Game show : Những câu trả lời cười ra nước mắt

Game show : Những câu trả lời cười ra nước mắt
TP - Các chương trình Ai là triệu phú, Rung chuông vàng, Đấu trường một trăm, Đối mặt, Khắc nhập khắc xuất v.v… vừa là giải trí, quảng cáo vừa rất bổ ích cho những ai muốn ôn luyện, mở mang kiến thức. Nhưng cũng qua đó, người xem mới thấy “phát lộ” ra một số vị đi thi theo kiểu… “trời ơi…”!

Ví dụ ở một chương trình Khắc nhập khắc xuất, một thầy giáo dạy sử địa hẳn hoi, gặp câu hỏi Ngọc Hân là công chúa nhà Nguyễn phải không, thầy không biết. (Trong khi học trò thầy có lẽ cũng đã biết tên đầy đủ của vị công chúa này là Lê Ngọc Hân, nghĩa là thuộc nhà… Lê)!

Hỏi quê liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi thầy cũng không biết là ở Quảng Nam! Hỏi tập thơ Nhật ký trong tù được Bác Hồ sáng tác bằng thứ chữ gì, sau khi dài dòng đoán định, suy luận, so sánh mãi giữa việc Bác giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Pháp thầy mới trả lời một cách hú họa là chữ Hán, vì thầy biết tác phẩm này Bác viết ở Trung Quốc, nên chữ Hán nghe ra có lý hơn chữ Pháp!

Ở một chương trình Ai là triệu phú, một người xưng là viết văn làm thơ viết báo mà “rớt đài” quá sớm với câu hỏi ở dạng kiến thức sơ đẳng về văn học vì không biết cha đẻ các nhân vật Chí Phèo - Thị Nở là nhà văn Nam Cao!

Ở một chương trình Đấu trường 100, một vị cán bộ cấp Tá phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị của một đơn vị quân đội cấp Tỉnh mà không trả lời được câu hỏi Quốc tế Cộng sản tiến hành 7 lần Đại hội; Như đã nói, kiến thức thì vô cùng, nhưng người xem cứ nhắc mãi chuyện này vì vị này đã rất vinh dự tự hào hùng hồn viện dẫn câu nói của Bác rằng người làm công tác Đảng, công tác chính trị phải là… linh hồn của đơn vị (!)…

Chương trình Rung chuông vàng lại cho thấy một khía cạnh khác. Ấy là chất lượng kiến thức phổ thông của sinh viên ta còn nhiều khiếm khuyết đến… “đáng báo động”!

Ví dụ tại Đại học Văn Lang, ở ngay câu hỏi thứ nhất về Quốc hiệu đầu tiên của nước ta dưới thời Hùng Vương, (là câu hỏi thử nghiệm về chính tên trường mình đang theo học), thế mà đến trên một nửa sinh viên rời khỏi sàn thi vì không biết!

Ở Đại học Sư phạm Hà Nội, một nữ sinh viên khoa Ngữ văn điền vào chỗ trống câu ca dao quen thuộc rằng “Bây giờ em đã lấy chồng/ Như chim… “sổ lồng”, như cá cắn câu”!

Ở học viện Cảnh sát nhân dân, với câu hỏi súng không giật do ai chế tạo trong kháng chiến chống Pháp, một số sinh viên trả lời là… Lê Anh Xuân (nhà thơ thời chống Mỹ) chứ không phải cái tên Trần Đại Nghĩa nổi tiếng lừng lững lâu nay!

Đến câu hỏi năm 1975 ta chọn đánh vào mặt trận nào đầu tiên để mở màn chiến dịch giải phóng miền Nam, thì chỉ còn đúng mỗi một sinh viên ngồi lại sàn thi!

Thật là những câu trả lời buồn cười và cười... buồn.

MỚI - NÓNG