Cổ tích giữa đời thường

Cổ tích giữa đời thường
TP - Cho đến tận bây giờ, người thương binh cụt cả hai tay Trần Thị Hồng (71 tuổi) và ông Hoàng Văn Uyên (72 tuổi), chồng của bà, vẫn rất nhớ về bài báo đầu tiên trên Tiền Phong viết về chuyện tình, chuyện đời họ trong những năm chiến tranh.

> Chuyện buồn kể muộn
> Tiền Phong và 'phe nước mắt'

Bà Hồng, ông Uyên vẫn hạnh phúc bên nhau. Ảnh: Hồng vĩnh
Bà Hồng, ông Uyên vẫn hạnh phúc bên nhau. Ảnh: Hồng vĩnh.

Trong một trận ném bom ác liệt trên đỉnh Trường Sơn năm 1968, cô thanh niên xung phong 25 tuổi, quê gốc Hà Tĩnh Trần Thị Hồng đã bị thương nặng, phải cắt bỏ đi 2 cánh tay.

Tỉnh dậy, biết mình không còn đôi tay nữa, cô không muốn sống nữa bởi cảm giác mặc cảm với mọi người và đặc biệt là với một người con trai làm cùng tuyến đường đã chiếm trọn trái tim cô.

Thế nhưng, Hồng không ngờ rằng, một năm sau chàng trai ấy đã tìm đến cô (lúc đó đang ở một trạm điều dưỡng thương binh) ngỏ lời mong được lấy bà làm vợ. Cô đã ngất đi khi gặp anh và khóc rất nhiều, nằng nặc từ chối lời cầu hôn.

Phía gia đình nhà anh Uyên cũng phản đối kịch liệt. Nhưng bằng sự chân thật và tình yêu thương đến cháy bỏng của ông Uyên, bất chấp sự phản đối của gia đình, hai người đã nên vợ nên chồng.

Câu chuyện tình cảm động của hai người đã được nhà báo Lê Minh Khuê viết lại và đăng trên báo Tiền Phong vào năm 1970. “Đó cũng là bài báo đầu tiên viết về câu chuyện của chúng tôi. Sau đó, nhà báo Lê Minh Khuê đã tặng cho tôi một số tờ báo có bài viết này. Đó là bài báo rất cảm động, viết lại khá chân thực, tình cảm câu chuyện của tôi. Sau này, có nhiều nhà báo viết bài về chúng tôi nhưng tôi vẫn thấy ấn tượng với bài báo đầu tiên này” - Bà Hồng cho biết.

Để viết được bài báo về hai vợ chồng người thương binh lúc ấy, tác giả Lê Minh Khuê đã phải nhiều lần đạp xe về tận nơi bà điều trị ở Nam Định hoặc Ba Vì (Hà Tây cũ) để gặp gỡ, trao đổi với nhân vật. Sau này bà Hồng không có dịp gặp lại nữ tác giả ấy nhưng bà vẫn rất ấn tượng với một nhà báo năng nổ, nhiệt huyết nhưng cũng sâu lắng một tấm lòng với nhân vật của mình. Tờ báo có bài viết này đã được bà Hồng nâng niu, trân trọng. Nhưng do quá nhiều người mượn để đọc lại nên bà bị thất lạc. Đến bây giờ bà vẫn thấy tiếc vì điều đó.

Sau đám cưới một ngày, ông Uyên lại tiếp tục lên đường chinh chiến, bà Hồng được chuyển qua nhiều trung tâm điều dưỡng cho thương binh. Mãi cho đến năm 1977, ông Uyên mới xin được về công tác tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), nơi bà Hồng đang điều trị để tiện cho việc chăm sóc vợ.

Ông trở thành đôi tay cùng bà Hồng xây dựng nên một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Ông bà đã có hai người con trai đến nay đều trưởng thành, một người đang là giáo viên của Trường Chuyên Bắc Ninh, một đang là cán bộ của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bắc Ninh.

Cuối tuần, hai ông bà lại rời Trung tâm điều dưỡng thương binh trở về Thành phố Bắc Ninh vui vầy bên con, cháu. Thi thoảng có phóng viên đặt vấn đề viết về câu chuyện tình đầy cảm động ấy, bà Hồng lại có một thoáng nao nao khi nhớ về nhà báo Lê Minh Khuê ngày trước…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG