Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải thông báo trước 45 ngày

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải thông báo trước 45 ngày
TP - Chủ doanh nghiệp M.H ở TPHCM hỏi: Doanh nghiệp tôi hiện có một nhân viên hay gây gổ với đồng nghiệp, liên tục không tuân thủ các quy định của cơ quan. Chúng tôi muốn chấm dứt hợp đồng với người lao động này (doanh nghiệp đã ký hợp đồng vô thời hạn) thì phải làm thủ tục như thế nào để không phạm luật, tránh kiện tụng?

Luật sư Dương Văn Đích, Cty Luật Khai Phong trả lời: Như nội dung bạn hỏi, có thể hiểu hợp đồng lao động trường hợp này là loại không xác định thời hạn. Pháp luật về lao động hiện hành quy định các trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn gồm:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng;

b) Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định pháp luật;

c) Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền;

d) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

đ) Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.

Trình tự, thủ tục để người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn là:

- Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp nêu tại điểm a, b và c ở trên, người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

- Trong trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (ở đây là cơ quan quản lý nhà nước về lao động). Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại điểm b mục 1 ở trên, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Riêng về trường hợp sa thải, quy định về điều kiện như sau:

+ Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;

+ Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm;

+ Người lao động tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG