quan sẽ không hài hòa khi công trình mang tính hiện đại đặt bên các công trình cổ, chẳng khác gì một ca khúc tân cổ giao duyên.

Đối với Thủ đô Hà Nội, để tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, phải lo nhiều thứ, kể cả xây dựng, tu bổ nhiều công trình mới, cũ. Song, phải xét cái gì thật cần mới làm, chứ không phải cứ vẽ ra và gắn vào đó dòng chữ “Kỷ niệm 1.000 năm…” là đổ của vào làm.

Quan tâm đến khung cảnh Hồ Gươm, thiết thực nhất, có lẽ là cần giữ nước hồ sao cho sạch, để cụ Rùa được trường thọ, và làm cách nào đó để các cụ có con, cháu nối dõi thì thật là quý. Đồng thời, vấn đề vệ sinh môi trường cũng cần chú ý hơn, để cho cảnh quan luôn giữ được vẻ thơ mộng, trong lành vốn có của nó.

Nguyễn Thanh Hải
Đại Áng – Thanh Trì – Hà Nội

Nói mang ý nghĩa phục vụ giao thông thì không thật sự cần thiết vì, cột mốc Km 0 trong tiềm thức của mọi người Việt Nam, ở mỗi một đô thị, thành phố, đều xác định tương đối là nhà bưu điện thành phố và nó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng hơn là một giá trị chính xác cụ thể.

Độc giả: Thachnguyenvan
nguyenthachvptt@...

Chỉ sợ có mới nới cũ

Đừng quên, con người mới là nhân tố quyết định đến truyền thống văn hóa, và những bước đi lịch sử của đất nước và dân tộc.

Thiết nghĩ, việc trọng đại này cần có ý kiến của số đông dân chúng chứ không thể vì dăm ba câu chuyện của vài người là trên bảo, dưới nghe. Việc xây dựng “cột mốc Km 0” không phải là chuyện lạ.

Nhiều nước trên thế giới đã làm điều này. Có thể kể đến thủ đô Athens (Hy Lạp), Paris (Pháp), Rome (Italia) hay New Delhi (Ấn Độ)...

Bên Pháp có một điểm tròn nằm trên sân trước nhà thờ Đức Bà Paris, lát mấy viên đá và khắc dòng chữ: “Point Zero Des Routes De France”. Điểm số 0 của tất cả các con đường nước Pháp.

Ở Athens (Hy Lạp) có một cột mốc nhỏ trong SVĐ ở TP Athens – coi đó là điểm xuất phát của các cuộc đua marathon trên đất nước này…

Xây dựng Km 0 ở HN thời gian gần đây trở thành tâm điểm của dư luận. Trong khi đó, nhiều di tích khác đang cần được trùng tu, tôn tạo như Trung Liệt miếu (Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, HN),  hồ Hữu Tiệp (Ngọc Hà, Ba Đình)… thì chúng ta lãng quên.

Liệu đó có phải là biểu hiện “có mới nới cũ”. Xin lấy một dẫn chứng khác: chuyện  tượng đài trở thành bãi để xe. Ai cũng biết, tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” là một công trình lớn của thành phố Hà Nội.

Theo quy định của ban quản lý quận Hoàn Kiếm, không ai được xâm phạm đến các công trình  kiến trúc tại khu vực này. Ấy thế mà, hiện nay tượng đài này lại trở thành bãi gửi xe, và nơi uống nước. Phải chăng, vì tượng đài đã quen và cũ nên người ta muốn làm gì thì làm? 

“Có mới nới cũ” là một tật xấu của con người, ý chỉ hành động phụ bạc, có cái mới thì quay ra rẻ rúng cái cũ. Và đây chính là điều tôi lo nhất khi có ý tưởng xây dựng một tháp Hà Nội- Km 0.

Có thể tháp Hà Nội- Km 0 sẽ được xây dựng trong nay mai nhưng, giữ cho  nó đẹp và thiêng liêng, không phải dễ dàng, khi ý thức của một bộ phận nhân dân nơi công cộng còn chưa tốt.

Ngoài ra, dựng mốc Km 0 là khá tốn kém. Trong bài “Xây cột Km 0 bên Hồ Gươm: Cần thiết hay lãng phí?”, tôi  không đồng tình với ý kiến của một cán bộ ở Cục Đo đạc & Bản đồ khi vị này cho rằng “xây dựng một cột mốc như vậy(…), về kỹ thuật đo đạc chỉ tốn khoảng 100 triệu đồng. Phần thiết kế, xây dựng khoảng vài tỷ đồng…”.

Vài tỷđồng, số tiền đó có thể trùng tu hàng loạt di tích khác ở Hà Nội 1 (nội thành) và cả Hà Nội 2 (ngoại thành). Mặt khác, chúng ta chưa tính đến tiến độ đo đạc, thi công là bao lâu, trong khi “bao nhiêu ngày, thì bấy nhiêu công sức và tiền của” đổ vào. Đấy chính là khó khăn lớn mà khó ai có thể lường trước được.

Nhân Chính
thanhcaonguyen@...

Cột mốc số 0 (nếu có) phải là cho nhiều mục đích, chứ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong giao thông. Có hay không có cột mốc đó thì giao thông cũng không vì vậy mà tốt hơn hay xấu đi.

Tôi nghĩ nếu ngày nay chúng ta làm cột mốc đó (hay cái gì đó tương tự như thế) thì phải đạt tầm cỡ để thu hút khách du lịch, cho con cháu mai sau có nguồn thu.

Nguyen Minh
hanoi@...

MỚI - NÓNG