Đói nghèo vì thiếu đất sản xuất

Đói nghèo vì thiếu đất sản xuất
TP- Trái ngược với tâm lý phấn khởi khi về những ngôi nhà mới, hàng chục hộ dân các làng Kơ Bei, Kơ Tu, Đăk Yo, Kơ Tol, Đăk Wơk thuộc xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Kon Tum đứng trước nguy cơ thiếu đói.
Đói nghèo vì thiếu đất sản xuất ảnh 1

Khu tái định cư được ví như một thành phố thu nhỏ song nhiều hộ dân khốn khó vì thiếu đất sản xuất. Ảnh: PV

Khu tái định cư 748 hộ sinh sống khá cách biệt với bên ngoài, với gần 20 km đường đồi núi quanh dãy Sạc Ly không một bóng nhà.

Tháng 5/2005, hai vợ chồng Y Nhuk (24 tuổi) và A Lâm (26 tuổi,) từ giã nơi ở cũ - làng Đăk Wớt - huyện Đăk Hà - Kon Tum, nhường quê hương xứ sở cho lòng hồ thủy điện Plei Krông về khu tái định cư làng Kơ Tol- Hơ Moong.

Họ được cấp một hecta đất nhưng, đến nay, vẫn không thể sản xuất được do có tranh chấp với các hộ dân ở làng Kon Gung (xã Đăk Ma, huyện Đăk Hà).

Không có đất để canh tác, thời gian rỗi, A Lâm suốt ngày đi uống rượu, mọi công việc gia đình đều do một tay Y Nhuk gánh vác.

Lo chạy ăn từng bữa cho ba con nhỏ, gương mặt Y Nhuk trở nên xanh xao hốc hác khi nghĩ đến những ngày giáp hạt sắp đến. Y Nhuk ngậm ngùi: “Đất đang tranh chấp không sản xuất được, cuộc sống vất vả lắm”.

Giống như hoàn cảnh của Y Nhuk là gia đình chị Y Cheỏh và A Tul, làng Đăk Yo. “Từ ngày lên khu tái định cư đến nay mình vẫn chưa có đất, phải mượn đất của bà con để làm” - chị Y Cheỏh phân trần.

Trước đây, ở làng Đăk Yo, xã Hà Mòn, Đăk Hà, nhà chị có tám hecta đất trồng lúa, mì, cuộc sống quanh năm khấm khá. Khi chuyển đến đây, gia đình chị phải lo miếng ăn từng ngày, làm việc gấp đôi nhưng vẫn không đủ ăn.

Trong làng Đăk Yo, nhiều gia đình khác như A Tám, A Hir, A Kdinh cũng rơi vào hoàn cảnh như chị, vẫn chưa được Ban quản lý dự án TĐ 4, chủ đầu tư dự án thủy điện Plei Krông bố trí đất sản xuất.

Có đất cũng không sản xuất được

Nhiều hộ khác mặc dù đã được Ban quản lý dự án TĐ 4 cấp đất nhưng vẫn khó khăn. Ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, nhìn nhận: “Nhiều năm qua, chính quyền nhiều lần giải thích, vận động người dân gắn đời sống với mảnh đất mới khu tái định cư. Nhưng vẫn còn 69 hộ dân chưa được Ban quản lý dự án TĐ 4 giao đất sản xuất.

Đói nghèo vì thiếu đất sản xuất ảnh 2
Kênh nước nội đồng khu sản xuất người dân xã Hơ Moong  ngừng chảy từ lâu. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, 26 hộ dân các làng Đăk Yo, Kơ Tol…, đã được giao đất nhưng không thể sản xuất được. Đất quá xấu và hai công trình thủy lợi do Ban quản lý dự án TĐ 4 đầu tư không phát huy tác dụng”.

Trong quá trình cấp đất thổ cư cho các hộ dân tái định cư (gồm 400 m2), BQLDA TĐ 4 đã khấu trừ 2,4 triệu đồng/hộ nhưng, đến nay, vẫn chưa trả lại cho các hộ dân (chỉ mới trả một phần cho các hộ ở làng Đăk Yo).

Rất nhiều người ở khu tái định cư cho rằng, Ban quản lý dự án TĐ 4 thiếu trách nhiệm trước việc giải quyết đền bù, tranh chấp đất đai, khiến dân không thể ổn định được công việc sản xuất và đời sống của mình.

Chính quyền cũng chạy vạy khắp nơi

Mặc dù đất đền bù tái định cư được cắm mốc chia cho các hộ dân nhưng, hơn bốn năm nay trên địa bàn xã Hơ Moong chưa hộ nào có sổ đỏ.

Trước tình hình trên, UBND xã Hơ Moong nhiều lần kiến nghị lên các cấp các ngành chức năng và Ban quản lý dự án TĐ 4 nhưng vẫn không thấy chuyển biến. 

Gần đây nhất, ngày 10/6, UBND xã Hơ Moong gửi công văn đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý dự án TĐ 4 thực hiện sáu vấn đề còn tồn đọng tại địa phương.

Phản ứng của Ban quản lý dự án TĐ 4 là vẫn lặng yên bất chấp hàng chục hộ dân Hơ Moong đang từng ngày chờ đợi và đối mặt với nhiều khó khăn trong mùa giáp hạt này…

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.