Con đường mang tên Hạnh phúc

Tượng đài tôn vinh những công nhân, TNXP làm con đường Hạnh phúc được đặt trên đường dẫn đến đỉnh Mã Pì Lèng Ảnh: Trường Phong
Tượng đài tôn vinh những công nhân, TNXP làm con đường Hạnh phúc được đặt trên đường dẫn đến đỉnh Mã Pì Lèng Ảnh: Trường Phong
TP - Đã 60 năm kể từ thời điểm hàng nghìn thanh niên xung phong các tỉnh miền núi phía Bắc vượt hiểm nguy, bằng sức người chiến thắng thiên nhiên, mở đường nối thành phố Hà Giang với Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Người ta đặt tên là Con đường Hạnh phúc, bởi nó nối những niềm vui, vun đắp tình yêu và nhân lên hạnh phúc.

Đi tới hạnh phúc

185 cây số, nếu tính từ điểm bắt đầu cung đường Hạnh phúc nối thành phố Hà Giang kéo dài đến Mèo Vạc. Dù dằng dặc những núi đồi cao sừng sững, những đèo dốc ngoằn ngoèo, hun hút, nhưng ô tô, xe máy, thậm chí xe tải trọng lớn cũng có thể lưu thông được. Dĩ nhiên, đường Hạnh phúc ngày xưa không được to và đẹp như thế. Dọc đường, vẫn còn 2 chứng tích nằm ở huyện Quản Bạ về đoạn đường Hạnh phúc xưa kia. Hai phụ nữ hái rau bên đoạn đường chia sẻ, ngày xưa, hồi vẫn còn bé tí, vẫn thấy các cô, các chú làm tuyến đường này. Giờ mọi người không đi đường này nữa, người ta dành vài trăm mét để làm chứng tích. Nhiều người, thậm chí đứng trên đường Hạnh phúc cũng vẫn hỏi “đường đâu?”. 

Con đường mang tên Hạnh phúc ảnh 1 Ba chị em Vàng Thị Chá, Vàng Thị Chờ và Vàng Thị Sáu là con nuôi của Đồn Biên phòng Phó Bảng Ảnh: Trường Phong

Mở cửa đón khách trong căn nhà nằm sát đường Hạnh phúc, bà Nguyễn Thị Chiên (sinh năm 1943) cười bảo thỉnh thoảng bà vẫn nói với con cháu rằng “ngày xưa tao là người làm con đường này đấy”. Cả đời vất vả, giờ nhìn xe cộ đi lại tấp nập, đời sống người dân ngày càng khá lên, đồng bào đỡ khổ, bà Chiên thấy ấm lòng. Nhớ lại, bà Chiên kể, năm đó, bà thay chị dâu đi dân công. Sau, tỉnh Đoàn vận động cùng đi mở đường. Hồi đó, bà mới 16 tuổi, thuộc diện trẻ nhất công trường. “Họ nói làm đường lên nhà mình. Tôi mường tượng sau này có ô tô đi trên đường, được ngồi xe về nhà thích quá. Ở nhà mẹ khóc, nói, đi thay chị có mấy hôm mà thành đi mấy năm mới về”, bà Chiên nhớ lại. Lý giải về việc dù gặp nhiều gian khổ, khó khăn nhưng hàng nghìn người vẫn kiên quyết bám trụ công trường làm đường, bà Chiên hồi tưởng, trước đây, phải mất vài ngày mới đi xuống Hà Giang được. Đường cũng chỉ có ngựa mới đi nổi. Thế nên, khi có chủ trương mở đường, người dân trong vùng vui mừng tham gia làm đường Hạnh phúc. Ngày đi, bà Chiên mang 2 bộ quần áo, đơn vị phát thêm chiếu, chăn. Mùa rét 2 người chung vào, lấy 1 chăn làm đệm. Cứ như vậy đi liên tục 5 năm, xong đoạn này lại cuốn gói nhận đoạn khác. Con gái thì gánh đất, đàn ông đục tròong vào đá,có đoạn đàn ông phải treo người trên vách đá để đục. Có một chi tiết mà bà Chiên nhớ mãi, lúc đi làm đường Hạnh phúc, bà ước mơ được ngồi xe ô tô về nhà, nhưng, sau lễ khánh thành con đường từ Hà Giang đến Đồng Văn, bà trở lại quê bằng cách ... đi bộ. 

Con đường mang tên Hạnh phúc ảnh 2 Vợ chồng ông Hoàng Trùng Dương Ảnh: Trường Phong

Ông Hoàng Trùng Dương (sinh năm 1936), nguyên quán ở Cao Bằng, sau vì tìm được hạnh phúc riêng trên công trường làm đường Hạnh phúc mà định cư ở Đồng Văn. Ông bà hiện sống với nhau quây quần bên con cháu trong ngôi nhà ngay mặt đường Hạnh phúc. Ông kể nhớ nhất đoạn làm đèo Mã Pì Lèng, mỗi ngày chỉ đục sâu vào trong núi đá được 30cm, sau đó nhồi thuốc nổ. Con đường này kỳ vĩ nhất, gian khổ nhất nước nhưng chỉ làm thủ công. Ngồi sưởi bên bếp lửa, vợ ông Dương - bà Lò Thị Hử thỉnh thoảng “nhớ giùm” cho chồng. Ông bà cùng làm công nhân mở đường Hạnh phúc từ năm 1959, trải qua đủ gian khổ rồi mới kết hôn năm 1964. Trên công trường, cũng nhiều người tìm được hạnh phúc riêng, nhưng đa phần đã mất vì tuổi cao sức yếu. Cưới nhau xong, ông bà tiếp tục làm việc trên công trường tới khi đường Hạnh phúc kết thúc tại Mèo Vạc. Làm xong con đường, vợ chồng ông Dương sinh con, cùng lập nghiệp và bảo vệ mảnh đất Đồng Văn nơi địa đầu Tổ quốc. 

Lan tỏa hạnh phúc

Từ con đường Hạnh phúc, rẽ vào khoảng 20km, vòng theo đường dốc quanh co tới xã Xín Cái (Mèo Vạc) – nơi đóng quân của Đồn biên phòng Săm Pun. Từ đỉnh núi nhìn xuống thấy rõ đường Hạnh phúc uốn lượn giữa một bên vách đá dựng đứng của đèo Mã Pì Lèng, một bên là vực sâu của dòng Nho Quế xanh biếc. Đại úy Mùa Mí Cáy, Chính trị viên đồn Săm Pun, hiện tiếp nối truyền thống của gia đình, cống hiến cho bình yên của biên giới. Bố anh Cáy từng tham gia làm con đường Hạnh phúc. Đồn Biên phòng nơi anh Cáy đóng quân nằm ở độ cao gần 2 nghìn mét so với mực nước biển, thời tiết khắc nghiệt quanh năm. Anh tâm sự, thỉnh thoảng chở bố trên đường Hạnh phúc, cụ vẫn hãnh diện chỉ “chỗ này, chỗ kia ngày xưa tao làm đấy”. Có lẽ, anh Cáy, người bản địa, lại làm công tác bảo vệ đường biên, mốc giới cũng thấy rõ tầm quan trọng của con đường huyết mạch nối thành phố với vùng xa xôi, địa đầu Tổ quốc. 

Đối diện Đồn biên phòng Săm Pun có một dãy tập thể nhà nhỏ của các thầy cô giáo “cắm xã, cắm bản”. Nói như vậy, vì đa phần các thầy, cô giáo đều ở xa, lên đây lập nghiệp. Có người ở dưới xuôi, lên đã chục năm, bám đất, bám làng, lập gia đình, dành trọn tình yêu với học sinh bản địa. Xới đất trồng thêm một vài luống rau cải, cô giáo Phạm Hồng Bích (sinh năm 1987) kể, lên đây mới nghe câu chuyện về con đường Hạnh phúc, yêu đồng nghiệp cũng ở dưới xuôi lên, kết hôn, rồi sinh con, đẻ cái trên này. Lấy chồng xa, thời tiết khắc nghiệt, nhớ nhà, muốn về xuôi, nhưng “tình yêu với đất, với học sinh trên này lớn quá rồi”. Nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cưới cô giáo cắm bản. Chồng đi tuần tra biên giới, tranh thủ ghé điểm trường trên đường đi nhìn vợ một chút, rồi lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.

Cũng nằm trên một nhánh rẽ từ đường Hạnh phúc, Đồn biên phòng Phó Bảng (Đồng Văn) những năm gần đây có sự xuất hiện của 3 đứa trẻ. Thượng tá Hà Văn Nga, chính trị viên đồn cho biết, đây là 3 đứa con nuôi của đồn. Vàng Thị Chá, Vàng Thị Chờ và Vàng Thị Sáu là chị em ruột quê ở xã Sà Phìn. Bố các em đã mất và mẹ bỏ sang Trung Quốc lấy chồng khác. Trước khi về đồn sinh sống, cả 3 chị em ở nhà bác ruột với hoàn cảnh hết sức khó khăn. Thế là, từ 2015, những đứa trẻ ở cùng bộ đội biên phòng, 3 chị em Chá được bố trí phòng riêng, được các cán bộ dạy học ngoài giờ lên lớp. Tất nhiên, tác phong, giờ giấc cũng theo quy định của người lính. Năm nay, Chá đang học lớp 8 và những người lính nơi đây thống nhất nuôi các em đến lúc học xong, mong các em có thể học lên cao đẳng, trung cấp rồi tốt nghiệp mọi người sẽ tìm công việc giúp…

Con đường mang tên Hạnh phúc ảnh 3 Một đoạn đường Hạnh phúc trên đèo Mã Pì Lèng bị sương mù bao phủ trong ngày nhiệt độ xuống thấp Ảnh: Trường Phong

Nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cưới cô giáo cắm bản. Chồng đi tuần tra biên giới, tranh thủ ghé điểm trường trên đường đi nhìn vợ một chút, rồi lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.

Nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cưới cô giáo cắm bản. Chồng đi tuần tra biên giới, tranh thủ ghé điểm trường trên đường đi nhìn vợ một chút, rồi lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.

  
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).