Hay, dở vùng miền

Hay, dở vùng miền
TP - Hồi mới vào Nam, tôi thường bị đánh thức bởi những tiếng rao là lạ: “Mười ngàn ba trái thơm (dứa), ba trái thơm mười ngàn”, hay “Dưa leo bảy ngàn ký, ký dưa leo bảy ngàn”…

Đó là cách tiếp thị thường thấy của những người đẩy xe hàng rong, chủ yếu là bán rau, củ quả, vốn chẳng xa lạ gì với người Sài Gòn. Nhưng với tôi, tiếng rao ấy đem đến những suy nghĩ mới mẻ, vì nó thể hiện thói quen đi thẳng vào vấn đề của người phương Nam.

Ở Hà Nội cũng không thiếu tiếng rao, từ “ai xôi xéo đê”, “ai xôi nóng bánh khúc đê”… Nhưng người Bắc thường không đưa giá vào lời rao. Có lẽ điều này phù hợp với cách bán hàng của dân Bắc, “trông mặt mà bắt hình dong”, thấy bà nội trợ thì đừng hòng nói thách, nhưng gặp anh trai trẻ đang mở ví mua thì cứ đàng hoàng mà tăng giá.

Người ta bảo dân Bắc khôn ngoan, căn cơ, hay nói cách khác là lắt léo, “thâm nho” hơn người Nam vốn trực tính, nghĩ sao nói vậy. Cách nói của dân Bắc là rào trước đón sau rồi mới đi vào vấn đề chính. Gọi điện nhờ vả ai cái gì, phải hỏi thăm sức khỏe gia đình, vợ con hay công việc của người ta, rồi mới “sực nhớ”: Cậu có thể cho tớ vay ít tiền không. Còn người Nam, có gì nói lẹ ra đi.

Nhưng rồi ngẫm lại, ta cũng thấy cái bộc trực, giảm lược, thẳng thắn của người Nam cũng có những điều cần phải suy nghĩ. Những “tác phẩm nghệ thuật” được “sáng tác” theo trường phái mì ăn liền, những ca khúc mà báo chí xếp vào hạng “té ghế” , rồi những “hiện tượng ca nhạc”, “ngôi sao showbiz” mà giọng hát, khả năng thanh nhạc thua xa một sinh viên trung cấp thanh nhạc mới nhập trường lại ào ào xuất hiện. Những “tác phẩm” ấy là một phần kết quả của lối sống nhanh, vội vã phơi trần. Và nghĩ tiếp thì thấy trường phái "mì ăn liền" hôm nay cả miền Bắc cũng có vậy.

Tôi từng thấy ánh mắt ái ngại của đồng nghiệp khi tôi thông báo sẽ lấy một cô người Sài Gòn làm vợ. Nhưng vợ tôi, từ một cô gái như bao cô gái Sài Gòn khác, chỉ quen ăn cơm tiệm, chiều chiều xách xe lòng vòng, tán chuyện với bạn bè thay vì ngồi nhà học nữ công gia chánh, nay cũng đã dần thay đổi, biết lo toan gia đình, biết học nấu những món ăn chồng thích theo phong vị của từng miền.

Ngẫm ra mới thấy, ở đâu cũng có điều hay cái dở. Học được điều hay của người khác và sửa được cái dở của mình vẫn là tốt nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG