Gặp trận đồ bát quái thủ tục hành chính

Gặp trận đồ bát quái thủ tục hành chính
TP - Một đồng đội cũ của ông Luận là ông Trần Văn Trung ở xã Hưng Phú (Mỹ Tú, Sóc Trăng) giúp ông Luận đăng ký chèo đò chở khách qua sông Quản lộ Phụng Hiệp. Ngờ đâu, họ gặp khó khăn lớn bởi trận đồ bát quái thủ tục hành chính.

Gia đình ông cựu chiến binh Võ Công Luận ở xã Phụng Hiệp (Phụng Hiệp, Hậu Giang) có 8 người nhưng ít đất sản xuất nên nghèo.

Con sông Quản lộ Phụng Hiệp có một bờ là xã Hưng Phú (Mỹ Tú, Sóc Trăng), bờ bên kia là thị trấn Trà Lồng (Long Mỹ, Hậu Giang).

Sông rộng hơn 50 mét, mới có một bến đò với một chiếc trẹt mỗi lần chở được 8 người nên luôn ách tắc.

Khi ông Trung đứng ra xin cho đồng đội cũ đóng thuyền đưa khách qua sông thì chính quyền 2 bờ ủng hộ. Tuy nhiên, ông phải làm một loạt thủ tục sau:

Ông Trung làm đơn trình ra xã Hưng Phú, trình lên Phòng hạ tầng Kinh tế huyện Mỹ Tú và UBND huyện Mỹ Tú. Đơn của ông Trung phải đi tiếp một vòng ở bờ bên kia thuộc huyện Long Mỹ (Hậu Giang).

Sau đó, xin phép Trạm quản lý Đường sông Phụng Hiệp. Rồi mời chính quyền 2 bên bờ sông là xã Hưng Phú và thị trấn Trà Lồng họp để thống nhất cho phép ông Trung đưa khách qua sông.

Chưa hết, ông Trung phải thuê người vẽ “Sơ đồ vùng nước bến khách ngang sông”. Vượt qua từng ấy cửa ải, ông Trung báo cho ông bạn cựu chiến binh Võ Công Luận biết để ông Luận mua đất lập bến và đóng thuyền đưa rước khách. Ông Luận vay mượn tiền bạc và ngày 23/1/2006 được cấp phép hoạt động.

Giấy phép chỉ có giá trị 1 năm. Cuối năm 2006 đầu 2007, ông Trung lại phải “chạy việt dã” qua trận đồ bát quái thủ tục hành chính để giúp đồng đội cũ tiếp tục được đưa khách qua sông. Lần này, ông Trung thất bại. Lúc đầu, UBND xã Hưng Phú và UBND thị trấn Trà Lồng ủng hộ. Đơn trình lên UBND huyện 2 bờ.

Lần này còn phải có ý kiến của Sở GT-VT Sóc Trăng và Hậu Giang. Phía bờ Sóc Trăng “xuôi chèo mát mái” nhưng phía bờ Hậu Giang thì gặp trục trặc. Đột nhiên, UBND thị trấn Trà Lồng làm công văn rút lại sự đồng ý. Sở GT-VT Hậu Giang tổ chức cuộc họp nhiều bên thì UBND xã Hưng Phú cũng nói miệng là không chấp thuận.

Lý do chủ yếu để chính quyền cơ sở “nói hai lời” là sự cạnh tranh của bến đò thứ nhất, tức là không nhằm tạo thuận lợi cho khách qua sông. Trong quản lý kinh tế-xã hội, chính quyền “nói hai lời” là điều tối kỵ, bởi gây ra tổn thất nhiều mặt.

Gia đình ông Võ Công Luận đã vay số tiền lớn để đóng thuyền, mua đất lập bến bây giờ “thuyền mắc cạn trên sông” không trả được nợ, góp thêm một hộ nghèo đói cho xã hội.

MỚI - NÓNG