Cổ tích của cậu bé không có tay và chân

Cổ tích của cậu bé không có tay và chân
TP - Buổi đầu cầm bút, cậu bé Rueng chỉ có 2 đùi mà không có chân, tay gặp bao vất vả. Hai cái cùi tay của Rueng chẳng theo ý muốn, cứ làm cây bút rơi hoài, các bạn liên tục nhặt lên kẹp vào giữa 2 cùi trỏ giúp Rueng tập viết...
Cổ tích của cậu bé không có tay và chân ảnh 1
Rueng đang học bài

Cùng hơn 100 bạn học sinh đến Ủy ban Dân số - Gia đình & Trẻ em tỉnh Gia Lai nhận học bổng ngày 17/8/2007, dành cho trẻ em nghèo hiếu học, học giỏi có một học sinh lớp 6 – Trường dân tộc nội trú huyện KrôngPa – Gia Lai có hoàn cảnh rất đặc biệt.

Khập khiễng bước lên sân khấu bằng đôi chân giả, em sôi nổi hát tặng các bạn một lúc 4 bài hát. Đây là năm thứ 4, Rueng được nhận học bổng của tổ chức sáng kiến Tây Hồ tài trợ, thông qua Quỹ bảo trợ trẻ em trao tặng với số tiền 1.560.000 đồng/mỗi năm học.

Là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh em, cũng như người chị của mình, Rueng được sinh ra chỉ có 2 đùi mà không có chân, không tay. Mẹ cha khóc hết nước mắt vì thương con nhưng đành chịu vậy.

Vùng đất Krông Pa trước kia là căn cứ địa cách mạng, Mỹ đã từng rải xuống đây hàng loạt chất độc da cam. Sau cuộc chiến, nơi đây trở thành vùng đất chết. Tàn dư của thứ chất độc chết người ấy giờ đây lại tiếp tục hủy diệt sự sống của bao đứa trẻ thuộc thế hệ thứ ba này.

Nhìn con thèm khát với những trò chơi vận động của lũ trẻ trong làng, cha mẹ không biết bao nhiêu lần rơi nước mắt. Năm học 2000 - 2001, Rueng tròn 6 tuổi. Nhìn các bạn đồng trang lứa được cha mẹ chuẩn bị sách vở tới trường, Rueng nằng nặc đòi mẹ đi học.

“Thương con, mình cũng mua sách vở cho con vừa lòng chứ thực ra trong bụng mình nghĩ, không có tay thì làm sao mà viết được chữ” - Mẹ Rueng ngậm ngùi.

Ngày khai trường, Rueng được cha cõng tới lớp. Nhưng ở đâu, Rueng cũng gặp những cặp mắt tò mò, những lời xì xào, bàn tán của các bạn.

Buổi đầu cầm bút với bao nỗi vất vả. Hai cái cùi tay chẳng theo ý muốn, cứ làm cây bút rơi hoài, các bạn liên tục nhặt lên kẹp vào giữa 2 cùi trỏ giúp Rueng tập viết.

Được sự động viên của cô giáo, sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn, sang đến nửa học kỳ I, Rueng đã thành thạo trong từng động tác. Cái bút đã chiều theo sự điều khiển của Rueng. Chính điều đó trở thành nguồn động viên to lớn, giúp Rueng hằng ngày vượt hơn 2 cây số tới trường bằng đầu gối.

Nhiều lần bị mảnh chai, đá nhọn đâm vào đến bật máu song điều đó chẳng làm giảm lòng ham học, ý chí vươn lên chiến thắng số phận của cậu bé người dân tộc Ja Rai này.

Một điều làm cho nhiều người phải khâm phục, vì ngoài danh hiệu học sinh khá, giỏi đạt được qua các năm học, Rueng còn là tác giả của nhiều vở kịch nói lên tinh thần lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của những đứa trẻ tật nguyền.

Bước vào lớp 6, Rueng may mắn được vào học tại Trường nội trú của huyện Krông Pa. Giờ đây, em đã được Hội chữ thập đỏ làm cho đôi chân giả. Một thời đầy gian khó tới trường bằng hai đầu gối đã lùi vào dĩ vãng.

Nhắc chuyện cũ, Rueng tỏ ra tiếc nuối: “Ngày ấy, trong làng cũng có vài bạn bị tật. Các bạn cũng đi học nhưng chỉ hết lớp một rồi nghỉ luôn. Em nghĩ, nếu không chịu khó học cái chữ, sau này sẽ chẳng giúp ích gì cho xã hội, lại còn làm phiền đến người thân, em sẽ cố gắng học để không phụ lòng tin và sự thương yêu của mọi người”.

Thanh Thủy
Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh Gia Lai

MỚI - NÓNG