Đà Lạt: Công trình thủy lợi hủy diệt rừng thông

Đà Lạt: Công trình thủy lợi hủy diệt rừng thông
TP - Những ngày gần đây, rất nhiều người dân các phường 3 và 4 TP Đà Lạt bức xúc khiếu nại việc nâng độ cao của đập tràn hồ Tuyền Lâm khiến mực nước dâng lên làm ngập lán trại, vườn tược… gây thiệt hại nặng nề.
Đà Lạt: Công trình thủy lợi hủy diệt rừng thông ảnh 1
Nhà dân bị ngập hơn 1 tháng nay

Đôi vợ chồng trên 60 tuổi Nguyễn Văn Hạng - Đào Thị Nhinh (tổ 96, KP7, phường 4) than thở: 

Nhà bị ngập hơn 1m và cứ giữ nguyên mức nước ấy suốt một tháng nay, do đó, chúng tôi phải đắp đất tôn cao nền, dỡ bỏ nhà cũ để làm nhà mới. Già yếu thế này mà suốt ngày phải ngâm mình trong làn nước đục cực không kể xiết!

2 sào cà rốt gần tới ngày thu hoạch, vườn cải bông, vườn hồng và nhiều loại cây ăn trái khác cũng bị ngập, thiệt hại không dưới 20 triệu đồng, vậy mà đến giờ vẫn chưa thấy cơ quan, đơn vị nào đến hỏi han, tính toán thiệt hại.

“Cây hồng mà bị ngâm nước thì coi như vứt, trong khi gia đình tôi bị  ngập tới 20 cây cùng nhiều diện tích rau màu, mất trắng khoảng 20 triệu đồng. Lán trại chìm trong nước, phải làm lều tạm bằng vải dù nên kẻ trộm thường xuyên đột nhập. Vợ chồng tôi luôn lo lắng bất an”- Anh Trần Công Đức (tổ 96) tâm sự.

Các tổ 80 – 81, KP7, phường 3 cũng có 19 hộ bị nước nhấn chìm các vườn rau màu, cà phê, cây ăn trái. Anh Nguyễn Đồng Phú (tổ 80) bức xúc: Tất cả các hộ đang sinh sống, canh tác trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm đều thuộc diện phải di dời, giải tỏa. Tỉnh đã tiến hành đo đạc, lập hồ sơ đền bù mấy năm nay nhưng vẫn chưa chi trả tiền đền bù. Bây giờ lại thêm tình trạng úng ngập khiến đời sống của mấy chục hộ dân càng khốn khó hơn. 

Theo Ban quản lý Khu du lịch (BQL KDL) hồ Tuyền Lâm, công trình sửa chữa, nâng cấp đập tràn hồ Tuyền Lâm do Ban Quản lý dự án công trình thủy lợi (Sở NN&PTNT) triển khai. Ngưỡng tràn mới của đập được nâng lên 1,5m so với ngưỡng tràn cũ khiến diện tích mặt nước hồ Tuyền Lâm dâng cao, làm ngập 26 ha đất (gần 12 ha đất nông nghiệp và trên 14 ha rừng).

Khoảng 50% rừng bị ngập là rừng thông 23 – 24 năm tuổi, do bị ngâm lâu trong nước nên cây thông bị vàng lá, chết dần. Mặt khác, một đoạn đường nhựa vừa thi công xong cũng bị chìm trong làn nước đục, mức thiệt hại là không nhỏ.

Thật lạ lùng, diện tích đất nông nghiệp bị ngập quá lớn với số tiền đền bù (đất đai, kiến trúc, cây trồng…) khoảng 8,4 tỷ đồng trong khi hồ sơ dự án không thể hiện phần kinh phí này. Đã thế lại chẳng có sự khuyến cáo về tình trạng úng ngập sau khi nâng đập để nông dân có phương án đối phó.

Quá trình thiết kế, thi công cũng không có sự phối hợp giữa các ban ngành liên quan để khai thác khoảng 800m3 trên diện tích rừng sẽ bị ngập. Hậu quả, số lượng gỗ rất lớn này ngày càng sụt giảm phẩm cấp  bởi cây bị ngâm nước quá lâu.

Mục đích của việc nâng cao đập tràn là để tích thêm lượng nước đáng kể để phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch. Thế nhưng hàng loạt cây thông đang bị vàng lá, chết dần gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan môi trường lại không được tính đến.  

MỚI - NÓNG