Ủng hộ kiến nghị của GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng

Hà Nội ô nhiễm nặng

Hà Nội ô nhiễm nặng
TP - Ngay sau khi đăng bài trả lời phỏng vấn của GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Tiền Phong nhận được nhiều hồi âm của độc giả. Dưới đây, Tiền Phong xin trích đăng một số ý kiến ban đầu.

>> Lo cho tương lai thế này a - kỳ 2
>> Lo cho tương lai thế này a - kỳ 1

Để đảm bảo thông tin nhiều chiều, Tiền Phong mong nhận được nhiều ý kiến phản biện của độc giả và các cơ quan chức năng, với mục tiêu chung vì một  “Thủ đô Xanh, Văn hiến - Văn minh và Hiện đại”.

Hà Nội ô nhiễm nặng ảnh 1
Cơ sở sản xuất trong khu dân cư Nhân Chính, Hà Nội, như thế này (tháng 9-2007) có phần trách nhiệm không nhỏ của quy hoạch  - Nguồn: Cục BVMT

Buồn nhưng không lạ

Tôi đọc bài phỏng vấn thấy buồn nhưng không lạ. Quy hoạch phát triển đô thị tích hợp (integrated urban development planning) là vấn đề, cho đến nay, vẫn chưa có cơ quan nào đảm nhận chính thức.

Khi nói đến quy hoạch và ban hành các quy định pháp lý về quy hoạch (đô thị), dường như chỉ có Bộ Xây dựng có chức năng làm quy hoạch. Vì thế, Luật Quy hoạch vừa ban hành cũng chủ yếu chỉ đề cập đến quy hoạch xây dựng mà thôi.

Bài phỏng vấn GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng mới chỉ đề cập đến khía cạnh môi trường, chứ tôi tin, các yếu tố kinh tế và xã hội cũng chưa được tính đến đầy đủ đâu.

Với phong trào lên đời/ nâng cấp đô thị từ hạng thấp lên hạng cao theo kiểu cưỡng ép (từ của nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, Nguyễn Lân, hiện là Tổng Thư ký Hiệp hội Đô thị Việt Nam, và được nhiều lãnh đạo đô thị chia sẻ, đồng tình), Bộ Xây dựng sẽ tiến hành quy hoạch cho các đô thị đó (trừ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và một số đô thị lớn khác, có thể thuê quy hoạch ngoại).

Đơn giản là vì các đô thị kia chỉ đủ tiền thuê Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị&Nông thôn, Bộ Xây dựng, mà thôi.

Khi đó, các thành phố sẽ có các khu công nghiệp thẳng cánh cò bay, những con đường vuông vức như bàn cờ, những khu dân cư đô thị đẹp như khu nghỉ dưỡng (resort), v.v. Còn con người, nhất là người nghèo, sẽ khó mà có mặt trên bản đồ quy hoạch đô thị đó.

Đấy là chưa kể những nét đặc trưng về văn hoá, xã hội, về môi trường, và kiến trúc của mỗi thành phố cũng sẽ biến mất.

Lê Diệu Anh
email: a.ledieu@gmail.com

Hà Nội ô nhiễm nặng

Chúng tôi nhất trí cao với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là Hà Nội phải trở thành “Thủ đô Xanh, Văn hiến - Văn minh và Hiện đại”. Nhưng chúng tôi thấy còn có rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu đó.

Theo đánh giá của Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE), Hà Nội của chúng ta là một trong những thành phố ô nhiễm hàng đầu của Việt Nam và thế giới.

Nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm bụi và tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước sông, hồ, nước ngầm là rất nghiêm trọng và nan giải. Tình trạng úng ngập gia tăng, diện tích cây xanh trên đầu người giảm, sông hồ bị san lấp, bê tông hóa ngày càng nhiều.

Vấn đề chỉnh trị và khai thác sông Hồng đoạn qua Thủ đô đang gây ra nhiều bức xúc. Việc sử dụng tài nguyên và môi trường Hà Nội nhìn chung còn nhiều bất cập, chưa hợp lý và không bền vững.

Tất cả những tồn tại đó sẽ càng trầm trọng hơn trong tương lai khi kinh tế thủ đô phát triển mạnh hơn, các vấn đề xã hội của đô thị mở rộng ngày càng phức tạp, tác hại của các vấn đề an ninh môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng sâu sắc và rộng khắp.

Vì vậy, VACNE hoàn toàn nhất trí với các tiêu chí bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đối với Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội (viết tắt: Quy hoạch) nêu trong thư kiến nghị ngày 9-12-2009 gửi Thủ tướng Chính phủ của GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng.

Chúng tôi xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan:

1. Xem xét và chấp nhận các tiêu chí môi trường và phát triển bền vững được nêu, áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Quy hoạch.

2. Tổ chức tiến hành đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đối với Quy hoạch theo đúng đòi hỏi của tình hình, của cuộc sống, cho dù Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 có lỗ hổng, chưa quy định rõ ràng về các trường hợp phải làm ĐMC.

3. Xin ứng xử hợp lý với quá trình chuẩn bị và phê duyệt Quy hoạch. Các kiến nghị của VACNE có thể đòi hỏi thêm thời gian và điều kiện để nghiên cứu. Nếu được yêu cầu, các chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm của VACNE sẽ tham gia việc nghiên cứu đánh giá ĐMC đối với Quy hoạch.

TS Nguyễn Ngọc Sinh
Chủ tịch VACNE

Ủng hộ kiến nghị của GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng

Chúng tôi rất phấn khởi nhận thấy đề án Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội (viết tắt: Quy hoạch) lần 3 do các tác giả đề xuất có nhiều ý tưởng sáng tạo, có giá trị cao, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai lâu dài, theo kịp quy hoạch của các thành phố hiện đại trên thế giới.

Bên cạnh đó, là những chuyên gia trong lĩnh vực môi trường xây dựng và đô thị, chúng tôi cũng nhận thấy phần “Đánh giá môi trường chiến lược” như tên ghi trong mục lục của đề án (phần 6, trang 3), trong thực hiện lại chỉ là “Đánh giá tác động môi trường” (từ trang 156 đến trang 160).

Điều này cho thấy các tác giả thực chất chỉ thực hiện nghiên cứu về đánh giá tác động môi trường mà thôi. Ngay cả các đánh giá này cũng rất sơ sài và không đầy đủ, không cân xứng (thể hiện trong năm trang), trong khi, Quy hoạch cho sự phát triển và tồn tại bền vững nhiều trăm năm đòi hỏi những đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) toàn diện, nghiêm túc và sâu sắc hơn nghiều.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ kiến nghị của GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng với những đề xuất tâm huyết, đúng đắn, có giá trị khoa học và thực tiễn cao.

Đoàn Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam thiết tha kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các vị lãnh đạo hai bộ Xây dựng và Tài nguyên & Môi trường và UBND TP Hà Nội cho phép thực hiện ĐMC của Quy hoạch trước khi Chính Phủ chính thức phê duyệt.

PGS.TS Phạm Đức Nguyên
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam

MỚI - NÓNG