Giảm áp lực thiếu điện :

EVN có thể mua lại điện của dân, tại sao không ?

EVN có thể mua lại điện của dân, tại sao không ?
TPO - Là thợ điện lâu năm, từng trực vận hành các máy phát điện cho cơ quan cả trong chiến tranh và trước khi nghỉ hưu, tôi hiểu rõ và đồng cảm với vấn đề thiếu điện của EVN hiện nay. Tuy vậy, tôi cũng có bức xúc của người dùng điện, muốn đề xuất ngược lại.
EVN có thể mua lại điện của dân, tại sao không ? ảnh 1
Những máy phát điện bằng năng lượng mặt trời này có thể bán lại điện cho EVN những khi thừa.

Chủ quan và sơ bộ, theo tôi, có thể có hiệu quả nhanh, nhiều, tốt, rẻ so với những ý tưởng khác.

Cách đây không lâu (khoảng 3-4 tháng, tôi không nhớ trong chương trình nào), VTV đã giới thiệu hình ảnh một hộ dân ở nước ngoài đã bán điện cho hệ thống điện lực những khi thừa điện.

Qua những hình ảnh của dàn pin mặt trời, tôi thấy rõ chúng được lắp trên mái nhà, không ở vùng nhiệt đới có nắng chói chang như chúng ta và tôi cũng nhớ đại ý nội dung lời ông chủ hộ vui vẻ kể rằng “sau gần 2 năm sử dụng, có khi còn bán cho mạng.., thì tiền điện tiết kiệm được đã đủ bù cho tiền đầu tư..”.

Là thợ điện, tôi hiểu rằng hệ thống điện có 2 trong số những đặc thù của nó, là:

1- Tại mọi thời điểm, tổng công suất của các nhà máy phát điện (đổ công suất vào hệ thống) nhất thiết phải đúng bằng tổng công suất của toàn bộ các phụ tải (tiêu thụ công suất điện của hệ thống), để bảo đảm cân bằng công suất và ổn định hệ thống.

2- Bất kỳ một máy phát điện nào (dù có công suất lớn hay nhỏ, thuộc các nhà máy phát điện) có tham gia đổ công suất cho hệ thống điện thì đều nhất thiết phải có khả năng tạo nên tần số (của dòng điện của mình phát ra) đúng bằng tần số của hệ thống (mà của Việt Nam là 50 HZ), để duy trì sự đồng bộ của toàn hệ thống. Thuật ngữ chuyên ngành gọi đây là khả năng hòa đồng bộ.

Tuy chương trình đưa đã lâu nhưng cứ mỗi khi VTV đưa tin có liên quan đến nguồn điện lực, tôi lại một lần thêm bức xúc. Nhớ lại chương trình và ngẫm nghĩ, thấy rằng nội dung đã đưa rất đáng lưu ý ở những điểm và ý tưởng như sau để có thể xem xét:

1- Dàn phát điện mặt trời được lắp trên mái nhà, tức là công suất không nhỏ (thường chỉ từ vài trăm W đến dăm ba kW, lấy ra nguồn điện một chiều, với chi phí đầu tư là cao so với khi dùng máy nổ).

Chính dàn pin này đã đảm đương vai trò của nhà máy phát điện trong vận hành hệ thống điện lực. Như thế tức là ngay khi công suất của nguồn phát điện là rất nhỏ và kể cả với dàn điện mặt trời dùng cho hộ gia đình, người ta cũng vẫn có thể bán điện năng cho hệ thống điện.

2- Dàn điện gia đình này được lắp đặt khi đang có hệ thống điện chứ không phải khi không (hoặc chưa) có, tức là chính hộ tiêu thụ điện có thể chủ động để hỗ trợ nhà sản xuất và tạo thành cấu hình kỹ thuật có tác dụng qua lại, tác động lẫn nhau. Nói cách khác, họ đã tạo nên mô hình liên kết rất linh hoạt.

3- Đối tượng mua/bán chỉ duy nhất là điện năng, trong quan hệ giữa người bán/người mua quen thuộc chứ không phải mặt hàng hay người thứ 3 nào khác, thực hiện trên chính mạch kết nối giữa hệ thống điện với hộ dùng điện.

4- Chiều dịch chuyển năng lượng trong mô hình không chỉ đi từ hệ thống điện vào nhà dân (hộ tiêu thụ) mà còn có thể đảo chiều (điện đi từ nhà dân ra, đổ vào hệ thống) khi nhà dân thừa điện dùng, dù là ít. Như thế, nếu nhà dân có công tơ thông thường thì những lúc bán, chỉ số điện năng sẽ chạy lùi, làm cho chỉ số công tơ hàng tháng giảm, dẫn đến tiền điện sẽ giảm.

5- Khi dân có thể bán được điện cho EVN, ý thức tiết kiệm của mỗi người, mỗi hộ dùng điện sẽ trở thành tự giác, thường xuyên, liên tục và triệt để.

6- Chỉ khi xã hội hóa nguồn điện theo mô hình như VTV đã giới thiệu, đồng thời với việc xây dựng thêm những nhà máy điện công suất lớn thì EVN mới có thể làm giảm áp lực thiếu điện lâu nay. Mô hình sẽ giúp EVN khắc phục được nguy cơ thiếu điện không chỉ về công suất mà cả về sản lượng. Lúc đó, các nhà máy phát điện công suất lớn của EVN sẽ đảm nhiệm việc điều tiết công suất để hệ thống vận hành ổn định và kinh tế, nâng cao chất lượng cung cấp điện.

7- Nếu EVN thực hiện được phương thức thu mua điện của dân, dù ít dù nhiều, được Wh (hoặc kWh) nào hay Wh (hoặc kWh) ấy thì thật hiệu quả là nhãn tiền. Lợi ích (hiểu theo cả 2 nghĩa: lãi, có ích), to lớn biết bao!

8- Khi quy mô những dàn pin hay máy phát điện của dân càng lớn, có sự hỗ trợ kỹ thuật hoặc/và vốn đầu tư lớn lao và chuyên nghiệp của các ngành liên quan thì hiệu quả kinh tế - kỹ thuật sẽ là vô cùng to lớn và nhanh chóng.

9- Khi thu mua điện, cần minh bạch và bình đẳng, phù hợp với kinh tế thị trường, trong đó giá mua cũng theo giờ cao điểm/thấp điểm, tương ứng với biểu giá bán theo lũy tiến sản lượng điện bán hàng tháng. Như vậy, chắc chắn sẽ có cạnh tranh lành mạnh.

10- Nhiệt độ trong nhà những gia đình thực hiện giải pháp sử dụng điện theo mô hình đã nêu sẽ được hạ nhiệt rất rõ rệt (hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen), nhất là trong những ngày này, góp phần cải thiện môi trường sống. Trong quá trình thực hiện ý tưởng, nếu cần bổ sung các trang thiết bị kỹ thuật thì xin EVN hãy tập trung giải quyết.

Lê Quốc Tuân
Email: tuanlq27444@yahoo.com 

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Trần Cảnh, Email: ...noi@yahoo.com

EVN cần sớm thiết lập cơ chế & khung giá mua điện của dân

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của tác giả bài viết. Đã có lần tôi làm việc với 1 đối tác nước ngoài, họ vào Việt nam để khảo sát thị trường điện gió. Họ nhận thấy rằng năng lực phát triển điện gió ở nước ta khá lớn, đặt biệt ở vùng đồng bằng sông cửu long.

Tuy nhiên họ cho rằng sẽ không thể khuyến khích tư nhân đầu tư điện gió nếu EVN độc quyền và hoàn toàn không có chủ trương hấp thụ nguồn điện này từ dân nếu họ đầu tư. Cản trở lớn nhất là giá điện EVN mua lại và cơ chế mua lại điện của dân.

Ở một vài nước phát triển như Đức, Mỹ, Canada người dân (thông thường là những hộ trang trại, họ chăm sóc vài ngàn m2 đất canh tác, hoặc có trang trại chăn nuôi lớn, đều bỏ tiền (chủ yếu đi vay ngân hàng) đầu tư vào xây dựng 1 trạm điện gió.

Về mùa thu hoạch, họ sử dụng điện cho thu hoạch & chế biến sau thu hoạch, khi này nhu cầu điện của họ thường cao & họ cần mua thêm điện của nhà nước.

Về thời gian khác trong năm, nhu cầu điện của họ giảm xuống, nguồn điện gió lại được bán trở lại cho các công ty điện. Giữa họ và công ty điện luôn có thỏa thuận rõ ràng về giá điện, cơ chế bán điện.

Tôi nghĩ ở nước ta hoàn toàn làm được điều này nếu EVN có thiện chí và quyết tâm làm.

Về giá điện của ta, tôi thấy ở nước phát triển họ cho phép công ty điện đầu năm tính giá điện ở mức công ty điện dự tính mức tăng giá thành. Đến cuối năm, có 1 ủy ban độc lập (gồm nhiều thành phần như: người bên ngành tài chính, kiểm toán, điện, hội người tiêu dùng....) sẽ tiến hành xác định mức giá thành chuẩn dùng điện trong năm đó. Số tiền điện điều chỉnh sẽ được bù trừ vào hóa đơn điện năm sau.

Thiết nghĩ nhà nước ta có thể áp dụng mô hình này ở trong một khung tăng giảm nhất định nào đó, điều này giúp cho doanh nghiệp chủ động dự tính mức chi phí giá thành, giúp cho công ty điện (EVN) dự trù mức chi phí đầu tư, đảm bảo được nguồn tiền đầu tư nhất định hàng năm cho ngành điện.

Lê Xuân Tuấn, Email: tuanyen201074@...

Thật là một ý tưởng đề xuất tuyệt vời, đề nghị các ban ngành quản lý cần có một khung pháp lý cụ thể để kích thích các hộ dân đầu tư xây dựng các nhà máy điện góp phần ổn định nguồn điện cho quốc gia.

Nguyễn Minh Tâm, Email: ...49@gmail.com

Chào bác. Tôi cũng như bác có xem chương trình đó và tôi có vài ý kiến trao đổi với bác như sau:

1. Chi phí lắp đặt và sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời rất tốn kém. Một tấm pin năng lượng mặt trời của hãng Sharp công suất 200W là 1032 USD. (http://www.wholesalesolar.com/solar-panels.html). Ngoài ra còn phải mua máy biến đổi dòng điện từ điện 1 chiều sang điều xoay chiều. Bên cạnh đó, công suất của tấm pin năng lượng mặt trời giảm dần theo thời gian và tuổi thọ la 25 năm. Chi phí lắp đặt và duy tu cũng tốn kém.

2. Nếu muốn bán điện cho EVN thì chúng ta phải dư điện. Tôi e rằng chi phí đầu tư vào tấm pin năng lượng mặt trời và công suất đạt được như mong muốn để bán lại điện cho EVN có khả thi không? Hàng giờ chúng ta cũng phải sử dụng điện như tủ lạnh (sử dụng 24/24), quạt, máy lạnh, máy vi tính... Bác nên tính đến việc sử dụng bao nhiêu năng lượng và công suất của hệ thống pin năng lượng là bao nhiêu.

3. Tôi nhớ không lầm thì chính phủ Nhật đã cấp kinh phí lắt đặt và mua hệ thống pin năng lượng cho người dân ở khu vực đó. Chào thân ái.

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG