'Đầu ra' ở các trung tâm dạy nghề

'Đầu ra' ở các trung tâm dạy nghề
TP - Phát triển hình thức liên kết 3 bên, các Trung tâm dạy nghề ở Đăk Lăk đã giải quyết khá ổn bài toán tìm đầu ra cho lao động nông thôn. Đa số lao động sau đào tạo có việc làm, tăng thu nhập và không ít người thoát nghèo, làm giàu bằng chính nghề mình học.

> Lãng phí trong dạy chữ, dạy nghề
> Cử nhân “học” làm công nhân

Mô hình trồng nấm của một cặp vợ chồng trẻ
Mô hình trồng nấm của một cặp vợ chồng trẻ.

Thoát nghèo nhờ học nghề

Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, năm 2009 tỉnh Đăk Lăk cho xây dựng 10 Trung tâm dạy nghề (TTDN) tại các huyện, thị xã. Sau 3 năm hoạt động, nhiều khóa học sinh ra trường có cuộc sống ổn định, xây dựng cơ nghiệp từ nghề được học.

Năm 2012, anh Y Liễu Byă sinh năm 1980 ở Buôn Cuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana đăng ký học nghề sửa chữa xe máy tại TTDN huyện. Tận dụng mặt tiền nhà nằm bên trục đường chính của buôn, anh vay vốn mở tiệm sửa chữa xe máy. Mỗi ngày sửa hơn chục chiếc xe, anh kiếm được 300 – 400 nghìn đồng.

Sau hơn 1 năm anh trả hết nợ, xây nhà kiên cố, mở đại lý hàng tạp hóa cho vợ bán, kinh tế gia đình khá giả dần lên. “Trước đây hai vợ chồng mình đều làm nông, kinh tế dựa vào mấy sào cà phê, làm vất vả mà chẳng đủ ăn. Nhờ học được cái nghề có việc làm đều, thu nhập ổn định, giờ vợ chồng mình không lo nghèo đói nữa!”. Không chỉ giỏi tay nghề sửa xe máy, mỗi khi trong buôn có người hỏng xe đạp, máy nổ anh cũng sửa giúp.

Từ học nghề, anh Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1991 ở Buôn Rung, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana thoát nghèo nhờ mô hình trồng nấm. Cuối năm 2012, tốt nghiệp TTDN, Tiến bàn với vợ là chị Đỗ Ngọc Hiếu giáo viên trường mầm non gần nhà vay 30 triệu để làm nhà lồng, mua nguyên liệu mùn cưa, bọc nilon và mua nấm giống.

Một năm sau, anh thu 4 đợt nấm linh chi, mỗi đợt bán hơn chục triệu đồng. Ngoài ra, anh còn có nguồn thu ổn định từ nấm sò, trung bình mỗi ngày anh thu hoạch khoảng 15kg nấm sò bỏ sỉ cho các tiểu thương ngoài chợ với giá 20.000 đồng/kg.

Anh Tiến chia sẻ: Trồng nấm không khó, chỉ cần làm đúng kỹ thuật, ngày tưới 2 - 3 lần nước nấm sẽ phát triển đều đặn, không bệnh tật, kinh phí đầu tư vừa phải. “Mô hình nấm cho thu nhập rất ổn nhưng sản phẩm bán ra thường bị ép giá, ví dụ nấm linh chi tùy lúc giá dao động mạnh từ 600-900 nghìn đồng/kg, đợt thu vừa rồi giá xuống thấp quá, mình phải trữ lại gần 20kg chờ được giá mới bán”.

Liên kết 3 bên giải quyết việc làm

Toàn tỉnh Đăk Lăk có 41 cơ sở dạy nghề gồm 2 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp nghề, 24 TTDN và các cơ sở tham gia đào tạo nghề khác. Trong đó, có 14 TTDN hệ công lập ở các huyện thị hoạt động bằng kinh phí nhà nước.

Hiện nay, 14 TTDN hệ công lập đều chung tình trạng thiếu giáo viên, cán bộ quản lý và kinh phí hoạt động. TTDN Krông Ana được xây dựng khang trang trên diện tích khuôn viên rộng nhưng chỉ có 5 biên chế, phải thuê tới 18 thầy cô vào giảng dạy hợp đồng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó phòng Dạy nghề, Sở LĐ - TB&XH cho biết: Các TTDN đều đang hoạt động có hiệu quả, mỗi TT có một thế mạnh riêng, TTDN Krông Ana phát triển mô hình trồng nấm, TTDN Buôn Hồ tập trung đào tạo nghề may, Cư M’gar chủ yếu nghề sửa xe. Các TTDN đều thực hiện liên kết 3 bên giữa TTDN - Sở LĐTB&XH - Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo. Tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo hiện là 74,53%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.