Hà Nội: Nhiều người không được bảo hiểm y tế tháng 8/2007

Hà Nội: Nhiều người không được bảo hiểm y tế tháng 8/2007
TP - Nhiều người ở Hà Nội được cấp thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ 1/8/2006 đến 31/7/2007. Khi sắp hết thời gian bảo hiểm trên thẻ, họ đã nộp tiền để được bảo hiểm tiếp. Thế nhưng, khi tháng Tám đến, họ mới biết chỉ được bảo hiểm tiếp từ 1/9/2007
Hà Nội: Nhiều người không được bảo hiểm y tế tháng 8/2007 ảnh 1
Được hưởng chính sách bảo hiểm y tế là mong mỏi của người dân.Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Lê Ngọc Thái ở số nhà 554B Bạch Mai (Q. Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) gửi đơn tới báo Tiền phong, phản ánh việc gia đình ông và các hộ cùng cư trú tại số nhà trên đã tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN) từ năm 2006, cụ thể đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ 1/8/2006 đến 31/7/2007.

Khi sắp hết thời gian bảo hiểm trên thẻ, các hộ dân đã nộp tiền (qua Tổ trưởng dân phố) để được bảo hiểm tiếp. Thế nhưng khi tháng Tám đến, các hộ dân mới biết họ chỉ được bảo hiểm tiếp từ 1/9/2007.

Ông Thái bức xúc: Những người đã tham gia BHYTTN được một năm như gia đình ông vì sao không được bảo hiểm tiếp trong tháng 8/2007, trong khi pháp luật về bảo hiểm cũng như quy định của ngành Bảo hiểm xã hội thì gia đình ông được tham gia liên tục, chứ không “ngắt quãng” như vậy?

Theo tìm hiểu của PV Tiền phong, điều ông Thái phản ánh đang là bức xúc chung của nhiều hộ dân đã tham gia BHYTTN từ năm 2006 trên địa bàn TP Hà Nội. Những ngày đầu tháng 8/2007 vừa qua, tại các cơ quan Bảo hiểm xã hội các quận trên địa bàn TP Hà Nội, số lượng người đến thắc mắc vấn đề này rất đông. Họ tỏ ra rất bức xúc vì đang có người nhà điều trị tại bệnh viện, tháng Tám này người bệnh sẽ không được thanh toán tiền bảo hiểm...

Được biết việc BHYTTN cho các hộ dân trên địa bàn TP Hà Nội đã được Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội thực hiện thí điểm từ Quý II năm 2006. Các hộ dân có nhu cầu BHYTTN đăng ký và đóng tiền trước tháng 6/2006, và được mua thẻ có thời hạn từ 1/8/2006 đến 31/7/2007.

Sang năm 2007, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội tiếp tục thực hiện BHYTTN, các hộ dân mới tham gia đã đóng tiền kết thúc trong tháng 7/2007 và bắt đầu được bảo hiểm từ 1/9/2007. Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã in thẻ cho những người mới tham gia BHYTTN trong năm nay, thẻ có thời hạn từ 1/9/2007 đến 31/8/2008.

Thế nhưng, có lẽ để “cho tiện” (?!), Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã không in riêng thẻ và thu tiền tiếp đối với các hộ dân đã tham gia BHYTTN từ năm 2006, để họ được tiếp tục được bảo hiểm từ 1/8/2007, mà lại yêu cầu họ mua tiếp BHYTTN từ 1/9/2007, và cấp thẻ cho họ giống như thẻ của những người mới tham gia trong năm nay.

Theo công văn số 436/BHXH-TN do ông Đào Văn Giáp - Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội - ký ngày 2/7/2007, thì những người tham gia BHYTTN từ năm 2006 và hết hạn vào 31/7/2007 sẽ “được tham gia tiếp từ ngày 1/9/2007 đến 31/8/2008”.

Công văn của ông Giáp giải thích “Thời gian bị gián đoạn vì lý do triển khai BHYTTN theo Thông tư số 06/2007/TTLT vẫn được tính là thời gian tham gia liên tục để hưởng quyền lợi theo quy định”.

Nội dung công văn trên đây đang gây tranh cãi và lo lắng cho rất nhiều người dân tham gia BHYTTN từ năm 2006, và cho chính các cán bộ trong ngành Bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP Hà Nội, khi phải tiếp và giải đáp thắc mắc cho người dân đã mua BHYTTN.

Thực tế rõ ràng các hộ dân không được đóng tiền bảo hiểm tháng 8/2007, trên thẻ bảo hiểm của họ cũng không ghi được bảo hiểm tháng 8/2007, như vậy chắc chắn họ sẽ không được thanh toán tiền bảo hiểm y tế khi nằm viện trong tháng 8/2007 này, dù trong công văn của Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã nêu có giải thích “tù mù” rằng người dân vẫn được tính là thời gian tham gia liên tục!

Phải chăng chỉ vì sự “tiện thể”(?) cũng như những quy định thiếu rõ ràng của cơ quan bảo hiểm mà quyền lợi chính đáng của nhiều người dân đang bị thiệt thòi?

Về việc này, đề nghị Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cần triển khai thu tiền tiếp các hộ dân đã tham gia BHYTTN từ năm 2006 nay vẫn có nhu cầu bảo hiểm tiếp, ngay từ tháng 8/2007 này, và in thêm thẻ bảo hiểm có thời hiệu từ 1/8/2007 đến 31/7/2008 để cấp cho họ. Có như thế mới đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

MỚI - NÓNG