Hà Tĩnh: Một người vợ liệt sỹ kêu cứu

Hà Tĩnh: Một người vợ liệt sỹ kêu cứu
TP - Bốn hộ gia đình đi chung trong một con đường liên gia, trong đó có bà Đặng Thị Ngân (81 tuổi, là vợ liệt sỹ, con gái của một cán bộ lão thành cách mạng đã mất), sống một mình. Bỗng một ngày, ông Nguyễn Khắc Mân xây cổng sắt bịt lại ngay từ đường lớn vào. 
Hà Tĩnh: Một người vợ liệt sỹ kêu cứu ảnh 1
Bà Đặng Thị Ngân bên ngôi nhà

Ông Nguyễn Khắc Mân nguyên là Chủ tịch UBND thị trấn Nghi Xuân và cũng là một trong những người sống trong 4 hộ đó. 

Từ đó, nếu ai muốn ra, vào 3 hộ gia đình kia đều phải qua cửa sắt của nhà ông Mân. Hành động ấy của ông Mân đang gây phẫn nộ cho 3 hộ gia đình kia và nhân dân.

Ngang nhiên xây cổng sắt

Sau khi xây dựng gia đình với ông Hà Kim Tiêu ở Tiên Điền, bà Ngân sinh được 3 người con, hiện 2 người đang sống ở miền Nam, một người  sống với vợ ở Nghệ An.

Ông Tiêu đi bộ đội và đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Ngân một mình nuôi con. Trước ngày giải phóng, bà có hơn 3 sào đất nhưng do bom đạn chiến tranh khốc liệt nên gia đình bà phải đi sơ tán.

Sau đó, đất đai của bà được Nhà nước lấy lại để xây dựng cửa hàng thương nghiệp huyện.

Năm 1976,  bà được cấp đất cho nơi ở mới, tại Tổ dân phố 2, thị trấn Nghi Xuân bây giờ. Khu đất của bà liền kề với nhà ông Nguyễn Khắc Mân, phía trong còn có 2 hộ gia đình khác nữa cũng nằm trên dong đất đó.

Việc đi lại của 4 hộ gia đình nói trên đều chung một con đường liên gia, điều này đã thể hiện rõ trên bản đồ số 229, năm 1983, và các năm 1993, 2001 của địa chính thị trấn Nghi Xuân, cấp bìa đỏ cho bà Ngân cũng như ông Mân (có nghĩa là con đường chung này không tính vào diện tích đất của ai).

Gần đây, ông Mân cho rằng; con đường liên gia ấy là thuộc về đất của ông, nên ông đã cho người xây cổng sắt bịt lại; nếu ai muốn ra vào đều phải qua gia đình ông.

Chúng tôi tìm về căn nhà tồi tàn của người vợ liệt sỹ Hà Kim Tiêu. Trên bàn thờ vẫn còn nghi ngút khói hương trước di ảnh của ông Tiêu và ông Đặng Ất (bố bà Ngân, đúng hôm ấy bà Ngân bị ốm nặng, đang nằm liệt giường).

Nhưng từ khi ông Mân xây bịt cổng, bao người muốn đến thăm đều không vào được, vì bị người nhà ông Mân khóa cổng.

Tuổi già, sức yếu, bà Ngân thường xuyên bị đau ốm đêm hôm cháu chắt, họ hàng muốn đến thăm nom đều phải vượt qua cánh cổng sắt của gia đình ông Mân.

Bà con trong vùng cũng không ai muốn đến nhà vợ liệt sỹ già yếu này nữa, vì thấy phiền phức của việc ra vào với cái cổng sắt. Thấy vậy, bà Ngân đã nhiều lần làm đơn kêu cứu lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay đã gần hai năm trời mà vẫn chưa được giải quyết?

Cả huyện đều bó tay?

Thấy việc làm thiếu tình làng, nghĩa xóm của ông Mân, ngày 18/7 và ngày 7/9/2006, Đảng ủy, UBND thị trấn Nghi Xuân và Chi bộ tổ dân phố 2 đã tổ chức hòa giải cho hai gia đình.

Quá trình hòa giải, ông Mân đã nhất trí tháo dỡ cổng sắt để chung đường đi lối lại cho bà Ngân, nhưng xong rồi ông Mân vẫn “bình chân như vại”. 

Buộc lòng UBND thị trấn phải chuyển hồ sơ lên Tòa án nhân dân huyện nhờ giải quyết theo luật định.

Từ đầu năm 2007 đến nay, Tòa án huyện đã tiến hành hòa giải hai lần nhưng vẫn chưa xong. Vì sao sự việc lại đến nước này? Ông Nguyễn Hiền Lương - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân trả lời: 

Được biết, đất của bà Ngân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng theo tuần tự của luật tố cáo là phải hoà giải từ cơ sở, hòa giải không thành thì UBND thị trấn trả lời, rồi chuyển hồ sơ lên cơ quan thẩm quyền đó là Tòa án nhân dân huyện giải quyết.

Kết quả thế nào phải chờ Tòa án, tôi không thể can thiệp sâu vào cơ quan pháp lý, khi nào họ làm xong tôi sẽ yêu cầu báo cáo lên UBND huyện”.

Chúng tôi tìm đến cơ quan Tòa án huyện Nghi Xuân, bà Đào Thị Thanh - Thẩm phán (người trực tiếp giải quyết sự việc này) cho biết:

Bà Ngân có nguyện vọng và yêu cầu ông Mân phải dỡ cổng sắt để gia đình bà được đi lại, trong khi đó ông Mân lại bảo: đất ấy là của ông, bà Ngân muốn ông dỡ cổng thì phải trả tiền.

Hiện nay, Toà án huyện đang thu thập chứng cứ để hoàn thiện hồ sơ, nên chưa nói được điều gì.

Ông Lê Văn Học - Chánh án TAND huyện Nghi Xuân còn giải thích: Đất là nguồn chứng cứ, Toà án chưa đưa ra xét xử, đang tiến hành xác minh. Hoà giải xong nếu không được thì mới căn cứ vào đó để xác minh, ai thắng, ai thua phải chờ HĐXX.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền phong một số người dân địa phương cho biết: Bà Ngân và ông Mân đang là bà con họ hàng với nhau, xét về tình thì đất bà Ngân đang ở, trước  là của gia đình ông Mân,  thấy hoàn cảnh của bà Ngân khó khăn, ông Mân đã nhượng lại cho bà và đã được chính quyền địa phương đồng ý.

Tuy nhiên, xét về lý thì sau này đất của bà Ngân đang ở đã được Nhà nước cấp bìa đỏ từ năm 1983, diện tích đất là 625,7m2; và con đường liên gia cũng đã thể hiện trên bản đồ địa chính là không sai vào đâu, từ ngày đó đến nay không bên nào kiện cáo bên nào.

Điều đáng nói chỉ một việc như vậy, mà hết cơ quan này đến cơ quan khác, rồi đưa ra trước kỳ họp Hội đồng vừa qua mà chính quyền địa phương đành chịu bó tay?

MỚI - NÓNG