Đào cát tích 'bom' nước đe dọa hàng nghìn dân

Hồ nước “khủng” ven sườn núi cao chực tràn vào nhà dân khi có mưa to, lũ lớn
Hồ nước “khủng” ven sườn núi cao chực tràn vào nhà dân khi có mưa to, lũ lớn
TP - Một doanh nghiệp khai thác cát vượt quá độ sâu quy định, gây ô nhiễm môi trường, tạo "bom" nước khổng lồ lâu ngày cạnh khu dân cư đông đúc hàng nghìn người tại vùng Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế).

Năm 2015, UBND tỉnh TT- Huế cấp giấy phép cho Cty Cổ phần Vật liệu Xây dựng 368 (Cty 368) được khai thác cát làm vật liệu xây dựng (VLXD) tại vùng Bãi Trằm, thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (thuộc vùng Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh TT-Huế).

Theo nội dung giấy phép, doanh nghiệp (DN) được khai thác cát trên diện tích 3ha, sâu 3 mét so với hiện trạng, trữ lượng 65.000m3. Việc khai thác theo giấy phép phải bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên,DN tổ chức khai thác ồ ạt không bảo đảm giới hạn độ sâu, không thực hiện cam kết hoàn thổ bảo vệ an toàn cho khu dân cư lân cận, có dấu hiệu vi phạm về môi trường, gây thất thoát tài nguyên...

Theo ghi nhận của PV, khu vực đào hút cát của Cty 368 tại Bãi Trằm hiện là một biển nước “treo” cạnh sườn núi cao, phía dưới là khu dân cư. “DN hút cát bất chấp quy định về độ sâu, hiện xuống sâu hơn 5 mét. Trước đây, họ đào còn cách khá xa vườn nhà nhưng đã khiến gia đình tôi không ăn yên, ở yên vì lo sợ túi nước cực lớn chực tràn vô nhà. Thời gian gần đây, họ cho người chăng dây sát đất vườn để mở rộng phạm vi hút cát thì gia đình tôi đã phản đối quyết liệt. Họ đào cát mà không có bờ bao giới hạn, nên nguy cơ đất vườn sạt đổ vào túi nước mênh mông do họ tạo nên này là khó tránh khỏi. Chưa kể khi có mưa lũ lớn, nước từ vùng đào cát với sức chứa hàng nghìn khối nếu đổ vào khu dân cư thì hậu quả thật khôn lường”, bà Lê Thị Mến (55 tuổi, thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến) phản ánh.

Hiện, người dân Thủy Dương sống cạnh “hố tử thần” nằm chen giữa chân sườn núi và khu đông dân cư đang rất bất an. Dân kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền yêu cầu DN phải có trách nhiệm bồi thường đường sá, bảo đảm an toàn về khai thác, vận chuyển, bảo vệ môi trường, sớm hoàn thổ mặt bằng để bố trí lại nơi sản xuất, chăn nuôi cho bà con…, nhưng tất cả vẫn chưa được xử lý triệt để, thậm chí rơi vào im lặng. 

Ký quỹ môi trường chỉ cho có?

Theo ông Nguyễn Văn Tánh, phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Lộc, qua nhận phản ánh và nắm tình hình mỏ cát Bãi Trằm, Phòng có bố trí người đi kiểm tra hiện trường. Được biết, qua kiểm tra sơ bộ bằng thước dây thì có một số điểm khai thác vượt quá độ sâu cho phép của UBND tỉnh TT-Huế. Khu vực khai thác cát thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch Suối Voi, cùng các vấn đề dân sinh khác.

Cán bộ Phòng TN&MT huyện Phú Lộc cho biết, Cty 368 đã ký quỹ bảo vệ môi trường, với mức hơn... 200 triệu đồng; sau này, nếu DN không chấp hành hoàn thổ các “bom nước” hoặc thực hiện không bảo đảm yêu cầu gây ảnh hưởng đến dân sinh, cơ quan chức năng sẽ dùng số tiền này phục vụ hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên, theo hiện trường đào tách, múc hút cát với độ sâu như hiện nay, qua tính toán của các doanh nghiệp chuyên về san lấp mặt bằng tại TT-Huế, số tiền mà Cty 368 ký quỹ cho tỉnh TT-Huế chỉ đủ để bố trí hoàn thổ khoảng 1/5 diện tích cần thực hiện.

MỚI - NÓNG