Đã gần lắm Quan Sơn

TP - Ở một huyện miền núi nghèo, giáp biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), một cuộc sống ấm no, phát triển luôn là mơ ước của đồng bào. Và cách dệt mơ ước ấy của họ thật giản dị nhưng lại có sức hút kỳ lạ.

Tư duy mới

Khá bất ngờ khi đích đến của chúng tôi sau chặng đường núi ngoằn ngoèo, hun hút những cánh rừng, đồi núi là một bản làng rực sáng bởi bạt ngàn các loại hoa ở bản Ngàm xã Sơn Điện.

Nhanh nhảu gửi lời chào khi gặp khách trên đường, anh Lò Văn Đông- một người dân trong bản vui vẻ hỏi thăm chúng tôi. Thấy chúng tôi ngắm nghía, thích thú với những luống hoa ven đường trong bản, anh Đông giải thích: Đây là những giống hoa được chị em phụ nữ tìm kiếm, nhân giống rồi cấp phát cho các hộ dân tự trồng trước nhà, trong vườn của gia đình mình. Đối với đường, ngõ trong bản thì mọi người tập trung dọn dẹp vệ sinh, trồng và chăm sóc hoa theo định kỳ.

Đã gần lắm Quan Sơn ảnh 1 Chơi cồng chiêng ở bản Ngàm
Đã gần lắm Quan Sơn ảnh 2

Nhìn những luống hoa, vườn hoa đã qua nhiều mùa nở rộ, anh Đông cho biết thêm: Nghe tin bản mình sẽ là một điểm dừng chân trong tuyến du dịch Quan Sơn - Viêng Xay (Lào), chúng tôi vui lắm. Chả ai bảo ai, mọi người phấn chấn, cùng nhau thu vén gọn gàng trong từng nếp nhà sàn, vệ sinh nơi chăn nuôi, học trình bày các món ăn đặc trưng của đồng bào Thái. Người dân trong bản còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng về du lịch cộng đồng.

Toàn bản Ngàm có 76 hộ dân với 379 nhân khẩu, trong đó đã có 22 hộ dân đăng ký là nhà lưu trú của khách du lịch. Một điểm khiến chúng tôi ngạc nhiên khi bước chân vào bản là mỗi nóc nhà sàn được đánh số nhà rất bài bản.

Ngay ở gần trung tâm bản, bên bếp củi với những dóng cơm lam gần chín, chị Lương Thị Huyền cho biết: Gần đây, người dân được tuyên truyền phát triển du lịch tại bản. Dân bản nhiệt tình tham gia lắm. Các lớp tập huấn không thiếu một ai. Mọi người còn đi thực tế ở các điểm phát triển du lịch cộng đồng. “Mình được đi thực tế, mình được thấy ở những bản làng xa xôi, giáp biên giới địa hình và điều kiện phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng mọi người vẫn có những bản làng đẹp, biết “khoe” những báu vật văn hóa, đặc sản ẩm thực, biết thu hút khách khắp nơi về với bản... Mình nghĩ người dân bản mình và nhiều nơi có thể làm tốt được điều này”- chị Lương Thị Huyền chia sẻ.

Huyền nói, vẫn thường làm cơm lam cho mọi người trong gia đình ăn dù món ăn này nhìn giản đơn nhưng lại chuẩn bị rất cầu kỳ. Như dóng vầu chứa gạo nếp phải vừa vặn, gạo nếp phải là loại gạo ngon được ngâm đúng độ, than củi phải đều lửa, khi dóng vầu nứa chuyển màu, có độ dẻo nhất định là cơm lam đã chín. Bữa cơm gia đình của Huyền giản dị mà ấm áp đến lạ. Đó là ngoài những khúc cơm lam là những con cá sông nhỏ được nướng thơm lừng bầy trên lá chuối. Cộng thêm bát chẻo là muối trắng, sả, ớt, hành... giã nhỏ. Huyền nói, khách đến cũng sẽ thưởng thức những món giản dị của đồng bào như thế.

Cách giữ bếp củi trên mỗi nhà sàn luôn ấm không chỉ là kinh nghiệm mà là một cách sống, nếp sống của đồng bào Thái. Khách đến thăm nhà có thể thưởng thức một cốc nước chè nóng từ các loại lá rừng ngay bên bếp với những câu chuyện chậm dãi tưởng như không thể kể hết trong đêm.

Đã gần lắm Quan Sơn ảnh 3 Những nếp nhà sàn sạch đẹp tại bản Ngàm

Nhiều vai

Đó là những phụ nữ, cô gái Thái xinh đẹp, có thể biến thành nhiều vai. Lúc họ là những lao động chính trong nhà trên những cánh rừng để hái măng, nhặt củi, khi là những phụ nữ vai địu con, tay thoăn thoắt bên rẫy ngô ở sườn đồi. Và tối về, những phụ nữ Thái trở thành những thành viên trong đội văn nghệ, vui cười trong các hoạt động chung của bản.

Chị Lò Thị Liên - một thành viên trong đội văn nghệ của bản Ngàm tâm sự: Chúng tôi không nề hà bất kỳ việc gì. Ngoài công việc gia đình ra, khi có thời gian, người dân trong bản lại tập trung để múa hát, chơi cồng chiêng, hay ủ rượu cần... Cách chúng tôi học và làm du lịch cứ như là cách sống của chúng tôi vậy.

Khi cần họ lại trở thành những hướng dẫn viên chuyên nghiệp với trang phục rực rỡ sắc màu.

Đã gần lắm Quan Sơn ảnh 4 Hướng dẫn viên ở di tích hang Pó Cúng là những cô gái.

Chị Lương Thị Hạnh, phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn chia sẻ: Khi xây dựng phát triển du lịch của huyện, đặc biệt trong tuyến du lịch Quan Sơn - Viêng Xay (Lào), ngành chức năng dựa trên cảnh quan tự nhiên, đặc biệt là đặc trưng văn hóa của đồng bào Thái ở Quan Sơn. Ở những nơi có điểm dừng chân trong tuyến phát triển du lịch cộng đồng này, phần lớn đồng bào Thái đều chăm chút cho từng ngôi nhà, bản làng của mình thành điểm dừng chân níu giữ du khách.

Quan Sơn là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hoá có Quốc lộ 217 và Quốc lộ 16  chạy qua, nối khu vực miền núi với vùng trung du, đồng bằng Thanh Hóa. Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo ở đây kết nối với nước bạn Lào và các nước trong khu vực. Với những đặc sản văn hóa như: Chợ phiên Na Mèo, động Bo Cúng, đền thờ Tư Mã Hai Đào, lễ Hội mường Xia. Phát triển du lịch là hướng đi mới, tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững và thắt chặt đoàn kết Việt - Lào. Theo kế hoạch, đầu năm 2018, huyện Quan Sơn sẽ công bố tuyến du lịch Quan Sơn - Viêng Xay.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.