Đoạn đê sạt lở trong thời gian bảo hành: Diễn biến phức tạp, lên phương án di dân

Khắc phục sạt lở bằng cách đóng các bao tải đất để gia cố tuyến đê
Khắc phục sạt lở bằng cách đóng các bao tải đất để gia cố tuyến đê
TP - Báo Tiền Phong số ra ngày 28/9 có bài “Sạt lở nghiêm trọng trong thời gian bảo hành” phản ánh việc bờ hữu ngòi tiêu Vĩnh Mộ (đê Lâm Hạc) trên địa bàn xã Cao Xá (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) có nhiều vị trí đang bị sạt lở. Báo cáo của UBND huyện Lâm Thao, qua theo dõi việc sụt lún, sạt lở có diễn biến phức tạp…

Ông Trần Hoài Giang, Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao cho biết, khi phát hiện sự cố sạt lở đê Lâm Hạc, ngày 19/8, UBND huyện Lâm Thao phối hợp với xã Cao Xá đã huy động hàng trăm người dân khắc phục sạt lở bằng cách đóng các bao tải đất để gia cố tuyến đê. Đồng thời, UBND huyện thông báo cấm và lập chốt kiểm soát các phương tiện lưu thông trên tuyến đê (không cho người và phương tiện vào khu vực sụt lún, sạt lở; tiến hành phủ bạt đắp bao tải đất ngăn không cho nước mưa chảy vào các vị trí sạt trượt). Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ đề phòng sự cố. Ngoài ra, địa phương cũng chuẩn bị phương tiện, vật tư… có phương án di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

“Qua theo dõi việc sụt lún, sạt lở tiếp tục có diễn biến phức tạp, trong thời gian tới sạt lở không được xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn tuyến đê Lâm Hạc. Nghiêm trọng hơn sẽ gây mất an toàn giao thông, đe dọa đến sinh hoạt, đời sống của người dân 6 xã phía nam huyện Lâm Thao. UBND huyện có văn bản báo cáo xin phương án xây dựng cải tạo đê hoàn chỉnh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ”, ông Giang nói.

Ông Giang cho hay, dự án Sửa chữa tuyến đường từ QL2D (cống tiêu Vĩnh Mộ) đến thôn Cao Lĩnh (xã Cao Xá) là dự án đường nằm trên mặt đê Lâm Hạc, hoàn thành trong năm 2019. Nguyên nhân đường bê tông bề mặt bị nứt dài là do mái đê bị sụt. Phần kè đê bằng rọ đá hoàn thành cách đây đã lâu nên xuống cấp, khi mưa lớn, nước lên cao, chảy xiết khiến bờ đê bị sói lở.

MỚI - NÓNG