“Giảm chuẩn” PCCC 17 chung cư: Cư dân bất an

Tầng hầm gửi xe tòa nhà 27 Lạc Trung không có hệ thống phun nước chống cháy dù cư dân đã kiến nghị nhiều lần.
Tầng hầm gửi xe tòa nhà 27 Lạc Trung không có hệ thống phun nước chống cháy dù cư dân đã kiến nghị nhiều lần.
TP - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội có văn bản đề nghị giảm bớt tiêu chuẩn, thay thế một số hạng mục phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại 17 chung cư cao tầng vi phạm PCCC. Điều này khiến người dân không khỏi lo lắng.

Các chung cư được đề nghị hạ chuẩn là các công trình đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn các tồn tại, vi phạm quy định về PCCC, “không có khả năng khắc phục” theo yêu cầu của Quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC hiện hành.

Trong đó có 8 dự án do tư nhân đầu tư gồm: Chung cư mini Bồ Đề (ngõ 193 Bồ Đề); Khu nhà ở nhiều hộ gia đình số 76 Cự Lộc; Tòa nhà văn phòng cho thuê và để ở (số 88 Tô Vĩnh Diện); Tòa nhà chung cư cao tầng (số 46/230 Lạc Trung); Tòa nhà chung cư (89 Phùng Hưng - Phúc La, Hà Đông); Nhà chung cư 30 tầng BMM khu đô thị Xa La của Cty Sản xuất thương mại BMM; Trung tâm thương mại nhà ở cao tầng số 27 Lạc Trung của Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; Tháp B văn phòng thuộc tòa nhà hỗn hợp HH1 ngõ 102 Trường Chinh của Cty CP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam.

Đáng lưu ý, có 4 dự án do các đơn vị xây dựng phục vụ nhu cầu ở cán bộ chiến sĩ công an. Cụ thể: Dự án nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ công an huyện Gia Lâm, tòa nhà C17 Bộ Công an tổ 14 Ngọc Thụy; Nhà ở cho cán bộ, giáo viên Học viện Quốc tế (Bộ Công an) xã Thanh Liệt, Thanh Trì; Nhà ở cho cán bộ chiến sĩ Tổng cục V (Bộ Công an), khu đô thị mới Cổ Nhuế.

Tính mạng người dân ra sao?

Trao đổi với PV, ông Lê Huy Cường, đại diện Ban Quản trị lâm thời tòa nhà 27 Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng) cho biết, cư dân chưa hề nhận được bất kỳ phương án nào liên quan đến khắc phục PCCC từ cơ quan chức năng mà chỉ biết qua báo chí. Tuy nhiên, ông này khẳng định: “Nhân nhượng với phòng cháy là gây họa cho tương lai”. Tại tầng 2 hầm gửi xe, ông Cường chỉ vào những thiết bị phòng cháy đã hoen gỉ, cùng cánh cửa không tự động đóng. Ông này cho rằng, cánh cửa không có thủy lực tự động đóng là trái với quy định PCCC, khi có cháy khói sẽ lan khắp các tầng. Phía trong hầm gửi xe, không hề có vòi phun nước cứu hỏa, mặc dù đã được cư dân kiến nghị trong nhiều năm. “Gara xe này ban đêm chứa 300 xe máy, nhưng không có vòi phun nước, chỉ cần 1 xe phát nổ là nguy cơ cháy lan rất lớn”, ông Cường bức xúc.

Theo một số người dân, 14 năm nay, chủ đầu tư (CĐT) không hoàn thành quy định PCCC, khi cư dân kiến nghị, tố cáo thì CĐT lại trốn tránh vào không trả lời vấn đề.

Tại chung cư BMM (phường Phúc La, Hà Đông) dù đã bàn giao nhà từ lâu nhưng đến tháng 6/2016 cơ quan chức năng mới phát hiện chung cư này chưa đảm bảo các yêu cầu an toàn về PCCC. Ngay sau đó, CĐT cam kết có biện pháp khắc phục các tồn tại về PCCC trước ngày 30/12/2016. Đến nay, chung cư này đã bị xử phạt 80 triệu đồng và đình chỉ hệ thống gas tổng, đồng thời bị đưa vào danh mục không thể khắc phục. Ông Hà Tùng Linh – Ban Quản trị tòa nhà BMM cho rằng, những vấn đề UBND thành phố Hà Nội đề nghị hạ tiêu chuẩn đều liên quan đến kết cấu tòa nhà. Tuy nhiên, ngay cả những trang thiết bị cơ bản cũng bị CĐT “ngó lơ”. “Từ tầng 5 trở lên tòa nhà không có hệ thống báo khói tự động, cư dân yêu cầu nhiều nhưng CĐT vẫn ngó lơ. Nên nếu hạ chuẩn PCCC thì sẽ càng nguy hiểm hơn cho cư dân”, ông Linh nói.

Tìm giải pháp thay thế

Để khắc phục tồn tại về PCCC những công trình trên, Hà Nội đưa ra 10 nhóm giải pháp, tương ứng với nhóm chung cư có cùng vấn đề phải giải quyết. Với công trình không thể thi công hệ thống hút khói, thành phố đề xuất thay thế cửa mở ra hành lang bằng cửa chống cháy tự động đóng, bổ sung hệ thống tăng áp trực tiếp vào hành lang các tầng. Với công trình không có khả năng thi công hệ thống tăng áp cho buồng thang bộ, thành phố đề xuất mở ô cửa thoáng mặt sau các buồng thang bộ. Với công trình tồn tại về hệ thống thu rác, đề xuất giải pháp ống đổ rác làm bằng vật liệu không cháy, miệng ống phải tự động đóng kín…

Trao đổi với PV Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết, những giải pháp đề xuất chủ yếu là giải pháp thay thế chứ không phải hạ tiêu chuẩn. Ví dụ không làm giải pháp A nhưng có thể thay thế bằng giải pháp B, C, D để cân bằng với giải pháp A. Theo lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội, trong QCVN 06:2010/BXD (Quy chuẩn Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình) cũng quy định những đơn vị nào không đáp ứng đầy đủ những tiêu chí của công trình thì phải xây dựng luận chứng, giải pháp để đảm bảo yêu cầu PCCC của Bộ Xây dựng và Bộ Công an. Tức là khi được chấp thuận thì cũng sẽ đảm bảo tương đương chứ không phải hạ tiêu chuẩn.

Một số chuyên gia lĩnh vực xây dựng đồng tình với những đề xuất của thành phố Hà Nội. Bởi nếu áp dụng đúng chuẩn thì chỉ có phá bỏ chung cư xây lại. Cơ bản nhất là cần có cam kết nếu khi có sự cố phải quy định trách nhiệm của từng đơn vị liên quan.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, dù nâng lên hay hạ chuẩn thì mục đích cuối cùng là bảo vệ sinh mạng người dân. Theo TS Liêm, không chỉ 17 chung cư UBND thành phố Hà Nội đề cập mà còn rất nhiều chung cư cũ không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC do trước đây chưa có quy định về tiêu chuẩn. Về những giải pháp được đưa ra, TS Liêm khẳng định đây là những giải pháp chấp nhận được, quan trọng hơn cần tăng cường quản lý vận hành, đáp ứng các yêu cầu về PCCC. Vậy phần thiết kế, xây dựng đã không đạt yêu cầu thì phần quản lý phải tăng cường nghiêm ngặt để bù lại.

MỚI - NÓNG