Hầm chuồng chìm - giải pháp bảo vệ gia súc khỏi chết rét

Hầm chuồng chìm - giải pháp bảo vệ gia súc khỏi chết rét
TP - Để đối phó với không chỉ một số đợt rét đậm (vẫn tiếp tục cho đến tháng 4) mà cả với hiện tượng giá rét bất thường trong những năm sắp tới, đã đến lúc, nông gia cần tính đến phương án lâu dài chủ động bảo vệ gia súc khỏi chết rét.
Hầm chuồng chìm - giải pháp bảo vệ gia súc khỏi chết rét ảnh 1
Thịt trâu bò bị chết rét tại Sapa - ảnh: TTXVN

Gia súc sống theo bầy đàn, càng ở chật chội, càng giữ được nhiệt vì cơ thể chúng tự toả nhiệt cho nhau và không bị thất thoát. Do đó cho gia súc nằm gần nhau là cách đơn giản nhất để giữ ấm.

Tuy nhiên, còn có một cách giữ ấm kinh điển khác xuất hiện từ hàng ngàn năm trước và bây giờ vấn được áp dụng ở các vùng giá rét. Cách giữ ấm này hoàn toàn có thể và nên phổ biến để, tuỳ điều kiện cụ thể từng nơi, từng hộ chăn nuôi.

Tận dụng đặc tính của nước, không khí và đất

Các yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến cảm giác của sinh vật sống, con người và động vật gồm nhiệt độ, nắng, gió và độ ẩm của không khí. Được biết, cách đo nhiệt độ mà dự báo thời tiết công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, giả sử khi trời nắng, cũng là nhiệt độ đo trong bóng râm, cách mặt đất hai mét. Nhiệt độ thực tế tại điểm đo để dự báo như trên bao giờ cũng mát hơn nhiệt độ nắng ngoài trời khoảng 3 – 5 độ C.

Đó là điều lý giải tại sao chúng ta thường cảm thấy mát mẻ hơn khi dưới bóng râm, nhất là khi lại có gió. Còn dưới ánh nắng trực tiếp thì thấy nóng rát. Gió làm bay hơi nước trên bề mặt da và giải nhiệt. Nếu độ ẩm không khí cao, nước trong không khí giữ nhiệt và hiện tượng bốc hơi nước sẽ giảm và chúng ta cảm thấy nóng hơn.

Điều này chúng ta có thể cảm nhận được khi so sánh mùa hè Hà Nội phía bắc và TPHCM. Mùa hè ở Hà Nội, không khí  ẩm hơn và vì vậy mồ hôi lúc nào cũng nhơm nhớp và chịu nóng kém hơn. Còn ở phía Nam, da lúc nào cũng khô và ta cũng cảm thấy dễ chịu hơn trong bóng râm dù nhiệt độ không khí cao hơn đến vài độ.

Đó là do nước giữ nhiệt và truyền nhiệt (cả nóng và lạnh) tốt hơn không khí tới 25 lần. Ví dụ, nếu ta xông hơi tại phòng xông hơi nước, chỉ có thể chịu được nhiệt độ không khí ở 70 – 80 độ C. Nhưng tại phòng xông hơi khô, có thể chịu được nhiệt độ không khí ở 100 – 120 độ C dù rằng nhiệt độ nước tới 50 độ C có thể gây bỏng khi tiếp xúc trực tiếp và cao hơn 60 độ C là nhiệt độ thanh trùng, đủ để mọi sinh vật sống phải chết trong vòng vài phút.

Trong điều kiện thời tiết ở những vùng có tuyết, độ ẩm không khí rất thấp vì hơi nước đã đóng băng hoặc thành tuyết. Vì vậy, có thể cảm nhận cái lạnh dưới 0 độ C tương đương như ở miền Bắc nước ta lúc 10 độ C nếu cùng tốc độ gió như nhau.

Ai cũng biết, đất là vật cách nhiệt lý tưởng trong mọi điều kiện thời tiết. Đất càng khô càng cách nhiệt tốt. Tại các vùng sa mạc, các nhà nằm trong lòng đất vẫn giữ được nhiệt độ trong phòng mát mẻ hơn nhiệt độ ngoài nắng cả hơn chục độ C. Tại các vùng băng giá, nhiệt độ nhà trong lòng đất cũng ấm hơn nhiệt độ ngoài trời hơn mười độ dù chưa cần đốt củi, đốt than sưởi ấm.

Tuyết càng dày, nhiệt độ của đất càng xuống sâu càng ấm. Đất ở sâu còn sinh nhiệt do các quá trình chuyển hoá các chất hữu cơ dưới tác động của vi sinh vật trong lòng đất vẫn tiếp tục. Tại Trung Quốc và nhiều nước khác cũng có cả mùa nóng và mùa băng giá, nông dân thường xây nhà ở và chuồng gia súc chìm hoặc nửa chìm, nửa nổi. Những tỉnh phía nam của Trung Quốc cũng làm chuồng gia súc theo dạng này.

Giải pháp cụ thể

Nhiệt độ ban đêm và ban ngày có thể chênh lệch trên dưới 10 độ C. Gia súc chết rét là do mất ngủ đêm kéo dài, dẫn đến suy giảm sức đề kháng với giá lạnh. Vì vậy quan trọng nhất là bảo đảm giấc ngủ đêm cho gia súc.

Trong thời điểm hiện nay, nông dân ở vùng cao hoàn toàn có thể đào hầm (có thể theo kiểu giao thông hào có cửa ở lối ra và lối vào) để bảo vệ đàn gia súc khỏi chết rét. Phần hầm chìm dưới đất chỉ cần sâu khoảng 1,5m, diện tích tuỳ theo số lượng vật nuôi mà tính.

Hầm làm cao thêm được khoảng 0,5m, đủ để cao hơn đầu những con cao nhất và có tác dụng chắn mưa tràn vào hầm. Các vách đất xung quanh hầm chính là những bức tường cách nhiệt với không khí ngoài trời đáng kể. Cộng với sự sinh nhiệt trong lòng đất sẽ làm ấm không khí trong hầm chuồng.

Nếu không có mưa, sương, ngay cả các hầm không mái cũng đủ giữ cho gia súc khỏi bị mất nhiệt bởi gió, yếu tố làm gia tăng giá lạnh ngoài trời. Nếu các gia đình ở các tỉnh phía Bắc làm chuồng gia súc chìm và mái phủ nilon hoặc rơm rạ để tránh mưa, sương muối và gió, chắc chắn hiện tượng gia súc chết rét sẽ không đáng kể.

Tuy nhiên, những năm sau, hy vọng kỹ thuật cổ điển làm hầm chuồng gia súc được triển khai để giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho nông gia.

BS. Nguyễn Văn Dũng
Bộ Y tế

MỚI - NÓNG