Cty Cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh: Ô nhiễm kéo dài

Cty Cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh: Ô nhiễm kéo dài
TP - Hàng trăm hộ dân xung quanh khu vực Cty Cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh (phường Trường Thi, Thành phố Vinh, Nghệ An) nhiều năm qua phải chung sống cùng ô nhiễm. Nước thải và mùi hôi thối thoát ra từ nhà máy tấn công khu dân cư.
Cty Cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh: Ô nhiễm kéo dài ảnh 1
Kênh số 3 (TP Vinh) ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải nhà máy bia và rác rưởi

“Nhà máy xả chất thải dọc mương nước số 3, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nhiều nhà dân ở khối 10 Trường Thi phải bịt kín cửa sổ vì không chịu nổi ô nhiễm của nhà máy bia!”, ông Phạm Đăng Phúc, khối trưởng của phường bức xúc. Theo ông, tình trạng trên kéo dài nhiều năm.

Chúng tôi đến mương số 3 để mục sở thị thứ nước đen mà dân kêu là độc hại do nhà máy bia thải ra môi trường. Đứng ở cuối gió, cách bờ mương hơn 20m, đã thấy mùi hôi, càng lại gần càng khó thở.

Ở những đoạn mương không có nắp, để trần, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Dòng nước độc hại chảy tới đâu, xú uế lan toả đến đấy. Hàng trăm nhà dân ở phường Trường Thi, Bến Thuỷ bám dọc theo bờ mương, hàng ngày đối mặt ô nhiễm.

Một cư dân sống cạnh Cty Cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh, ông Nguyễn Thanh Chương gọi đó là sự tra tấn. “Từ khi nhà máy nâng công suất lên 50 triệu lít bia/năm, nạn ô nhiễm càng nghiêm trọng” - ông Chương nói.

Cách đây chưa lâu, dân khối 10, do không chịu nổi ô nhiễm, mấy chục hộ góp tiền mua một xe đá đổ xuống lấp mương số 3.

Không chỉ xả chất thải ra mương số 3, Cty Cổ phần Bia Sài Gòn- Nghệ Tĩnh cũng từng tống chất thải ra mương nước dọc đường Võ Thị Sáu, khiến nước bẩn chảy thành vũng trên mặt đường, tràn vào nhà dân, bốc mùi hôi thối. Dân kêu lên UBND Phường Trường Thi, chính quyền sở tại cử cán bộ xuống kiểm tra, lập biên bản. Nhưng ý kiến của tỉnh còn chưa ăn thua, kiến nghị của cấp phường thấm tháp gì!

Ngoài nạn ô nhiễm từ nguồn nước bẩn, chiếc bể cao gần chục mét trong khuôn viên nhà máy chứa chất thải ngày ngày bốc mùi hôi tanh lan toả khắp vùng dân cư cạnh bờ tường phía Tây Cty bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh. Nắng nóng, thị trường cháy bia, nhà máy vận hành hết công suất, lượng chất thải tồn đọng càng nhiều, khiến bể chứa quá tải.

Giải pháp tình thế đưa ra là huy động xe vệ sinh môi trường đến đậu ngoài bờ tường, ròng dây, hút chất thải vào thùng xe và mang đi đổ nơi khác. “Không thể chấp nhận việc một doanh nghiệp làm ăn lớn như Cty Cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh lại đi hốt từng thùng chất thải, gây ô nhiễm như vậy được”, ông Nguyễn Thanh Chương bức xúc.

Bà Hà Thị Oanh (khối 10) phàn nàn với PV Tiền Phong: “Dân sở tại nhiều lần gửi đơn đi khắp nơi nhưng vẫn không được xử lý triệt để. Mắc mớ chi vậy”. Theo bà Oanh, khu vực lân cận nhà máy bia đã có 13 người chết vì ung thư.

Nước thải đổ về đâu?

Tại Văn bản số 2064/TNMT.TTr ngày 14/8/2008, Sở TN&MT Nghệ An kiến nghị UBND Tỉnh đưa Cty Cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh vào danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hàng năm theo hướng dẫn tại Thông tư 07/2007/TT-BTNMT ngày 3/7/2007 của Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Từ Cty Cổ phần Bia Sài Gòn- Nghệ Tĩnh, chúng tôi men theo mương thoát nước số 3 tìm đến điểm cuối cuộc hành trình ô nhiễm. Mương chạy qua khối 10, khối 9, khối 8 phường Trường Thi, lầm lũi xuôi xuống Bến Thủy. Hai bên bờ san sát nhà dân, điểm gần Nhà máy Dệt kim Hoàng Thị Loan, dòng chảy bỗng nhiên mất hút.

Loay hoay mãi giữa ngõ dọc ngõ ngang thành Vinh, cuối cùng chúng tôi cũng lần tìm được dấu vết tại khối 13 phường Bến Thủy. Càng về cuối, dòng nước càng đặc quánh, đen ngòm, mùi hôi thối càng ngột ngạt. Trên mặt nước đầy rẫy cành cây khô, xác động vật chết, túi nilon.

Trạm Kiểm soát Hải quan số 2, mé trái có chiếc cống lớn, nằm cách sông Lam chưa đầy trăm mét. Mương số 3 chảy tràn qua đám lau lách um tùm rồi lặng lẽ hòa mình vào nước mênh mông.

Mặt sông gần bờ sền sệt, loang lổ, dấu vết cuối cùng của ô nhiễm trước khi biến mất vào Cửa Hội. Cùng với thứ nước độc hại của nhà máy bia, bao rác rưởi của thành Vinh đều theo mương nước tống khứ ra dòng chảy, âm thầm bức tử sông Lam.

Kết quả phân tích mẫu nước thải tại Cty Cổ phần Bia Sài Gòn- Nghệ Tĩnh ngày 6/5/2009 của Trung tâm Quan trắc & Kỹ thuật Môi trường (thuộc Sở TN&MT Nghệ An) cho thấy, chỉ tiêu SS vượt (tiêu chuẩn Việt Nam) TCVN 5945-2005 là 1,98 lần; Chỉ tiêu BOD5 vượt tiêu chuẩn từ 5,4 đến 5,8 lần; Chỉ tiêu NH4+ vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2,04 đến 2,12 lần…

Còn nữa 

MỚI - NÓNG