"Dài cổ" chờ sửa sai

"Dài cổ" chờ sửa sai
TP - Một lô đất nhưng, suốt hơn 10 năm, có đến hai quyết định giao đất cùng số, cùng ngày, cùng một người ký tên đóng dấu và cấp cho hai người cùng họ tên.
"Dài cổ" chờ sửa sai ảnh 1
Lô đất B37 đã được ông Lâm làm nhà, nhưng giấy chủ quyền thì không biết bao giờ mới có. Ảnh: PV

Năm 2000, ông Đỗ Sơn Lâm ngụ tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) mua lô đất của ông Nguyễn Đình Trọng ngụ tại TP Biên Hòa, công tác tại Công an Tỉnh Đồng Nai.

Lô đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chỉ có quyết định giao đất ngày 13/1/1995 của UBND Huyện Thống Nhất (nay là huyện Trảng Bom) với diện tích 256 m2 (lô B37) tại xã Bắc Sơn cho ông Nguyễn Đình Trọng. Việc chuyển nhượng đất giữa ông Lâm với ông Trọng được UBND xã Bắc Sơn xác nhận.

Năm 2004, ông Lâm làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận thì bị từ chối vì lý do lô đất B37 đang bị tranh chấp. Người tranh chấp là ông Trần Công Tuấn, ngụ tại xã Hố Nai 3, cũng có giấy chuyển nhượng lô đất B37 được UBND xã Bắc Sơn xác nhận sang nhượng ngày 13/12/1999.

Điều lạ là người chuyển nhượng cũng tên Nguyễn Đình Trọng, ngụ tại TP Biên Hòa, nhưng ông Trọng này là cán bộ công tác tại Tỉnh ủy Đồng Nai.

Đường đi của hai quyết định

Lô đất B37 nằm trong diện tích đất của lâm trường nguyên liệu giấy Trị An (nay là Xí nghiệp Nguyên liệu Giấy Đông Nam Bộ), năm 1994 được UBND tỉnh cho phép phân lô để cấp cho các hộ cán bộ - công nhân viên của lâm trường chưa có nhà để cất nhà ở.

Tuy nhiên, lô đất này được cấp sai đối tượng, tức là cấp cho cán bộ ngoài lâm trường. Ông Đậu Đình Bảy, nguyên Trưởng phòng Địa chính huyện Thống Nhất là thành viên trong hội đồng xét duyệt cấp đất dự án phân lô nền nhà của lâm trường Thống Nhất, khẳng định:

"Dài cổ" chờ sửa sai ảnh 2
Hai quyết định giao đất trên một lô đất cấp cho hai ông Nguyễn Đình Trọng. Ảnh: PV

“Hội đồng xét cấp đất của huyện đã xét cấp đất cho năm trường hợp là cán bộ tỉnh, trong đó có trường hợp ông Nguyễn Đình Trọng công tác tại công an tỉnh, không có trường hợp ông Nguyễn Đình Trọng công tác tại Tỉnh ủy.

Ông Nguyễn Hùng, cán bộ phòng Địa chính là người quản lý và cấp quyết định giao đất cho những người được duyệt cấp đất”.

Ông Bảy thắc mắc: “Thời điểm này chỉ đưa quyết định cấp đất và tiến hành giao đất tại thực địa chứ không lập biên bản giao đất. Nhưng tại sao ông Trọng, cán bộ Tỉnh ủy lại có biên bản giao đất?”. 

Ông Phạm Tiến Ngọc, nguyên là phân trường trưởng phân trường Thống Nhất, Lâm trường Nguyên liệu Giấy Trị An nơi có diện tích đất được phân lô nói: “Ông Nguyễn Hùng, cán bộ phòng địa chính huyện, đưa vào một người đàn ông rồi đề nghị tôi đại diện cho lâm trường đo, giao đất, đọc cho tôi viết biên bản và tất cả cùng ký vào biên bản”.

Lẽ ra, quyết định giao đất phải được lưu lại bằng bản chính, nhưng hồ sơ lưu trữ tại phòng Tài nguyên Môi trường huyện Trảng Bom chỉ có bản photo quyết định giao đất cho “ông Nguyễn Đình Trọng” (không ghi địa chỉ) còn bản chính đã biến mất! Nếu căn cứ theo quyết định thì không thể biết ông Trọng nào thực sự được xét giao đất.

Chỉ dân chịu thiệt?

Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết: “Đây là việc từ trước để lại, nhưng huyện sẽ giải quyết tìm đất để cấp cho một bên tranh chấp”.

Tuy nhiên, lấy đất ở đâu để cấp và khi nào giải quyết xong việc tranh chấp hy hữu này thì chưa có câu trả lời. Trong khi đó, hai vị cán bộ được cấp đất (sai đối tượng) đã bán hưởng lợi từ lâu, những người mua đất thì mòn mỏi đợi không biết đến bao giờ. 

MỚI - NÓNG