Dưới mái nhà 'Tiền Phong'

Dưới mái nhà 'Tiền Phong'
TP - Một bạn sinh viên trẻ hỏi tôi làm thế nào để trở thành phóng viên Tiền Phong? Tôi bảo phải luôn khát khao và cống hiến.

> Tiền Phong - 60 năm trong đội ngũ tiên phong
> Phóng viên 'Tiền Phong' và những điểm nóng miền Nam

Khao khát và cống hiến

Một bạn sinh viên trẻ hỏi tôi làm thế nào để trở thành phóng viên Tiền Phong? Tôi bảo phải luôn khát khao và cống hiến. Chỉ có khát khao bạn mới trở thành nhà báo và chỉ có cống hiến, toà soạn mới ghi nhận công lao của bạn.

PV Phong Cầm tác nghiệp tại châu Phi
PV Phong Cầm tác nghiệp tại châu Phi.

Giữa những năm 2000, tôi đã là cộng tác viên tích cực của Tiền Phong. Hồi đó, Tiền Phong là tờ báo số một Việt Nam với đội ngũ phóng viên dày dạn kinh nghiệm, rất tài năng. Vì thế, đêm ngày, tôi luôn khao khát được đứng trong hàng ngũ đó. Khi thấy bài báo đầu tiên được đăng trên Tiền Phong (với dòng tít to “Sinh viên cửu vạn”), người tôi cứ lâng lâng, cảm giác rất khó tả. Để thực hiện ước mơ, khi kiến tập và thực tập, tôi quyết định chọn Tiền Phong.

Đến nay, khi đã trở thành phóng viên của Tiền Phong, tôi vẫn luôn khát khao thể hiện và cống hiến. Hàng loạt bài báo như: “Những đại dự án FDI vốn ảo”, “Những người chống lại quan tham”, “Máu rừng Ngàn Sâu vẫn chảy”, “Khi doanh nghiệp FDI bỏ trốn, xù nợ”... đã gây tiếng vang lớn, đạt giải cao tại các giải báo chí quốc gia. Hạnh phúc sau các bài báo chính là những phận đời, phận người đã được mình góp phần bảo vệ, chở che. Giọt nước mắt của người yếu thế là thước đo sức mạnh ngòi bút của mình và giúp mình sống nhân văn hơn.

* Lao vào điểm nóng

Khi Tiền Phong tròn 60 tuổi, là trọn 10 năm tôi công tác ở báo Tiền Phong, đóng chốt ở miền Trung - vùng đất quanh năm suốt tháng sôi sùng sục với bão lụt, nạn phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép… và đặc biệt biển Đông, nơi hàng ngàn ngư dân Việt ngày ngày bám biển Hoàng Sa - Trường Sa.

PV Nam Cường trên đỉnh lũ Hội An năm 2009
PV Nam Cường trên đỉnh lũ Hội An năm 2009.

Mỗi năm, miền Trung hứng trên dưới 10 cơn bão, hết Chan Chu, Xangsane, Cimaron, Wutip, Nari, Haiyan… rồi đến những trận lũ lụt ghê người. Hầu như mùa mưa nào chúng tôi cũng sẵn sàng tâm thế lao vào điểm nóng. Sứ mệnh rõ ràng: Đưa tin sớm nhất, chính xác nhất, mau chóng đưa được những món hàng cứu trợ của bạn đọc Tiền Phong đến với bà con.

Lại nhớ những lần thâm nhập bãi vàng sa khoáng trái phép ở rừng thiêng nước độc “thủ phủ vàng” Phước Sơn hay đồi than thổ phỉ Đại Hưng, Đại Tân; rồi sống chông chênh bên thủy điện Sông Tranh 2; hoặc những lần lang thang dọc miền biên ải, cùng sống với bà con dân tộc. Đáng nhớ nhất có lẽ là những lần ra với bà con ngư dân, ở đảo tiền tiêu Lý Sơn, Cù Lao Chàm hay Cồn Cỏ; ra tận Trường Sa với các chiến sĩ hải quân hay giữa trùng khơi Hoàng Sa đón ngư dân gặp nạn… Những lần như thế, thật khó nói hết cảm xúc, bởi đơn giản, thật tự hào khi giới thiệu: Tôi là phóng viên báo Tiền Phong.

Vâng! Và chúng tôi sẽ lại lao vào điểm nóng…

* Hạnh phúc trong đại gia đình Tiền Phong

Ngày còn là sinh viên báo chí, tôi thường tìm đọc báo Tiền Phong, ước có ngày trở thành phóng viên, được ký tên dưới các bài viết. Thế rồi, thật may mắn khi năm thứ 2 đại học, tôi và một cậu bạn cùng lớp được làm cộng tác viên thường xuyên của Tiền Phong. Sau hơn 2 năm học việc ở báo, từ một cộng tác viên, tôi trở thành phóng viên.

PV Trường Phong công tác tại quần đảo Trường Sa tháng 5/2013. Ảnh: Ngọc Tú
PV Trường Phong công tác tại quần đảo Trường Sa tháng 5/2013. Ảnh: Ngọc Tú.

