Đắk Lắk: Lò gạch trái phép được 'đặc cách' hoạt động?

Lò gạch xây trái phép được tiếp tục hoạt động
Lò gạch xây trái phép được tiếp tục hoạt động
TP - Lò sản xuất gạch xây dựng trái phép, bị UBND xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk) ra quyết định xử phạt và buộc cưỡng chế. 2 năm sau UBND tỉnh Đắk Lắk ra công văn “cho phép” lò gạch này tiếp tục hoạt động đến hết năm 2020.  

Từng bị buộc phải cưỡng chế

Hồ sơ thể hiện, năm 2014 UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 35/QĐ-UBND lộ trình đến cuối năm 2020 tất cả các lò sản xuất gạch đất sét dạng nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch… phải chấm dứt hoạt động để chuyển sang sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp. Tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung; hoặc chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Không cấp phép cho các dự án đầu tư mới đối với các dự án lo thủ công, lò vòng...

Đầu năm 2016, người dân xã Vụ Bổn phát hiện ông Nguyễn Văn Huynh - giám đốc Cty TNHH thương mại và dịch vụ Huynh Hạnh (Cty Huynh Hạnh) “bí mật” xây dựng lò gạch mới bằng công nghệ lò vòng, nên đã trình báo cáo chính quyền. Ngày 21/4/2016 UBND xã Vụ Bổn ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với lò gạch nói trên, buộc phải tháo dỡ phần diện tích vi phạm và cưỡng chế.

Thế nhưng, lò gạch trái phép chẳng những không bị cưỡng chế, mà còn được UBND tỉnh ra công văn “cho phép” lò gạch này tiếp tục được hoạt động. Cụ thể, ngày 28/12/2018 tại công văn số 11501/UBND-CN, UBND tỉnh Đắk Lắk “thống nhất cho phép Cty Huynh Hạnh được hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò vòng đến hết năm 2020”.

“Trong khi nhiều hộ kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc theo Quyết định số 35, không dám cơi nới, mở rộng quy mô sản xuất. Thế mà, lò sản xuất gạch xây trái phép của ông Hạnh lại tiếp tục được hoạt động, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh” - ông Đào Duy Phong (trú tại xã Vụ Bổn), bức xúc.

Sẽ rút lại “giấy phép” ?!

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, để ra được công văn số 11501/UBND-CN, UBND tỉnh Đắk Lắk dựa trên cơ sở tham mưu, đề nghị của Sở Xây dựng. Trong khi đó, Sở này căn cứ vào việc đề xuất của các ngành chức năng. Cụ thể là của UBND xã Vụ Bổn và UBND huyện Krông Pắk.
Theo đó, sau khi ra quyết định xử phạt hành chính đối với lò gạch trái phép của ông Hạnh, UBND xã Vụ Bổn đã tổ chức họp dân, lấy ý kiến. Dân tham gia buổi họp đều “đồng ý” để lò gạch của ông này tiếp tục được hoạt động. Trên cơ sở đề nghị của xã, UBND huyện tiếp tục đề nghị lên cấp trên. Sở Xây dựng Đắk Lắk là đơn vị tham mưu để trình UBND tỉnh ra công văn số 11501/UBND-CN.

Điều đáng nói, những người đứng đơn tố cáo lò gạch của ông Hạnh lại không được mời dự “họp dân”. “Đáng ra, UBND xã Vụ Bổn phải mời chúng tôi (là những người làm đơn tố cáo) lấy ý kiến mới khách quan. Nhưng chúng tôi không được mời. Chúng tôi kiến nghị cấp trên cần xem xét lại” - ông Đào Duy Phong (trú tại xã Vụ Bổn) bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Sở Xây dựng Đắk Lắk cho biết, Sở sẽ cho rà soát lại và tham mưu cho UBND tỉnh theo hướng rút lại “giấy phép” hoạt động.

MỚI - NÓNG