Hai phương án giảm ùn tắc giao thông ở TPHCM

Hai phương án giảm ùn tắc giao thông ở TPHCM
TP - Là người dân sinh sống tại đường Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM, tôi xin được nêu ý kiến của mình về việc góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông hiện nay như sau (xin lấy đường Nguyễn Kiệm làm ví dụ).

Trước đây, đường Nguyễn Kiệm (chạy qua 2 quận Phú Nhuận và Gò Vấp) đều là đường 2 chiều, dành cho tất cả các loại xe.

Cách đây khoảng 2 năm thì đường Nguyễn Kiệm, đoạn từ ngã 4 Phú Nhuận đến ngã 5 Nguyễn Thái Sơn trở thành đường 1 chiều cho xe hơi (đoạn đường A). Còn đoạn từ ngã 6 Quang Trung đến ngã 5 Nguyễn Thái Sơn (đoạn đường B) cũng trở thành đường 1 chiều cho xe hơi, nhưng theo chiều ngược lại. Tất cả các loại xe khác trên 2 đoạn đường này vẫn là 2 chiều, kể cả xe buýt.

Kể từ ngày 3/11/2007 vừa qua thì cả 2 đoạn đường trên đều biến thành đường 1 chiều hoàn toàn: đoạn A theo hướng ra ngoại ô, còn đoạn B hướng về nội ô. Tất cả các loại xe, kể cả xe buýt đều không được phép đi ngược chiều.

Mấy ngày qua, sau khi áp dụng quy định mới thì đường Nguyễn Kiệm đã bớt ùn tắc hơn trước. Thế nhưng, nạn kẹt xe lại xảy ra tại các con đường, con hẻm phụ cận liên quan như: Hoàng Minh Giám, Đào Duy Anh, Hồ Văn Huê, Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), Bạch Đằng (quận Tân Bình).

Qua quan sát thực tế nhiều năm tôi thấy dòng người tham gia giao thông vào các buổi sáng trên đường Nguyễn Kiệm, theo hướng từ ngoại ô vào nội ô  thường đông hơn nhiều so với hướng từ nội ô ra ngoại ô. Còn vào buổi chiều thì tình hình lại diễn ra ngược lại. Căn cứ vào thực tiễn này, tôi đề xuất với các cơ quan hữu trách tại TPHCM nghiên cứu 1 trong 2 phương án phân luồng giao thông như sau:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định như trước ngày 3/11/2007, nhưng riêng với xe buýt thì chỉ cho phép đi 1 chiều. Bởi vì, việc cho phép xe buýt chạy 2 chiều trên con đường này là một trong những nguyên nhân chính gây ra nạn kẹt xe. Còn các phương tiện xe 2 bánh vẫn tiếp tục được lưu thông 2 chiều bình thường. Bằng cách này, việc đi lại và làm ăn sinh sống của những người dân địa phương cũng không bị đảo lộn nhiều.

Phương án 2: Đảo chiều theo giờ cao điểm. Nghĩa là toàn bộ đường Nguyễn Kiệm sẽ trở thành đường 1 chiều vào buổi sáng, theo hướng từ ngoại ô vào nội ô (chẳng hạn từ 6 giờ đến 9 giờ). Và cũng chính nó lại trở thành đường 1 chiều, nhưng theo hướng ngược lại, vào buổi chiều (chẳng hạn từ 16 - 20 giờ). Ngoài những giờ cao điểm trên thì các phương tiện xe 2 bánh vẫn được lưu thông 2 chiều.

Tất nhiên, tôi hiểu rằng chưa có nước nào trên thế giới quy định đảo chiều theo giờ trên cùng 1 con đường như vậy. Nhưng trong khi chúng ta chưa có 1 giải pháp đồng bộ và với mạng lưới giao thông khó khăn ở Việt Nam hiện nay, nhất là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, thì đây có thể sẽ là một giải pháp tình thế khả dĩ phải tính đến.

 Khi ấy, các biển báo giao thông tại các nút giao thông liên quan cũng cần có sự thay đổi cho linh hoạt, phù hợp. Đồng thời, công an giao thông và các lực lượng hỗ trợ sẽ hướng dẫn người dân tham gia giao thông đúng chiều, đúng giờ khi phương án này được áp dụng. Những khó khăn vừa nêu là về mặt kỹ thuật và theo tôi là có thể khắc phục được.

Đổi lại, chúng ta sẽ thu được cái lợi lớn hơn về mặt xã hội là: hạn chế được ở mức thấp nhất nạn ùn tắc giao thông hiện nay và tránh được sự đảo lộn quá nhiều trong việc đi lại, làm ăn của người dân địa phương, do quy định mới gây ra.

Đỗ An Khê
Đường Nguyễn Kiệm,
P.9, Q.Phú Nhuận, TPHCM

MỚI - NÓNG