Tôi cảm nhận được Tiền Phong như một gia đình, trong đó, mọi người hết lòng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Những người anh, người chị đi trước chỉ bảo, hướng dẫn, động viên đàn em từ điều nhỏ nhất. “Bài viết hôm nay chưa ổn, cố gắng hơn nữa nhé”, “Em cần xem lại câu chữ”, “Tóc dài quá rồi, chú nên cắt bớt đi”, “Yêu đương thế nào, lại đang thất tình à”… Đúng như lời Phó tổng TKTS, trưởng ban Thanh niên Lê Anh Đạt nói “Thời gian chúng ta sống ở tòa soạn nhiều hơn ở nhà. Tòa soạn là một gia đình. Làm sao để gia đình luôn hòa thuận và đoàn kết”, tôi hiểu ở Tiền Phong, bản sắc truyền thống 60 năm qua luôn được giữ vững, được vun đắp từng ngày qua sự thân thiện, gần gũi, chan chứa yêu thương.

Phóng viên Tiền Phong trao quà trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Nguyễn Khánh
Phóng viên Tiền Phong trao quà trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Nguyễn Khánh.

* Tiền Phong gắn với những kỷ niệm cuộc sống của tôi

Hơn 10 năm kể từ ngày rời ghế giảng đường đại học, tôi mới có dịp gặp lại người thầy cũ của mình. Ngoài câu chuyện sức khỏe, ông ấy hỏi tôi “cậu giờ làm ở đâu”? Tôi thưa với thầy rằng, tôi đang làm ở báo Tiền Phong. Ông ấy tự hào mà rằng “làm được ở Tiền Phong là nhất rồi. Đó cũng là tờ báo mà ngày xưa tôi hay cộng tác và luôn đọc hằng ngày”. Những động viên và tự hào nơi người thầy cũ, ít nhiều làm tôi cảm thấy sung sướng và thêm phần tự hào khi được sống và cống hiến nơi tờ báo mình lựa chọn.

PV Lê Nguyễn Vui sống với nghề
PV Lê Nguyễn.

Gần 9 năm gắn bó với mái nhà Tiền Phong, ở đó tôi có dịp tiếp xúc học hỏi với những đồng nghiệp làm báo chuyên nghiệp, họ đã giúp tôi trưởng thành và lớn lên trong suy nghĩ cũng như cách cầm bút. Nhiều đề tài gây được tiếng vang và được bạn đọc đón nhận, chia sẻ là một minh chứng cho những nỗ lực của bản thân và cả một tập thể đoàn kết ấy. Cũng như hơn 200 con người trong mái nhà này, tôi cảm thấy tự hào khi được cống hiến và mang đến nhiều thông tin thiết thực, nhanh nhạy… chiếm được niềm tin của bạn đọc.

* Vui sống với nghề

Điều mà mọi phóng viên, biên tập viên đều mong mỏi đó là được sống vui, sống khoẻ với nghề. Trong suốt lịch sử 60 năm truyền thống của mình, báo Tiền Phong, diễn đàn của tuổi trẻ cả nước, đã đáp ứng được mong mỏi của nhiều người.

PV Minh Tuấn (người khoác túi) trên công trường thanh niên tình nguyện làm đường ở Tà Xi Láng năm 2004 (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Hồng Vĩnh
PV Minh Tuấn (người khoác túi) trên công trường thanh niên tình nguyện làm đường ở Tà Xi Láng năm 2004 (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ở mọi giai đoạn, từ khi báo mới ra đời tại bản Dõn đến nay, đều thấy lấp lánh tên tuổi những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên góp sức tạo ra đẳng cấp và uy tín cho tờ báo.

Ngay từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, Tiền Phong đã là tờ báo đi đầu trong thông tin, nhiều phóng viên có mặt rất sớm trên các chiến trường máu lửa, vừa tay bút vừa tay súng. Từ giai đoạn này, phóng viên Tiền Phong đi đầu dấn thân điều tra, phanh phui những vụ tiêu cực. Sức trẻ và tinh thần tiền phong trong những người làm báo đã tạo nên niềm tin trong lòng bạn đọc.

Hiện nay, sự bùng nổ của phương tiện truyền thông, internet đang đặt các tờ báo, trong đó có Tiền Phong, vào cuộc thử thách, cạnh tranh mới. Thách thức mới của nghề báo, yêu cầu của bạn đọc ngày càng nhiều, ngày càng cao Tiền Phong đang tiếp tục đầu tư xây dựng môi trường làm nghề chuyên nghiệp hơn hiện đại hơn.

* Trưởng thành từ “sức ép” của Tiền Phong

Tôi chính thức thành người của Tiền Phong sau đúng 10 năm làm báo hình ở tỉnh. Quãng thời gian 10 năm ấy, môi trường làm báo không cạnh tranh đã tạo cho mình một sức ỳ nhất định. Chỉ đến khi gia nhập gia đình Tiền Phong, “sức ép” nhanh nhạy, chính xác, rồi cạnh tranh thông tin đã giúp tôi trưởng thành từng ngày trong nghề báo.

Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thưởng phạt công minh, những lời động viên, chia sẻ lúc khó khăn từ Tòa soạn đã tạo cho tôi một cảm hứng làm việc thực sự. Sau những chuyến công tác dấn thân, nguy hiểm cận kề, tôi mới thấm thía câu nói “đi khó, viết dễ” của các bậc tiền bối trong nghề báo.

Thương hiệu Tiền Phong đã giúp tôi thuận tiện hơn rất nhiều trong công việc, nhưng đồng thời cũng là sức ép cần phải gìn giữ hàng ngày. Được làm việc trong môi trường làm báo chuyên nghiệp đã giúp tôi chững chạc hơn, trong nghề cũng như trong cuộc sống. Trong thời khắc trọng đại 60 năm ngày thành lập báo, điều tôi muốn nói nhất với Tiền Phong là hai từ: Cảm ơn!

Hoàng Nam


Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG