Quế Phong (Nghệ An):

Dân tái định cư bức xúc vì nhà nóng và thiếu đất sản xuất

Dân tái định cư bức xúc vì nhà nóng và thiếu đất sản xuất
TP - Để phục vụ xây dựng công trình thuỷ lợi, có 2 bản Pang và bản Tục của xã Đồng Văn (Quế Phong, Nghệ An) nằm trong vùng lòng hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) thuộc diện phải di dời.
Dân tái định cư bức xúc vì nhà nóng và thiếu đất sản xuất ảnh 1
Những ngôi nhà chật hẹp tại khu vực tái định cư Piềng Phả Mựt   

Có 94 hộ đã ra vùng tái định cư ở Piềng Phả Mựt-Quế Phong. Nhưng cuộc sống mới thật khó khăn vì thiếu đất sản xuất và mùa hè thì quá nóng vì những ngôi nhà thấp, bé...

Ông Lang Văn Tuần - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: Để đưa bà con hai bản Tục và bản Pang ra khu vực Piềng Phả Mựt là cả một quá trình vận động rất khó khăn.

Bởi nơi đây 100% là đồng bào dân tộc Thái, quen sống trong những ngôi nhà sàn rộng, đất đai thoải mái. Tâm lý người dân không muốn rời khỏi quê hương.

Tuy nhiên, khi Nhà nước cần họ di dời để phục vụ cho việc xây dựng công trình thuỷ lợi hồ Cửa Đạt thì ai nấy đều nhất trí đi.

Dự án này được triển khai từ năm 2002, do Chi cục di dân và phát triển kinh tế mới của tỉnh Thanh Hoá làm chủ đầu tư. Tháng 1/2007 bắt đầu di chuyển đồng bào ra vùng tái định cư và chia thành hai bản.

Ra nơi ở mới, mỗi hộ gia đình được đền bù một ngôi nhà cấp bốn, lợp ngói. Hộ nào đông nhân khẩu sẽ được nhà có diện tích 42 m2 (trị giá 48 triệu đồng), gia đình ít nhân khẩu sẽ được nhà có diện tích 32 m2 (trị giá 37 triệu đồng).

Khi chúng tôi có mặt ở Piềng Phả Mựt, hầu hết bà con ai cũng than phiền về nơi ở mới chật hẹp.

Ông Hà Văn Thịnh, gia đình có 15 nhân khẩu cùng “chui” trong căn hộ chỉ  42m2 bức xúc nói: “Do diện tích nhà quá chật nên điều kiện sinh hoạt rất bất tiện. Mới vào hè mà trong nhà đã nóng kinh khủng...”.

Ở Piềng Phả Mựt bình quân mỗi hộ có 7 nhân khẩu, tất cả đều phải ở trong ngôi nhà chật hẹp, kiểu nhà không phù hợp với truyền thống nhà của đồng bào Thái. Bếp thì không có, mỗi nhà phải chặt phá rừng để lấy củi, gỗ làm bếp nấu ăn.

Đó là chưa kể hệ thống chuồng trại cũng không có, trong khi đất rừng đã được quy hoạch, nên không thể chăn thả súc vật như trước đây. Mỗi người chỉ được 147m2 đất trồng lúa nước và 13.000m2 đất màu.

Hiện người dân chưa được chia đất rừng. Vì vậy nhà nào cũng thiếu đất sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Đức-Trưởng Ban di dân huyện Quế Phong cho biết: Đã nhiều lần có kiến nghị việc này, nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa không giải quyết. 

Ngoài ra, bà con cho biết trước khi về nơi ở mới, chủ đầu tư hứa trung tuần tháng 4/2007 sẽ có điện phục vụ nhân dân, nhưng đến cuối tháng 5/2007 cũng chỉ mới thấy mấy cây cột được dựng lên đang phơi mưa nắng.

Đối với học sinh cấp 1, cấp 2 của bản hiện phải cho ghép vào các lớp học ở trung tâm của xã Đồng Văn. Số học sinh mầm non phải học nhờ vào hội trường của thôn bản.

Để sớm ổn định cuộc sống nơi ở mới, khu vực Piềng Phả Mựt đang còn nhiều vấn đề phải làm, như  đưa khoa học kỹ thuật vào hướng dẫn bà con sản xuất, cũng như cần ngăn  chặn nạn chặt, đốt phá rừng làm rẫy.

MỚI - NÓNG