Gom rác, quét đường giữa giờ cao điểm

Bãi trung chuyển rác giữa nút giao Minh Khai và đê Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) hoạt động đúng giờ cao điểm
Bãi trung chuyển rác giữa nút giao Minh Khai và đê Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) hoạt động đúng giờ cao điểm
TP - Đúng giờ cao điểm, không ít người dân Thủ đô “đụng” phải xe rác chắn trước mặt với mùi xú uế nồng nặc.  

Nút giao Minh Khai và đê Nguyễn Khoái (địa bàn quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) là một trong những nút giao thông thường xuyên ách tắc của Hà Nội. Ngoài việc đường chật hẹp, lưu lượng phương tiện đông đúc, tình trạng tắc đường còn do: Giữa nút giao này là… nơi trung chuyển rác. Trạm trung chuyển này thường xuyên hoạt động đúng giờ cao điểm.

8h15 sáng 31/5, một chiếc xe chở rác của chi nhánh quận Hai Bà Trưng thuộc Cty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) thu rác từ các xe đẩy, thùng rác dồn về điểm tập kết này. Xe và nhiều công nhân hoạt động ngay dưới cột đèn giao thông, chiếm gần nửa làn đường di chuyển. Đèn chuyển tín hiệu xanh, không nhiều ô tô, xe máy lách qua được “tổ công tác” thu gom rác này.

Tình trạng thùng rác đặt dưới lòng đường, trở thành vật cản trở đối với người tham gia giao thông xảy ra ở hầu hết các tuyến phố lớn như: Phố Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Bà Triệu, Lê Duẩn... Vào giờ cao điểm, xe tránh thùng rác để đi khiến cho cả dòng xe phía sau dồn ứ lại.  

Thậm chí, trên phố Kim Mã, cách trụ sở của Urenco chỉ hơn 100 m, một thùng rác được để dưới lòng đường. Cho dù, ngay trên vỉa hè, vị trí đặt thùng rác đã được đánh dấu bằng vạch sơn hình ô vuông màu vàng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, cán bộ tuyên truyền của Urenco (doanh nghiệp được ký hợp đồng dọn vệ sinh quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa) lý giải: Cty yêu cầu các đơn vị thành viên tránh dọn rác, quét đường sạch sẽ sau 1h sáng; tránh làm việc vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, ông Hiệp vẫn thừa nhận, do lượng rác thải của người dân Hà Nội quá lớn và thói quen xả rác tuỳ tiện của người dân nên tình trạng dọn vệ sinh vào giờ cao điểm vẫn xảy ra.

Theo ông Hiệp, nhiều thùng rác đặt tại ngõ lớn chỉ 1 giờ lại đầy nên công nhân Cty phải quay lại thu gom, nên khó tránh được việc gom rác vào giờ cao điểm. Về việc công nhân quét rác vào sáng sớm, ông Hiệp giải thích do người dân đi tập thể dục buổi sáng cầm theo túi rác vứt ở vệ đường nên công nhân phải đi quét và thu gom thường xuyên. “Chúng tôi cam đoan không có việc công nhân để rác qua đêm đến hôm sau mới quét đường” – ông Hiệp nói.

Khi được hỏi: “Theo quy định, các thùng rác thường được bố trí trên vỉa hè. Nhưng thực tế, tại không ít nơi thùng rác được để xuống lòng đường, gây mất vệ sinh lẫn cản trở giao thông?”, ông Hiệp cho hay: Có nhiều vị trí thùng rác được đặt “nép” dưới lòng đường với sự thống nhất của UBND phường, quận. Những vị trí xác định trên vỉa hè nhưng bị đẩy xuống lòng đường do công nhân không chấp hành (đẩy lên vỉa hè sẽ mệt hơn) hoặc do một số hộ kinh doanh không muốn thùng rác để trước nhà nên tự di chuyển xuống lòng đường.

Theo thống kê, mỗi năm thành phố Hà Nội chi khoảng 3.000 tỷ đồng cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác, tức trung bình mỗi ngày chi hơn 8 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.