Đơn vị nào phải đền bù thiệt hại cho dân vụ nước sông Đà ô nhiễm?

Sự cố Nhà máy nước sạch sông Ðà nhiễm bẩn ảnh hưởng đến hàng vạn người dân Thủ đô. Ảnh: Trường Phong
Sự cố Nhà máy nước sạch sông Ðà nhiễm bẩn ảnh hưởng đến hàng vạn người dân Thủ đô. Ảnh: Trường Phong
TP - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Ðặng Hùng Võ cho biết, việc quản lý cấp nước sạch cho người dân đều có các quy chuẩn kỹ thuật, nhưng trên thực tế không thực hiện được theo đúng các quy chuẩn này; dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn nguồn nước.

Khốn khổ vì mất nước

Sáng 17/10, anh Nguyễn Văn Tuấn (Hoài Đức, Hà Nội) phải lên cơ quan tắm rửa sau mấy ngày “nhịn” vì sự cố nước sạch sông Đà. Nhiều bạn bè của anh Tuấn cũng lâm vào cảnh tương tự vì nhà không có nước, mà có nước cũng chưa dám sử dụng.

Anh Tuấn là nhân viên văn phòng ở Hà Nội. Vợ chồng anh cư trú tại khu đô thị mới trên địa bàn xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội). Chung cư anh Tuấn ở sử dụng nước từ Nhà máy nước sạch Sông Đà. Sau khi báo chí thông tin về vụ việc, ngay lập tức anh đưa vợ và con nhỏ về nhà ngoại gửi vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện giờ anh ở một mình, nước không có, sau mấy ngày nhịn, đành phải mang quần áo, đồ đạc lên cơ quan ở nội thành tắm nhờ.

Cùng khu với anh Tuấn, anh Nguyên cũng đã cho vợ và hai con nhỏ về quê ở Nam Định để tránh đợt nước bẩn này. Cách đây mấy ngày, lúc nước sông Đà nhiễm bẩn chưa được báo chí phát hiện và thông tin, con trai nhỏ của anh Nguyên bị tiêu chảy, phải nhập viện. Theo anh Nguyên, nhiều gia đình trong khu anh ở cũng đã di tản người già và trẻ em về quê tạm thời mấy ngày để nghe ngóng tình hình. Gia đình nào không di tản thì phải mua nước đóng chai sử dụng. “Nhiều nhà phải mua hàng triệu đồng tiền nước rồi. Không biết kéo dài đến bao giờ”, anh Nguyên nói.

Phải đền bù thiệt hại cho người dân

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 17/10, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho biết, việc quản lý cấp nước sạch cho người dân đều có các quy chuẩn kỹ thuật, nhưng trên thực tế không thực hiện được theo đúng các quy chuẩn này. Ví dụ như hồ chứa cấp nước để sản xuất nước sạch hiện nay quản lý lỏng lẻo. Như vụ ở Hòa Bình, ngoài việc đổ thải gây ô nhiễm mang tính độc hại đó, thực tế vẫn còn là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp. Việc tưới tràn trong nông nghiệp, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chảy xuống hồ cũng là một nguồn gây độc hại cho nguồn nước. Nếu không xử lý triệt để thì vẫn còn.

“Giải pháp đặt ra là cần kiểm tra, quản lý các nguồn cấp nước để sản xuất nước sạch cho các đô thị. Quy trình quản lý phải chuẩn. Như ở các nước, nơi sản xuất nước sạch cho người dân đều được lắp các cảm biến tự động. Mọi chỉ số đều được đánh giá, công khai hàng ngày cho người dân được biết. Đấy là một cách giám sát hiệu quả, ai cũng biết, nhìn được chỉ số về nơi cung cấp nguồn nước”, ông Võ nói.

Theo ông Võ, với điều kiện hiện nay, việc lắp các thiết bị cảm biến đo các chỉ số như vậy “không còn cao xa”, các nước làm được, nhưng ở Việt Nam hiện vẫn chưa triển khai. Ông Võ đề nghị cần làm, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân.

Liên quan đến chuyện bồi thường thiệt hại cho người dân do tình hình nước nhiễm bẩn gây ra, ông Võ cho biết, đây là quan hệ thương mại mang tính dân sự, giữa đơn vị cấp nước và người dân đô thị. Về nguyên tắc, bên bán nếu gây thiệt hại cho bên mua thì phải bồi thường, dù có ghi hoặc không ghi điều khoản trong hợp đồng. “Nếu chứng minh được việc nước bị nhiễm bẩn gây thiệt hại cho người dân thì phải đền bù. Điều này rất bình thường trong pháp luật dân sự”, ông Võ nói. Theo ông Võ, người dân, các tổ chức có liên quan, các cơ quan nhà nước có thể phối hợp, hỗ trợ, chứng minh thiệt hại trước mắt và lâu dài do nước nhiễm bẩn gây ra, ví dụ như gây suy hao về sức khỏe để bên cấp nước bồi thường.

Về mức độ an toàn của các dự án nước sạch từ nguồn nước mặt, ông Võ tái khẳng định việc cần có là quy chuẩn thực sự chặt chẽ và cụ thể để bảo vệ sức khỏe người dân. Còn việc có đảm bảo chất lượng, an toàn hay không phụ thuộc vào việc quản lý. “Nước mặt chủ yếu lấy từ nước sông, nước hồ. Phải đưa vào các hồ chuyên dụng làm nguồn cung nước sạch. Vấn đề còn lại là quản lý kiểu gì. Dù nước mặt hay nước ngầm thì quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng nước sạch thực sự an toàn cho người dân”, ông Võ nói.

Đơn vị nào phải đền bù thiệt hại cho dân vụ nước sông Đà ô nhiễm? ảnh 1

Người dân, các tổ chức có liên quan, các cơ quan nhà nước có thể phối hợp, hỗ trợ, chứng minh thiệt hại để bên cấp nước bồi thường.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Ðặng Hùng Võ

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.