Hàng trăm hécta rừng đặc dụng Đăk Uy biến mất

Hàng trăm hécta rừng đặc dụng Đăk Uy biến mất
TP - Năm 1993, UBND tỉnh Kon Tum khoanh vùng rừng đặc dụng (RĐD) Đăk Uy với diện tích 690 ha giao cho Chi cục Kiểm lâm Kon Tum quản lý. Thời gian qua, lâm tặc liên tục tấn công rừng khai thác gỗ trắc, qua khảo sát lại diện tích RĐD Đăk Uy đã biến mất hàng trăm hécta.

> 250 người giữ rừng trắc, lâm tặc vẫn đột nhập
> Rừng trắc độc nhất có nguy cơ bị xóa sổ

Khó bảo vệ

RĐD Đăk Uy nằm trên địa phận xã Đăk Mar huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cách TP Kon Tum 26 km, cách thị trấn Đăk Hà 5 km, ngay bên quốc lộ 14 ( đường Hồ Chí Minh). RĐD Đăk Uy là rừng nguyên sinh, đa dạng về động thực vật, là kho dự trữ các nguồn gien động thực vật quý hiếm như trắc, giáng hương, cẩm lai, gà lôi, gấu chó, cu ly…trong đó gỗ trắc chiếm mật độ 40%. Theo tài liệu khảo sát năm 2004, tổng diện tích khu rừng 690 ha, bao gồm: rừng tự nhiên 430,5 ha, rừng trồng 41 ha, đất trống mặt nước 188 ha, đất nông nghiệp 16 ha, đất khác 14,5 ha.

2 năm qua, khi gỗ trắc có giá trị kinh tế cao, nhiều đối tượng khai thác gỗ trái phép liên tục xâm nhập vào RĐD Đăk Uy trước sự bất lực của lực lượng quản lý bảo vệ. Từ năm 2005 đến nay đã phát hiện gần 300 vụ khai thác lâm sản trái phép tại rừng đặc dụng, tang vật tịch thu hơn 120 m3 gỗ trắc. Đây là con số rất nhỏ so với số lượng gỗ mà lâm tặc lấy ra khỏi RĐD Đăk Uy.

Ngày 3-8-2011, UBND huyện Đăk Hà có văn bản gửi Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị bàn giao RĐD Đăk Uy về huyện Đăk Hà quản lý, trong đó nêu rõ: thời gian qua nhiều hộ dân đã lấn chiếm một số diện tích để sản xuất nông nghiệp, đến nay, RĐD Đăk Uy còn 538 ha. Như vậy so với quyết định thành lập diện tích rừng này mất đi hơn 140 ha.

Ông Nguyễn Văn Định-Phó Ban quản lý RĐD Đăk Uy cho rằng, mình mới được điều về 3 năm nay, không thấy có việc mất rừng. Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Ánh - Chủ tịch UBND xã Đăk Mar cho biết, ông gắn bó với xã từ năm 1998 khi xã mới thành lập. Hiện UBND xã đang thống kê xem có bao nhiêu hộ sinh sống trong khu vực cắm mốc của rừng đặc dụng, bởi đất đai ở đây đã có sổ đo từ lâu. Đầu năm 2011, thấy một số người mang cột mốc RĐD Đăk Uy đến cắm vào lô cà phê. Từ cột mốc này đến khu rừng cách nhau gần 1 km. Nếu vị trí này được cho là của rừng đặc dụng thì hàng trăm hécta cà phê cũng như nhiều hộ dân nằm trong ranh giới của rừng.

Đề xuất chi 50 tỷ đồng quản lý khai thác RĐD Đăk Uy

Gần 20 năm qua, RĐD Đăk Uy được giao cho Kiểm lâm Kon Tum quản lý bảo vệ, hao tốn nhiều tỷ đồng ngân sách, song lâm tặc vẫn xâm nhập được vào rừng. Từ đầu năm 2011 đến nay, công tác bảo vệ RĐD Đăk Uy nóng bỏng hơn, tài nguyên rừng cũng suy thoái nghiêm trọng. UBND huyện Đăk Hà đề xuất: để bảo tồn phát triển hệ sinh thái rừng, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học lâm nghiệp, phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái…; Xây đường giao thông rộng 3,5m dài 15km quanh khu rừng. Xây tường bảo vệ cao 3m, dày 40 cm, phía trên kéo lưới B40 cao 2m, dọc tường rào cách 500m, xây 1 đài quan sát. Theo phương án này, kinh phí cần đầu tư hơn 50 tỷ đồng gồm vốn ngân sách, vốn xã hội hóa...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển RĐD Đăk Uy từ Chi cục Kiểm lâm về cho UBND huyện Đăk Hà quản lý, đổi tên thành Khu bảo vệ cảnh quan Đăk Uy, đầu tư 50 hay 100 tỷ đồng thì bản chất cũng là do Nhà nước quản lý nên rất khó quy trách nhiệm cho cá nhân cụ thể nếu để mất rừng. Năm 2005 UBND tỉnh từng phê duyệt dự án hơn 17 tỷ đồng giao UBND huyện Đăk Hà xây dựng khu du lịch sinh thái RĐD Đăk Uy. UBND huyện Đăk Hà liên kết với doanh nghiệp Vương Anh Minh đầu tư một số hạng mục như đường điện, đường giao thông, xây hồ nuôi cá sấu… Tuy nhiên, sau một thời gian, DN này đã lợi dụng khai thác trộm gỗ trắc để bán. UBND huyện đã chấm dứt hợp đồng với DN này.

Ông Lê Văn Dũng - nguyên trưởng Ban quản lý RĐD Đăk Uy cho rằng, tốt nhất nên kiểm kê lại khối lượng rừng, giao cho doanh nghiệp nào có uy tín, có phương án quản lý khai thác hiệu quả để đầu tư. Có như vậy mới quy trách nhiệm cụ thể được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG