Hạn chế sang chấn tinh thần cho bé Bích

Hạn chế sang chấn tinh thần cho bé Bích
TP - Song song với điều trị thực thể cho bệnh nhi Trịnh Thị Bích 8 tuổi, nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ cướp tiệm vàng ở tỉnh Bắc Giang ngày 24-8, các chuyên gia tâm thần học khuyến cáo cần áp dụng ngay một số biện pháp để chặn nguy cơ sang chấn tinh thần mà bệnh nhi có thể mắc.

Vụ thảm sát tại tiệm vàng ngọc bích, Bắc giang:

Hạn chế sang chấn tinh thần cho bé Bích

Bàn tay cháu bé bị kẻ cướp vàng chém đứt đang 'sống lại'
> 12 giờ sinh tử với bé bị chém ở tiệm vàng

Giúp cháu đi qua nỗi đau không né tránh

Bác sỹ chuyên khoa tâm thần, thạc sỹ tâm lý học lâm sàng Đặng Duy Thanh, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa, chia sẻ với Tiền Phong: “Xem trường hợp cháu Bích, tôi thấy đau đớn và xót xa. Cháu rất cần người thân ở bên cạnh nói chuyện, thay vì để cách ly tuyệt đối ngoài việc tiếp xúc với các bác sỹ ngoại khoa và nhân viên điều tra. Đặc biệt, nên có nhà tâm lý lâm sàng có kinh nghiệm chuyện trò với cháu. Nhà tâm lý biết cháu nghĩ gì, biết cảm xúc, nỗi đau của cháu và từ đó biết cách nói chuyện phù hợp, giúp cháu đi qua nỗi đau mà không phải né tránh”.

ThS Thanh cho biết tiếp, việc người lớn né tránh, không giúp cháu biết rõ về hoàn cảnh chấn thương khiến nỗi đau không những không mất đi mà, thay vào đó, vẫn nằm lại trong vô thức, Nỗi đau ấy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống có ý thức của cháu sau này.

. Trước mắt, Th.S Thanh nhận định, với sang chấn tâm lý lớn như vậy, về mặt chuyên môn, nhiều khả năng bé Bích sẽ bị rối loạn stress cấp (ASD). Nếu không được điều trị về tâm lý, sau vài tháng, bệnh nhi sẽ bị rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Cháu luôn gặp những cơn ác mộng. Cảnh kinh hoàng có thể quay trở lại một cách nguyên mẫu hoặc biến thể, khiến cháu luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh chấn thương.

Khi bị rối loạn stress sau sang chấn, cháu có thể có những biểu hiện như dễ phản ứng, tăng nhạy cảm với các hiện tượng trong cuộc sống,, né tránh những lời nói, câu chuyện, hoạt đông liên quan đến sang chấn tâm thần đó và, hậu quả là, cháu dễ trở nên thu mình, khép kín. Những điều đó có khả năng gây biến đổi hoàn toàn con người cháu, ảnh hưởng đến việc học hành, và cuộc sống của cháu sau này. “Mặc dù sang chấn đó không ảnh hưởng đến trí tuệ nhưng trí tuệ lại bị cảm xúc chi phối nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của cháu”, ThS Thanh nói.

Thăm mộ cha mẹ giúp giảm nỗi đau

Chuyên gia phân tâm học người Pháp Pierre Legendarme đề nghị: “Ngay khi cháu tỉnh, cần giải thích mọi chyện đã diễn cho cháu dù trước đó cháu có biết. Sau khi xuất viện, cháu Bích cần được dẫn đến thăm mộ cha mẹ càng sớm càng tốt. Điều đó giúp kéo cháu về với thực tại, giảm tâm lý luôn nuối tiếc, giảm dần cảm giác cha mẹ chưa mất, từ đó giảm hậu quả chấn thương tâm lý cho cháu sau này”.

Lý giải đề xuất trên, BS Pierre cho hay, khi bị sốc, người ta phải đi qua cú sốc. Để bỏ lại nỗi đau, cách tốt nhất là hãy trực diện với nỗi đau. Trực diện với nỗi đau sẽ giúp giảm thiểu hậu quả tâm lý về sau. “Nếu không trực diện, nỗi đau vẫn còn lơ lửng ở đó. Né tránh không giúp người ta đi qua nỗi đau và, vì thế, để lại hậu quả lâu dài”, nhà khoa học Pháp ở Tổ chức Sức khỏe Không Biên giới nói.

Bằng kinh nghiệm 40 năm trong ngành phân tâm học, ông còn gợi ý cụ thể nhà trị liệu tâm lý cần thể hiện sự đồng cảm, và cần bày tỏ cảm xúc với cháu như “ôm cháu vào lòng, gặp gỡ thường xuyên để nâng đỡ tinh thần cho cháu”.

BS Pierre lưu ý tiếp, bé Bích cần thời gian trải qua đau đớn. “Thời gian có thể dài tùy theo mỗi người. Nhà trị liệu cần phải chấp nhận nếu cháu không nói ngay về đau đớn đó, phải chấp nhận nếu cháu khóc, la hét. Nhà trị liệu cần theo dõi cháu và đợi cho đến khi cháu có thể tự bày tỏ nỗi đau của mình.

Ông đặc biệt cảnh báo người chăm sóc bé Bích cần lưu ý theo dõi chặt chẽ cháu phòng khả năng cháu có thể tự sát

Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn

“Bé Bích cần được chăm sóc và theo dõi cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần bởi bác sỹ và nhà tâm lý học lâm sàng có kinh nghiệm. Về phương thức tiếp cận tâm lý, cần giải thích cho cháu càng sớm càng tốt sự việc xảy ra, về hoàn cảnh chấn thương cụ thể của cháu. Nhà tâm lý cần giúp cháu hiểu rõ đây là nỗi đau, là sang chấn tinh thần rất lớn, và có thể dẫn đến hậu quả lớn. Cháu cần phải chấp nhận thực tế đó vì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Qua Báo Tiền Phong, tôi sẵn sẵn hỗ trợ về tâm lý từ xa cho cháu Bích từ Pháp.”, nhà phân tâm học Pierre Legendarme vừa từ Việt Nam về Pháp hôm qua, 30-8, sau một khóa thỉnh giảng điều trị bệnh tâm thần ở miền Trung.

Bé Bích đang phục hồi

“Sau ca mổ hôm 24-8, bệnh nhi Bích đang trong quá trình phục hồi. Cháu nhập viện trong trạng thái lơ mơ, chấn thương sọ não, hàm mặt, đứt rời cổ bàn tay phải. Ba kíp y bác sĩ gồm phẫu thuật, vi phẫu, và chấn thương thực hiện ca mổ và nối tay kéo dài 11 tiếng. Bàn tay được nối đến hôm nay, chiều 30-8, tiếp tục tiến triển tốt, da có dấu hiệu hồng trở lại. Tuy nhiên, tinh thần bệnh nhi chưa ổn định có thể ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi sức khỏe”. BS Lê Hữu Thanh, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG