Hàng trăm hộ phải giải nghệ

Hàng trăm hộ phải giải nghệ
TP - Hình thành tự phát từ trước năm 1975, làng cá bè Tân Mai có hàng trăm bè nuôi cá trải dài trên một đoạn sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai) qua các phường Tân Mai, Thống Nhất, Hiệp Hòa, Tam Hiệp thuộc TP Biên Hòa. Việc TP quyết định quy hoạch lại làng cá bè đã khiến hàng trăm hộ nuôi phải giải nghệ.

Làng cá bè ở Đồng Nai:

Hàng trăm hộ phải giải nghệ

8 tỷ đồng cho giải tỏa, di dời

Theo quy hoạch thì số hộ nuôi cá bè chỉ còn 198 hộ được nuôi cá với số bè là 251 bè theo cùng một tiêu chuẩn thay vì 395 hộ như trước đây. Mỗi hộ chỉ được nuôi từ 1 đến 2 bè và phải neo đậu đúng theo vị trí đã được cấp phép. Theo ông Nguyễn Tài Sang, Trưởng phòng Kinh tế TP Biên Hòa, làng cá bè Tân Mai là nét đặc thù của TP Biên Hòa, không chỉ về mặt kinh tế, đời sống xã hội mà còn liên quan đến môi trường sinh thái, tiềm năng du lịch. Do vậy, việc quy hoạch lại làng cá bè là rất cần thiết. Sau khi sắp xếp lại, làng cá bè sẽ là địa điểm phục vụ tuyến du lịch trên sông Đồng Nai và quan trọng nhất là cải thiện được tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông. Ông Sang cho rằng, chủ trương của thành phố là không khuyến khích nuôi cá bè, tuy nhiên với sự quy hoạch này, chính quyền chủ trương giảm bè chứ không giảm hộ. Lý giải về việc số hộ phải giải tỏa bè, ông Sang cho biết, những hộ nuôi cá từ trước năm 2007 (trước khi có quy hoạch làng bè) đều được tiếp tục nuôi cá. Còn những hộ lập bè nuôi cá phát sinh từ sau năm 2007 đều phải giải tỏa.

Để thực hiện dự án này, UBND TP Biên Hòa sẽ chi khoảng 8 tỷ đồng, trong đó những hộ dân bị giải tỏa sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, trợ cấp khó khăn trong 6 tháng.

Lên bờ, đi đâu?

Nhiều hộ dân nuôi cá bè trong diện phải giải toả đang lo lắng trước hạn định... lên bờ. Hơn 30 hộ dân nuôi cá bè trên đoạn sông thuộc phường Thống Nhất đã gửi đơn xin được gia hạn thêm thời gian nuôi với lý do đang nuôi đợt cá mới, đang thiếu nợ ngân hàng vì hai đợt cá chết trong năm qua... Nhiều hộ dân cho biết, hàng chục năm qua, cả gia đình sống bằng nghề nuôi cá, ngoài nuôi cá ra thì không ai biết làm nghề gì khác. Ông Nguyễn Văn Sữa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thống Nhất cho rằng, việc sắp xếp lại làng cá bè là đúng đắn, tuy nhiên ông cũng mong rằng, đời sống của người dân làng bè cần được quan tâm hơn.

Không chỉ người dân trong diện bị giải tỏa cấm nuôi cá bè lo lắng trước việc như di dời mà cả những người thuộc diện được ở lại làng bè cũng đang bối rối trước quy định mỗi hộ chỉ được nuôi 1 hoặc 2 bè. Ông Trần Đức Cần - người có số bè cá nhiều nhất ở làng bè (trên 20 bè cá) cho biết, nuôi 1-2 bè cá thì không thể làm kinh tế được. Hơn 10 năm nuôi cá ở làng bè, ông Cần được mọi người dân làng bè xem là một đại gia trong nghề với mỗi tháng xuất bán hàng chục tấn cá. Ông Cần cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng cho cơ ngơi nuôi cá của mình. Mỗi đợt cá chết vì nước ô nhiễm, ông Cần mất hàng chục tấn cá. Trong năm 2010, hai đợt cá chết hàng loạt do nước sông ô nhiễm, ông Cần đã thiệt hại khoảng 100 tấn cá. Ông Cần cho rằng, nếu chỉ được nuôi 1 đến 2 lồng thì cơ nghiệp của ông coi như xong, nhất là tiền vay ngân hàng để nuôi cá chưa trả nổi vì cá chết trong năm qua.

Theo Phòng Kinh tế thuộc UBND TP Biên Hòa, lợi nhuận từ nuôi cá bè là nguồn thu nhập chính của các gia đình, đa số hộ vừa nuôi cá vừa sinh sống trên bè, do đó, các hộ bị giải tỏa nhưng không có nhà tái định cư nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.