Dân “đói” đất giữa rừng

Dân “đói” đất giữa rừng
TP - Tại hội thảo về “Quản lý và sử dụng đất đai các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng núi” diễn ra hôm qua tại Hà Nội, đại diện nhiều tỉnh vùng cao than trời về tình trạng đồng bào thiếu đất sản xuất trầm trọng. Nguyên nhân, xuất phát từ xung đột quyền lợi với lâm trường quốc doanh và hệ lụy từ phát triển thủy điện.

> Góp ý sửa Luật Đất đai

Đồng bào dân tộc đang thiếu đất sản xuấ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Đồng bào dân tộc đang thiếu đất sản xuấ. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đất chật như phố

Từ khi chuyển đến khu tái định cư mới để nhường đất cho một dự án thủy điện, mỗi gia đình ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, được cấp 400 m đất thổ cư, 1-1,2 ha đất sản xuất và 600-1.000 m2 đất lúa nước.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND Xã Hơ Moong, cho hay, trước kia đất thổ cư của dân rộng vài ngàn mét vuông, cũng có khi đến cả ha.

Nay mỗi nhà được 400 m, nhiều gia đình không biết bố trí vườn tược, chuồng lợn, chuồng gà, chuồng trâu ra sao nên bảo nhau ở rừng mà chật như ở phố.

Diện tích đất thổ cư hiện nay cũng không đảm bảo được không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của một xã miền cao có tới 91% hộ dân là đồng bào dân tộc Bana và Jarai.

Một địa phương khác là xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình cũng trong tình trạng thiếu đất sản xuất trầm trọng.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, 96,4% diện tích đất lâm nghiệp của xã do các lâm trường quốc doanh và ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.

Thành thử, trung bình mỗi hộ dân chỉ có 0,88 ha. Với đất trồng lúa, bình quân mỗi hộ cũng chỉ đạt 0,4 ha. Nhiều địa phương khác cũng trong tình trạng tương tự.

Bài ca thiếu đất

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ VN, kể tôi đi nhiều nơi, về nhiều với đồng bào dân tộc thì thấy nhiều đồng bào có năng lực trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng nhưng lại không được giao rừng. Có đồng bào hỏi tôi vì sao không có đất rừng để thoát nghèo.

Ông Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn&Phát triển (CODE) đổ lỗi tình trạng trên cho việc giao đất rừng chủ yếu cho các tổ chức.

Đến năm 2011, 7,24 triệu ha, chiếm 47,1% đất lâm nghiệp, được giao cho các tổ chức trong khi các gia đình cá nhân chỉ được giao quản lý 28,7% đất lâm nghiệp.

Việc giao quyền sử dụng rừng và đất rừng quá lớn cho các tổ chức đã thu hẹp không gian sinh tồn, không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao.

Theo ông Lù Văn Que, không thể để tình trạng vài cán bộ lâm trường sử dụng mấy chục ngàn ha đất lâm nghiệp trong khi mỗi hộ dân có chưa đến một ha đất.

UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh này đề nghị thu hồi 3.163ha đất rừng từ các lâm trường để giao cho đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Trường Sơn canh tác.

Cụ thể, diện tích đất rừng đề nghị thu hồi: Lâm trường Trường Sơn 1.194 ha; Lâm trường Khe Giữa 401,9 ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Đại 1.567,6 ha. Được biết, lâu nay đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình sống giữa bạt ngàn rừng núi nhưng lại không có đất để sản xuất, trong khi nhiều lâm trường thừa đất, quản không nổi khiến mâu thuẫn giữa người dân bản địa và các lâm trường gia tăng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG