Dân thiếu đất sản xuất vì nông lâm trường

Dân thiếu đất sản xuất vì nông lâm trường
TP - Hơn 10 năm sau khi thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh tại hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, tình trạng người dân thiếu đất sản xuất vẫn tiếp diễn trong khi các nông, lâm trường quốc doanh và chính quyền địa phương vẫn quản lý nhiều diện tích đất.

> Vì sao dân tái định cư phá rừng?
> Tây Nguyên: 20.000 hộ thiếu đất sản xuất

Giao cho dân… núi đá, khe suối

Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hôm qua, công bố kết quả nghiên cứu thực trạng quản lý sử dụng đất sau khi thực hiện Nghị quyết 28 tại hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Tại Hà Tĩnh, theo kết quả nghiên cứu, diện tích đất giao về cho địa phương và các tổ chức thuê hơn 10 năm qua là 27.216 ha, gồm 17.394 ha thu hồi, chuyển về địa phương 9.822 ha cho thuê. Con số trên chỉ đạt 65,96% so với mục tiêu thu hồi 41.255 ha. Trong khi đó, các nông, lâm trường quốc doanh vẫn sử dụng, quản lý 277.899 ha đất.

Diện tích đất thu hồi, giao chính quyền địa phương chủ yếu là đất rừng tự nhiên, rừng trồng, đất trồng. Hầu hết được địa phương giao lại cho người dân. Tuy nhiên hiệu quả sử dụng thấp do diện tích rừng tự nhiên giao về cho người dân là rừng nghèo, không có hiệu quả kinh tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc người dân thiếu đất sản xuất trong khi các Cty lâm nghiệp, nông, lâm trường quốc doanh quản lý diện tích đất quá nhiều, dẫn đến tranh chấp sử dụng đất là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.

Tại Quảng Bình, việc chuyển giao đất cho các hộ dân chậm, tình trạng hộ dân thiếu đất sản xuất tiếp tục trầm trọng ở nhiều địa phương. Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có diện tích tự nhiên 77.427,86 ha (chiếm 2/3 diện tích huyện) thì 95,5% là đất lâm nghiệp. Trong đó, Cty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại, các lâm trường và Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý 96,8% diện tích, UBND xã quản lý 3,2%.

Thời gian qua, có 1.525 ha đất được giao cho các hộ dân. Toàn xã có 40% số hộ được giao đất lâm nghiệp. Tính đến nay, diện tích đất canh tác bình quân mỗi hộ (4-5 khẩu) chỉ đạt 0,4 ha, đất lâm nghiệp đạt 0,8 ha. Có thôn, 100% người dân thiếu đất canh tác.

Huyện Minh Hóa, có 434 hộ (25%) chưa có đất sản xuất. Diện tích đất thiếu so với định mức quy định là 465,62ha. Ở huyện Lệ Thủy, 508 hộ thiếu đất sản xuất.

Điều đáng nói, dù thiếu nhưng người dân vẫn từ chối nhận đất được giao do đất xấu, không mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình), cho biết trong số 3.603 ha đất lâm nghiệp thu hồi từ đất của Cty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại có tới 2.078 ha không giao lại cho người dân được vì Cty không giao diện tích đất được đề nghị rà soát mà giao về diện tích đất núi đá, khe suối đồi dốc, người dân không thể canh tác.

Ông Vũ Ngọc Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Tổng cục Lâm nghiệp, đơn vị phối hợp thực hiện nghiên cứu, nói: “Chúng tôi đi ở nhiều địa phương, thấy các hộ dân được giao toàn núi đá. Giao xong người dân bỏ đấy”.

Tỷ lệ hộ nghèo cao

Tình trạng thiếu đất sản xuất khiến tỷ lệ hộ nghèo tại các khu vực có nông, lâm trường quốc doanh rất cao. Xã Ngân Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình), dù những năm qua đã chuyển giao 30ha đất từ nông, lâm trường quốc doanh nhưng 76 hộ vẫn thiếu đất ở, 200 hộ thiếu đất sản xuất. Tại bản Khe Sung của xã, 35 hộ thì 32 hộ nghèo, ba hộ cận nghèo. Tình trạng thiếu lương thực thường xuyên diễn ra.

Xã Trường Sơn có 52% số hộ nghèo. Hàng năm phải hỗ trợ lương thực cứu đói, có 5/15 bản phải hỗ trợ đến 80% nhu cầu lương thực của người dân.

Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo, hộ thiếu đất sản xuất là bà con dân tộc thiểu số khá cao. Nghiên cứu độc lập của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình phối hợp với Quỹ phát triển Nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh về thực trạng và nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình cho thấy, phần lớn những vùng thiếu đất sản xuất đều là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Lệ Thủy, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh.

Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã trong huyện khá cao như Ngân Thủy (Lệ Thủy) 70,9%; Dân Hóa (Minh Hóa) 89,41%; Thượng Trạch (Bố Trạch) 96,51%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.