Hà Nội xin ý kiến về việc bồi thường 135 hộ dân khiếu nại ở dự án Nhổn - ga Hà Nội

Khu Đề pô (ga đầu mối) cho dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội)
Khu Đề pô (ga đầu mối) cho dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội)
TPO - UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho 135 hộ dân bị thu hồi đất để xây dựng khu Đề pô thuộc dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, với số tiền 75 tỷ đồng.

Như Tiền Phong đã nêu, cuối năm 2020, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT) có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, giải quyết khoản hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho 135 hộ dân (tại Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) theo đúng chính sách, pháp luật tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tức là hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các nông dân trên bằng đất dịch vụ hoặc đất ở. Do Hà Nội không bố trí được quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai thống nhất với phương án giải quyết khoản hỗ trợ này bằng tiền.

Hà Nội xin ý kiến về việc bồi thường 135 hộ dân khiếu nại ở dự án Nhổn - ga Hà Nội ảnh 1 13 năm qua, người dân gõ của rất nhiều cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để đòi đúng chính sách mà người dân được hưởng.

Trường hợp thành phố Hà Nội đề xuất tiếp tục áp dụng khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm như khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đã được xây dựng theo Nghị định 197/2004 (về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất) thì cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận làm cơ sở thực hiện.

Căn cứ văn bản trên, ngày 9/2, UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng tiền như khung chính sách của dự án đã được xây dựng theo Nghị định số 197/2004. Số tiền dự kiến phê duyệt bổ sung cho 135 hộ trong trường hợp được Thủ tướng chấp thuận là 75 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Khắc Kiên, đại diện cho 135 hộ dân cho hay, đối với đề xuất của UBND thành phố Hà Nội áp dụng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng tiền là chưa phù hợp.

Theo ông Kiên, việc quy hoạch quỹ đất ở, đất dịch vụ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận tại Công văn số 7911/UBND-KHĐT (chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại vị trí DD1 xã Xuân Phương, nay thuộc quận Nam Từ Liêm) với diện tích là 1,65 héc ta và tổng vốn (dự kiến) là hơn 52 tỷ đồng. Vì thế, ông Kiên đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm thực hiện việc giao đất ở, dịch vụ theo đúng quy định tại thời điểm thu hồi đất.

Hà Nội xin ý kiến về việc bồi thường 135 hộ dân khiếu nại ở dự án Nhổn - ga Hà Nội ảnh 2 Cuối năm 2020, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT) có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, giải quyết khoản hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho 135 hộ dân (tại Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) theo đúng chính sách, pháp luật tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (2006-2007) cho 135 hộ dân (để phục vụ việc xây dựng khu Đề pô cho dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội), Nghị định 17/2006/NĐ-CP (quy định sửa đổi, bổ sung về đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề khi Nhà nước thu hồi đất) đã quy định cụ thể về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng việc giao đất để làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ cho các hộ nông dân mất trên 30% đất nông nghiệp.

Sau đó, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP (quy định sửa đổi, bổ sung về đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất) cũng đã có quy định cụ thể về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng việc giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp.

Hà Nội xin ý kiến về việc bồi thường 135 hộ dân khiếu nại ở dự án Nhổn - ga Hà Nội ảnh 3 Khu đất DD1 xã Xuân Phương, nay thuộc quận Nam Từ Liêm.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ nông dân ổn định cuộc sống bằng đất ở hoặc đất dịch vụ nêu trên chậm được UBND TP Hà Nội cụ thể hoá khiến cho 135 hộ dân không được hỗ trợ theo hình thức này. Cụ thể, ngày 09/6/2008, UBND TP Hà Nội mới ban hành Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND hướng dẫn thực hiện nội dung trên với nội dung: “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp được giao thì được giải quyết bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở căn hộ chung cư cao tầng hoặc bằng tiền theo quy định”.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, chính sách giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp tại Hà Nội chậm hơn so với hiệu lực thi hành của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP là 6 tháng. Vì thế, người dân không được nhận đất ở hay đất dịch vụ mà chỉ được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng tiền là 25.000 đồng/m2. Đây là lý do 135 hộ dân khiếu nại kéo dài.

MỚI - NÓNG