Hà Nội: Thu hồi đất nhỏ lẻ để xóa nhà siêu mỏng

Hà Nội: Thu hồi đất nhỏ lẻ để xóa nhà siêu mỏng
TP - Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã phát biểu như vậy khi làm việc với lãnh đạo Hà Nội và 2 quận Đống Đa, Cầu Giấy vào sáng 7/8.

>> Hà Nội: Bức xúc nhà siêu mỏng và hạ tầng đô thị

Hà Nội: Thu hồi đất nhỏ lẻ để xóa nhà siêu mỏng ảnh 1

Những ngôi nhà siêu mỏng như thế này lại đua nhau mọc lên hai bên đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Ảnh: Phùng Sưởng

Bộ trưởng Quân cho rằng, các Ban quản lý dự án và thành phố khi mở đường phải thu hồi diện tích đất nhỏ, hẹp còn lại sau khi thu hồi đất, tránh để xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo như tại tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, cũng như nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Đức Học - Chủ tịch quận Đống Đa - cho biết: Thành phố đã có chỉ đạo thu hồi đất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, thực tế việc thu hồi là khó. “Có ô đất chỉ là một vệt tường dài chục mét, chẳng làm được gì. Nhưng theo pháp luật, muốn thu hồi phải lập dự án riêng” - Ông Học nói. Do vậy, trên địa bàn quận vẫn còn tới gần 100 ô đất nhỏ lẻ mặt đường chưa được thu hồi.

Trong khi đó, các phường đều lúng túng khi tìm cách quản lý. Thu hồi mà không quản lý tốt sẽ xảy ra tình trạng tái lấn chiếm. Và đó chính là nguyên nhân gây ra nhà siêu mỏng. Ông Học đề nghị, các nhà đầu tư phải có trách nhiệm thu hồi diện tích đất này, có thể đề nghị thu hồi ngay khi lập dự án. Sau đó, thành phố sẽ định giá và bán lại cho các hộ dân ở bên trong.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, Chính  phủ đã có quy định cấm xây dựng trên diện tích đất nhỏ hẹp (dưới 20 m2), hoặc có hình thù kỳ dị. Quy định đó rất phù hợp, nhằm bảo vệ an toàn cho chính người dân, đồng thời tạo điều kiện giữ bộ mặt khang trang cho phố phường.

Vì vậy, trên phần đất này không thể cho xây dựng nhà cửa. Phần đất nhỏ lẻ nên được thu hồi, bán lại cho hộ dân liền kề, tạo điều kiện để người dân hợp khối sau này, hoặc có thể trồng cây vào đó.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, ngay trong tuần tới thành phố sẽ họp bàn với các ngành liên quan đưa ra quy chế cụ thể,  nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Trường Ca; Email: truongca64@yahoo.com

Tôi tán thành và rất ủng hộ Bộ Xây dựng và TP Hà Nội quan tân đến việc giải quyết đất nhỏ lẻ - nhà siêu mỏng làm mất mỹ quan. Tuy nhiên Hà Nội và một số TP lớn của nước ta vẫn rất lúng túng và nhiều quan điểm trái chiều, thiếu thống nhất.

Xin nêu ý kiến: Cần thấy rõ, đất nhỏ lẻ -nhà siêu mỏng không do người dân tạo ra, mà do thực tế phát triển giao thông và đô thị. Dù nhỏ, nhưng nó đều có nguồn gốc hợp pháp - có đủ các quyền theo Luật Đất đai. Chủ nhân của nó đã rất thiệt thòi khi bị giải tỏa, cái thiệt tiếp theo sau khi giả tỏa là họ không đủ diện tích để được cấp phép xây dựng.

Hộ liền kề vô tình hưởng lợi, từ vị trí sau mặt tiền ra tiếp cận mặt tiền chẳng mất mát gì như người được lợi trời cho. Không ít người muốn mua rẻ để hợp khối, cấp chính quyền muốn đẹp đô thị xét thấy phải thu hồi lại đưa ra giá áp đặt không sát với thị trường, cũng có người đòi cưỡng chế nên chẳng ai chịu bán rẻ phần đất nhỏ nhưng hoàn toàn hợp pháp.

Quan điểm của cá nhân tôi nên thu hồi nhưng phải sát với giá thị trường, người mua hợp khối cũng phải trả giá theo thị trường của đường phố đó. Chính quyền nên làm trung gian, không nên bàn thảo phải lập dự án - xuất ngân sách thu mua và bán lại làm gì không khéo lại nẩy sinh tiêu cực trong định giá mua và định giá bán, hoặc lãng phí bỏ hoang sau khi thu hồi.

Chỉ nên làm trung gian và trọng tài trong chuyển nhượng hợp khối, đồng thời kiên quyết không cấp phép xây dựng và động viên bên mua và bán thống nhất giá thị trường, hiện các tỉnh và TP đều có trung tâm thẩm định giá, chính quyền không nên can thiệp vào giá cả chuyển nhượng. Vì đây là giao dịch dân sự.

Theo ý này, tôi chắc sẽ có lối ra và là ra ào ào cho việc xoá tình trạng đất nhỏ lẻ- nhà siêu mỏng hiện nay, các cấp và ngành cũng nhẹ lo việc họp bàn giải quyết. Mong chính quyền Thủ đô phát pháo đi đầu, giống như việc kiên quyết hớt ngọn của các cao ốc vuợt chiều cao và số tầng không phép.

Hòa Minh Tân; Email: tanbs07@yahoo.com.vn Phương án không khả thi

Ở Hà Nội, mỗi con đường mở ra tất yếu sẽ để lại những mảnh đất nhỏ lẻ, hình thù quái dị, cho dù sau này có làm bằng cách lấy thêm vào hai phía so với quy hoạch mặt cắt của đường 30 - 50m phần đầu thừa đuôi thẹo vẫn không thể loại bỏ.

Cách làm như ông chủ tịch quận Đống Đa nói là thu hồi rồi bán cho hộ bên trong thì khó khả thi bởi lẽ: Về nguyên tắc hàng hóa chỉ bán duy nhất cho 1 khách hàng thì giá cả và thỏa thuận mua bán sẽ thế nào? Nếu rẻ quá thì sinh tiêu cực, đắt quá thì lỡ họ không mua, vả lại Nhà nước định giá thế nào với mảnh đất hình thu như vậy?

Theo suy nghĩ của tôi Thành phố nên dùng những mảnh đất ấy phục vụ lợi ích công cộng như: Trạm tuần tra an ninh, điểm khai báo tạm trú, điểm chờ xe bus, hay điểm quảng cáo rao vặt miễn phí, nhà lánh nạn... 

Vu Sy Manh; Email: manhvs@yahoo.com.vn Cần làm ngay việc thu hồi và bán đấu giá đất nhỏ lẻ

Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc thu hồi dất nhỏ lẻ. Để có một đô thị văn minh, hiện đại và xứng tầm với một thủ đô của một đất nước 84 triệu dân, các cấp lãnh đạo cần phải có biện pháp giải quyết triệt để các tuyến phố, đường hiện mọc lên rất nhiều những nhà hình thù kỳ dị, siêu mỏng mất mỹ quan đô thị.

Khi tiến hành mở đường, phố cần phải có quy hoạch tổng thể về đất nhỏ lẻ, thu hồi hoặc quy hoạch lại đồng bộ cho phù hợp với đô thị hiện đại, tránh để tình trạng như hiện nay.

Lê Xuân Tịch; Email: Lexuantich@yahoo.com

Cũng với nội dung này cách đây vài năm tôi đã có gửi thư cho Sở Xây dựng Hà Nội, Bộ Xây dựng, các báo về việc áp dụng mô hình như Đà Nẵng đã thực hiện nhân đọc bài phản ánh tình trạng nhà siêu mỏng tại Hà Nội.

Tôi chỉ đồng tình với bài báo này về việc thu hồi các mảnh đất nhỏ lẻ để tránh tình trạng nhà siêu mỏng, siêu gầy... Vì đây chỉ là biện pháp tình thế áp dụng cho các dự án đã hoàn thành.

Song, theo tôi thì biện pháp đúng nhất cho các dự án sau này là phải thực hiện quy hoạch đồng bộ giữa đường và phố. Việc thực hiện dự án đồng bộ có nhiều ưu điểm đáp ứng cho xã hội nhiều mặt sau:

- Tạo cảnh quan phố phường hiện đại.

- Tạo vốn để thực hiện dự án mà Nhà nước không mất vốn đầu tư công trình và còn dôi đầu tư cho các dự án công cộng khác. Bởi vì chỉ cần giải toả gấp 2 lần diện tích đường thì diện tích kinh doanh được có giá trị gấp 5  - 10 lần giá đền bù cho diện tích đó.

- Tạo sự bình đẳng giữa những người dân phải di dời và những người còn ở lại. Do đó việc giải phóng mặt bằng cũng thuận lợi hơn.

- Không có tham nhũng (vô hình) khi các quan chức (cố tình) lập dự án mở đường qua khu đất họ đầu tư.

Đây là ý kiến nhỏ của tôi mong Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cùng các bộ ngành có liên quan nghiên cứu để tạo sự công bằng trong xã hội.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.