Vụ xã chặn tiền dân nghèo tại Quảng Nam:

Dài cổ chờ kết luận thanh tra

Dài cổ chờ kết luận thanh tra
TP - Báo Tiền Phong phản ánh việc nhiều hộ dân nghèo xã Quế Phước (huyện miền núi Nông Sơn, Quảng Nam) bị cán bộ xã chặn tiền Chính phủ hỗ trợ người nghèo ăn Tết và tiền hỗ trợ di dời ra khỏi vùng lũ lụt.

Thanh tra huyện về làm việc và kết thúc thanh tra đã gần 2 tháng nay, dân bức xúc chờ dài cổ nhưng vụ việc chưa được xử lý.

Dài cổ chờ kết luận thanh tra ảnh 1
Ông Phan Minh Chước: “Thanh tra làm xong gần 2 tháng nay, dân chờ mãi mà chẳng nghe nói năng chi hết!”

Âm thầm trả tiền cho dân!

Tiếp PV Tiền Phong, bà Đỗ Thị Ngọt (thôn Phú Gia 1), trình bày: “Tối ngày 29-3, bà Mai Thị Duyên - kế toán xã và bà Nguyễn Thị Sáu -thủ quỹ xã xuống nhà nói tôi viết giấy đã nhận tiền là 400 ngàn đồng, nhưng tôi không viết, vì thực tế từ năm 2008 tôi chỉ được nhận có 200 ngàn. Bà Duyên nói gia đình tôi đáng lẽ không được nhận nhưng thấy nhà tôi hoàn cảnh tội nên bả cho (?)”.

Cũng theo bà Ngọt, hôm sau ông Mai Ngọc Lương-bí thư chi bộ thôn (cha của bà Duyên) đến nhà bà năn nỉ người trong gia đình nhận thêm 200 ngàn đồng, viết giấy nhận nhưng không ghi ngày tháng, và “đừng cho người khác biết!”.

Đón Tết 2009, Chính phủ hỗ trợ mỗi nhân khẩu diện nghèo 200 ngàn đồng ăn Tết (theo Quyết định 81). Nhà bà Ngọt có 4 khẩu, nhưng Tết đó chỉ nhận được 200 ngàn. Nay cán bộ xã, thôn âm thầm đến từng hộ như bà Ngọt để năn nỉ nhận... nốt!   

Ông Nguyễn Thanh (cùng thôn), cho biết: Nhà ông có 5 khẩu, chỉ được nhận 600 ngàn đồng từ cuối năm 2008. Ngày 4-4 mới đây, hai bà Duyên, Sáu đến nhà đưa thêm 200 ngàn đồng nữa, nói “nhận giùm, không sợ bị nhà nước xử lý!”.

Tiếp xúc PV Tiền Phong, ông Phạm Quý Viễn-Chủ tịch xã Quế Phước cho rằng ông mới lên làm chủ tịch từ tháng 9-2009 nên không nắm rõ sự việc. Còn bà Hằng-Bí thư xã thì đang đi học. “Không phải là ăn chặn, mà ở đây là cấp phát sai nguyên tắc”, ông Viễn nói. 

Các hộ gia đình Trần Thị Liên (thôn Phú Gia 2), Huỳnh Thị Diện (thôn Đông An) và nhiều hộ khác cho biết đều bị “chặn” bớt từ 1/3 đến một nửa số tiền so với số nhân khẩu thực tế. Khi báo nêu, thanh tra về, sau một năm rưỡi, mới đây cán bộ xã mới tìm cách đem trả.

Đáng nói, giữa danh sách các hộ nhận tiền niêm yết tại xã và văn bản quyết toán gửi lên trên (do bà Trần Minh Hằng -Bí thư kiêm chủ tịch xã ký duyệt) lại khác nhau. Trong đó báo cáo quyết toán ghi khống cả số tiền mà dân thực tế chưa được nhận đủ. Dấu hiệu lập chứng từ giả, chữ ký giả để “cất” số tiền 7 triệu đồng tiền hỗ trợ di dời cho 2 hộ gia đình nghèo nhất xã là ông Nguyễn Văn Cường và bà Hà Thị Sáu cũng đã rõ...   

Bức xúc

Ở tuổi 84, đang ốm ặng nằm nhà, nhưng ông Trần Đình Hồng (thôn Phú Gia 1), cán bộ 60 năm tuổi Đảng, nguyên huyện ủy viên, Phó chủ tịch huyện Quế Sơn cũ (nay tách thành 2 huyện Quế Sơn và Nông Sơn – PV) tỏ ra bức xúc trước những điều đang diễn ra tại địa phương. Cùng tâm trạng là các ông Phan Minh Chước (75 tuổi), nguyên Bí thư xã, Phó Chủ tịch MTTQ huyện, Võ Thân, nguyên Bí thư, chủ tịch xã.

Ông Võ Thân đau xót:  Là xã Anh hùng, suốt hai cuộc kháng chiến cán bộ nhân dân trong xã chiến đấu hy sinh không tiếc gì. Nay danh dự ấy bị một số người làm cho hoen ố, đau lòng lắm!”.

Ông Phan Minh Chước bức xúc: “Tiền Nhà nước dành chăm lo cho người nghèo, tiền hỗ trợ người nghèo di dời khỏi vùng lụt mà còn tìm cách bớt xén thì quá tệ!”.

MỚI - NÓNG