Dân lao đao vì chính quyền "tiền hậu bất nhất"

Dân lao đao vì chính quyền "tiền hậu bất nhất"
TP - Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thu hồi hơn 2 triệu m2 đất của 127 hộ dân xã Bông Trang và Hòa Hội (Xuyên Mộc) để làm hồ chứa nước Sông Hỏa. Do “tiền hậu bất nhất” trong việc kiểm  kê đền bù khiến khiếu nại kéo dài?

Tháng 3/2002, đoàn kiểm kê gồm 3 cấp đã tiến hành kiểm kê tài sản, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu của các hộ dân trong vùng giải tỏa để đền bù hỗ trợ thiệt hại. Trong biên bản kiểm kê, đoàn kiểm kê và người dân đã thống nhất ký vào biên bản với nội dung:

“Quy định chủ hộ không được xây dựng nhà cửa công trình phụ, vật kiến trúc hoặc trồng bất kỳ loại cây cối, hoa màu nào trên đất đã kiểm kê, nếu hộ nào không chấp hành sẽ không được đền bù và tự giải tỏa khi có quyết định thu hồi đất”.

Thực hiện điều này, người dân không trồng bất cứ loại cây hay xây dựng công trình nào trên đất đã kiểm kê đồng thời tiến hành thu hoạch những cây trái và chặt bỏ nhiều cây khác chờ ngày giải tỏa.

Thế nhưng kết quả kiểm kê năm 2002 sau đó lại không được chấp nhận, bởi gần một năm sau, một đoàn kiểm kê khác được thành lập để tiến hành phúc tra... Thời điểm này, các hộ dân đã chặt phá nhiều cây hoặc cây cối, hoa màu đã chết trên diện tích đất đã được kiểm kê.

Vì sao lại phúc tra?

Theo Hội đồng thẩm định phương án bồi thường công trình hồ Sông Hỏa, việc phúc tra là do có sự khác biệt quá lớn giữa khái toán ban đầu (2,4 tỷ đồng) và phương án đền bù tạm tính theo số liệu kiểm kê ban đầu (24 tỷ đồng).

Vì thế, Ban quản lý dự án thủy lợi đã báo cáo và UBND tỉnh đã có chỉ đạo cho UBND huyện Xuyên Mộc thành lập đoàn phúc tra.

Ví dụ có hộ kiểm kê ban đầu có hàng ngàn cây chanh thì nay chỉ còn vài trăm đến vài chục cây. Và người dân chỉ được đền bù hỗ trợ theo kết quả phúc tra.

Ông Nguyễn Văn Gia (ngụ ấp Trang Nghiêm, xã Bông Trang) có 3 ha đất, thu nhập ổn định hàng năm trên dưới 50 triệu đồng.

Khi đoàn kiểm kê đến kiểm kê tài sản của gia đình, hộ ông Gia không tiếp tục chăm sóc cây nữa và cũng không trồng trọt hay xây dựng gì thêm. Vừa tiến hành thu hoạch cây trái vào vụ, vừa chặt bỏ bớt một số loại cây khác, vườn, rẫy, cây cối cứ thế bỏ hoang dần.

Gần một năm sau, một đoàn cán bộ khác đến kiểm kê phúc tra, lúc này thì vườn nhà ông Gia gần như là vườn hoang, cây cối bị chết do thời tiết khô hạn, bị chặt phá nên còn lại chẳng là bao…

Theo phúc tra số tiền đền bù, hỗ trợ  ít đi khiến gia đình ông Gia lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Không còn đất, ông Gia vay ngân hàng 50 triệu đồng mua bò về nuôi tăng gia nhưng bò rớt giá, ngân hàng  đòi tiền, gia đình ông đang lo không biết lấy gì lo cho 3 đứa con ăn học.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nhàn được mệnh danh là một “tỷ phú đất” với gần 5 ha rẫy thì nay phải chạy đi mượn đất lâm trường để trồng xen canh với cao su, bà còn phải tranh thủ thời gian đi làm công cho nhà khác để kiếm tiền trang trải thêm cuộc sống.

Gia đình chị Lê Thị Lệ Hà, hộ anh Nguyễn Đức Thắng chỉ được đền bù hơn 3 triệu đồng cho 1 sào đất. Nhiều hộ dân cho biết vì bản phúc tra mà nhiều hộ phải dắt díu nhau ra tận ngoài Bình Thuận thuê đất và làm thuê kiếm sống.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.