Dai dẳng chiếm dụng đất rừng

Dai dẳng chiếm dụng đất rừng
TP - Tình trạng chiếm dụng đất rừng do Nhà nước quản lý đã diễn ra dai dẳng nhiều năm tại thị xã Hương Thủy (tỉnh TT-Huế). Mặc dù đối tượng chiếm dụng đã rõ, cơ quan chức năng vẫn lúng túng khi xử lý.

> Đua nhau chiếm đất lâm trường
> Lấn chiếm đất rừng, tám cán bộ bị kỷ luật

Tình trạng ngang nhiên xâm hại, lấn chiếm đất rừng để trồng rừng diễn ra tại nhiều nơi thuộc thị xã Hương Thủy. Ảnh: Ngọc Văn
Tình trạng ngang nhiên xâm hại, lấn chiếm đất rừng để trồng rừng diễn ra tại nhiều nơi thuộc thị xã Hương Thủy. Ảnh: Ngọc Văn .

Giữa năm 2012, tại xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) xảy ra tình trạng người dân ồ ạt vào rừng bao chiếm đất công, phá rừng tự nhiên để trồng cây lâm nghiệp trái phép. Vụ việc được báo Tiền Phong kịp thời phản ánh.

Lực lượng chức năng thị xã Hương Thủy tổ chức kiểm tra liên ngành rà soát đất rừng, xác định sai phạm. Cơ quan chức năng phát hiện thêm hàng chục trường hợp chiếm dụng đất rừng núp dưới danh nghĩa “rừng công đoàn, rừng tập thể”, với diện tích thất thoát hơn 100 ha.

Lợi dụng chuyển đổi mô hình lâm trường, quy hoạch lại phạm vi quản lý sử dụng đất của các ban quản lý rừng, nhiều cá nhân đã núp bóng “tập thể cán bộ” để trục lợi đất rừng. Diện tích đất lâm nghiệp bị thất thoát tập trung chủ yếu tại các xã, phường Dương Hòa, Phú Sơn, Phú Bài, Thủy Châu; phần lớn thuộc quản lý của Lâm trường Hương Thủy (cũ).

Nhiều cá nhân sai phạm khi bị phát hiện và được yêu cầu giao lại đất cho địa phương, nhưng cố tình không chấp hành, thậm chí còn “kiện” ngược chính quyền thị xã. Lấy danh nghĩa rừng “tập thể cán bộ”, nhưng các trường hợp vi phạm không xuất trình được bất kỳ văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng đất công để trồng rừng, kèm theo các phương án sản xuất, góp vốn...

Chính quyền đi đòi đất

Theo UBND thị xã Hương Thủy, từ năm 2002 đến nay, “tập thể cán bộ” Lâm trường Hương Thủy chưa từng được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng đất trồng rừng trên địa bàn, không được giao hoặc cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

“Đây là hành vi chiếm dụng đất lâm nghiệp trái phép. Đất rừng bị chiếm dụng kéo dài là do sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền; công tác quản lý cán bộ - công nhân viên lỏng lẻo, yếu kém của lãnh đạo lâm trường... Các cá nhân lấy danh nghĩa “tập thể cán bộ” để chiếm dụng đất rừng, chây ỳ giao trả đất đang gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai trên địa bàn”, một lãnh đạo thị xã Hương Thủy nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG