Cụm bệnh viện cửa ngõ TPHCM: 5 năm, vẫn còn trên giấy

Cụm bệnh viện cửa ngõ TPHCM: 5 năm, vẫn còn trên giấy
TP - Gần 5 năm triển khai nhưng dự án cụm bệnh viện cửa ngõ TPHCM vẫn chưa thấy hình hài do vướng trong giải phóng mặt bằng, tài chính…

Giậm chân tại chỗ

Trong khi bệnh viện ở nội thành ngày càng quá tải, việc xây mới đã không được cho phép, giải pháp xây dựng bệnh viện cửa ngõ “hút” bệnh nhân từ các tỉnh, khu vực ngoại thành đã được UBND TPHCM đồng thuận. Năm 2007, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế quy hoạch cụm bệnh viện cửa ngõ: BV Đa khoa Thủ Đức (phía đông) được đầu tư thành bệnh viện hạng 1 với quy mô 1.000 giường bệnh; BV Nhi đồng TPHCM ở huyện Bình Chánh (phía tây) 1.000 giường; BV quận 7 (phía nam) 500 giường; BV Đa khoa Củ Chi (phía bắc) 1.000 giường và BV Đa khoa khu vực Hóc Môn (cửa ngõ phía bắc) cũng 1.000 giường. Vốn cho dự án có thể lấy từ ngân sách thành phố hoặc kêu gọi đầu tư nước ngoài, xã hội hóa. Vậy nhưng từ đó đến nay các dự án trên vẫn giậm chân tại chỗ.

Bác sĩ Trần Vĩnh Hưng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết đất đã có, nơi đây cũng tổ chức thi thiết kế công trình từ năm 2010 nhưng đến nay dự án xây mới bệnh viện vẫn chưa thực hiện được. “Chưa biết bao giờ mới khởi công” - bác sĩ Hưng cho biết. Dự án xây mới bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức được thiết kế 1.000 giường, tiếp một lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên, giúp giảm áp lực rất lớn cho các bệnh viện nội thành và giao thông đô thị. Trong khi đó, BV Đa khoa khu vực Củ Chi cũng tương tự, chưa biết bao giờ được khởi công. Tệ hơn, dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn được xét duyệt tư vấn thiết kế, ghi vốn đầu tư nhưng đến nay vẫn loay hoay giải phóng mặt bằng.

Tháng 4-2010, lãnh đạo UBND TPHCM đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Duy - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp thuộc Sở Y tế TPHCM làm Giám đốc BV Nhi đồng TPHCM tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Nhưng hơn một năm nay, bệnh viện cửa ngõ này vẫn chưa có hình hài. Theo kế hoạch Bệnh viện Nhi đồng có diện tích 33ha, nhưng nay vẫn chưa đền bù, giải phóng mặt bằng. Ông Duy vì vậy vẫn “ăn” hai lương, từ Sở Y tế và từ chức Giám đốc BV Nhi đồng. Một số bệnh viện cũng nằm trong quy hoạch ở cửa ngõ TP như Cơ sở 2 BV Ung bướu TPHCM cũng được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao xong mặt bằng. Trong khi đó, BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM được UBND TPHCM giao đất từ 2 năm qua nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn giải tỏa đền bù, cho dù chủ dự án đã có phương án thiết kế xây dựng. Các bệnh viện được đưa ra ngoại thành nhằm đón đầu người bệnh từ các tỉnh, từ Campuchia sang và giải tỏa giao thông đô thị như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học, Bệnh viện Tâm thần…giờ đây cũng chưa thấy hình hài.

Tiếp tục chờ

Vào tháng 7-2011, lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu ngành y tế nỗ lực để đến ngày 2-9 phải khởi công một dự án bệnh viện cửa ngõ. Vậy nhưng, đến nay việc bồi thường, giải phóng mặt bằng còn vướng đủ đường. Ông Đặng Quang Mỹ - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Sở Y tế TPHCM cho biết, các hộ dân trong dự án vẫn chưa chịu di dời do vướng cơ chế áp giá đền bù đất nông nghiệp theo quy định. “Tình hình này, sớm nhất phải chờ đến năm 2012 mới hy vọng khởi công được một dự án”- ông Mỹ cho biết.

Các dự án trên đã được UBND TPHCM ghi vốn đầu tư với tổng kinh phí ban đầu gần 10.000 tỷ đồng. Ông Huỳnh Văn Biết - Phó GĐ Sở Y tế TPHCM cho biết, từ hai năm trước Sở Y tế đã làm việc với các quận để giải phóng mặt bằng và bồi thường cho người dân nhưng tiến độ giải quyết quá chậm. Các bệnh viện này đi vào hoạt động, dự kiến tạo thêm khoảng 5.000 giường bệnh, giảm tải rất lớn cho các bệnh viện nội thành và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Trong khi cụm bệnh viện cửa ngõ vẫn phải chờ, các bệnh viện hiện tại ở nội thành ngày ngày phải gánh sự quá trầm trọng. Từ 100 giường bệnh năm 2002, đến nay nhu cầu khám và điều trị tại BV Tai Mũi Họng TPHCM đã gấp ba. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc BV Tai Mũi Họng, hiện mỗi ngày bệnh viện phải khám và điều trị cho hơn 1.500 bệnh nhân, trong đó gần 300 bệnh nhân được yêu cầu điều trị nội trú, nhưng thiếu giường bệnh nghiêm trọng. Còn bác sĩ Phạm Thanh Mỹ- GĐ BV Chấn thương chỉnh hình lo ngại bệnh viện xuống cấp, chật chội nhưng mỗi ngày phải đón gần 2.000 lượt vào khám điều trị. Quá tải nhưng vẫn còn… chờ.

Theo Sở Y tế TPHCM trong thời điểm này, toàn thành phố đang thiếu khoảng 2.000 bác sĩ, nhân viên y tế và hơn 1000 dược sĩ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG