Học

Học
TPO - Trong hành trình nhìn lại và đi tới của báo Tiền phong, có một sự cần mang tính tiên phong như chính cái tên của nó, đó là sự Học... và Học.

Tôi cứ nghĩ, niềm vui niềm hạnh phúc bậc nhất của nghề báo và người làm báo là sự Học. Làm báo là học, học mãi. Học xong chương trình đại học và cao học, tích lũy để sau có tri thức mà viết báo - tức là làm con tằm nhả tơ.

Sau đó là trường đời, nhà báo nhặt nhạnh muôn nơi - tức là làm con ong chăm chỉ. Cái câu: Đi một ngày đàng học một sàng khôn, có lẽ là để tặng cho người làm báo. Nhà báo là đi nhiều ngày đàng, bởi vậy mà được học nhiều tri thức hiểu biết, nhiều sàng khôn.

Từ ngày đầu về làm báo, cũng như các đồng nghiệp của mình, những ngày non nớt đến lúc bận rộn, rồi bom đạn, bão lụt, sóng thần, trên những nẻo đường tác nghiệp, tôi luôn ý thức tích lũy, nhặt nhạnh.

Mỗi ngày và sau mỗi ngày, cập nhật cho đủ tin tức thời cuộc trong nước và thế giới, đọc các tờ báo, xem truyền hình, nghe chương trình phát thanh, vào mạng. Rồi các tập chuyên luận, chuyên ngành, các tập sách văn học và nhân văn, từ cuốn mới ra của các bạn văn chương đến tác phẩm đoạt giải Nobel.

Thật là muôn mặt muôn vẻ. Kiến thức phủ kín ngày đêm. Kiến thức ùa đến từ muôn nẻo, từ quán cóc, quán bia, sân bóng đá.. đến cả những cuộc gọi của bạn bè khi đã khuya... Những chuyên đề, những khóa nghiệp vụ, những lớp học ngoại ngữ...

Từ ngày nghỉ hưu, tri thức lại đến quây quần quanh chiếc đi-văng. Tivi trước mặt, vi tính bên trái, mấy tờ nhật báo và tuần báo trên tay, bên phải là bàn sách và tạp chí, những cuốn gáy dày cần đọc chờ sẵn... Lùi nữa là bàn viết, những cặp tư liệu đầy ắp... Sự học đã đi theo người viết đến tận cùng như vậy đó.

Nghĩ từ tờ báo, cùng cộng tác, làm việc và có những ngày sống thật là gần gũi, tôi biết các thế hệ Tổng biên tập, từ các anh Lê Xuân Đồng, Nguyễn Thanh Dương... đến Dương Kỳ Anh, Đoàn Công Huynh, từ một câu họ viết đến cả một sự nghiệp báo chí, đều là tấm gương của sự học.

Cùng ở nhà tập thể của báo, trong bom đạn chiến tranh khốc liệt hay thời đổi mới mở cửa trăm thứ níu kéo, bề bộn, ngọn đèn trên bàn làm việc của những Tổng biên tập tri thức như Nguyễn Thanh Dương, Dương Kỳ Anh... bao giờ cũng chong đến tận khuya...

Ngày đầu tập tễnh làm báo, đêm đêm nằm lại trên bàn làm việc mở xem từng câu văn của các nhà báo đi trước, mặt sau của tờ tin Thông tấn xã chằng chịt những gạch xóa, cho đến đêm nay, cái đêm thứ 55 năm kỉ niệm ngày báo thành lập, tôi lại thức và mở số báo đặc biệt ra, gạch đỏ những câu cần học.

Như vậy đấy, sau quãng đời cầm bút liên tục, học tập liên tục, trên bàn đã có hàng chục đầu sách, mà trong cái đêm nay, trước mắt ta vẫn chớp sáng lên những câu văn đáng học.

Xin bạn đọc được trích hai câu , chỉ hai câu thôi, trong 2 bài ở số báo đặc biệt có liên quan tới mình, mà đừng cho là khoe khoang cá nhân. Ở trang 9, nhà văn Lê Minh Khuê viết:

"Ngày ấy, những năm đầu 70, Tiền Phong lấy về một loạt phóng viên trẻ từ các trường đại học. Trò chuyện với những người này mình cũng như được đi học. Không một người nào từ chối đi về các vùng chiến sự ác liệt. Tôi nhở cái mùa hè đỏ lửa, Phan Cung Việt mặc quân phục, đội mũ tai bèo đi từ Quảng Trị trở về, cháy nắng, hồ hởi kể về cảm giác qua sông Thạch Hãn vào Thành Cổ. Nghe anh kể, mình cũng phải đi...".

Câu văn dịu dàng bình dị không dễ viết của một nhà báo, nhà văn nữ nổi tiếng trong nước và khu vực, hơn nữa nó rung lên từ trái tim phái đẹp... Có bao nhiều điều để ta học từ một câu viết ấy.

Ở trang 3, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: "Khi còn làm ở báo Văn Nghệ, tôi hay mò sang báo Tiền Phong... Có lúc chui vào cái phòng giam tự nguyện của nhà thơ Phan Cung Việt để la đà nửa chén rượu bé bằng cái hạt dẻ Trùng Khánh và nghe chuyện văn chương...".

Học Nam Cao, tôi bỗng thốt lên một câu vui tếu của bạn viết với nhau: Tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư anh Tào... Thiều! Câu văn thoải mái, chân tình đến mức đầy cá tính chạm khắc. Hoàn toàn không dễ viết được một câu như vậy. Tôi biết mình chưa thể gác bút "rửa đao treo kiếm" được mà còn phải học, học từ những câu văn như thế.

Trong tiệc mừng rất thấm được của buổi lễ kỷ niệm, tổ chức ngay tầng dưới của cái "nhà ăn Trung ương Đoàn" mà cả đời chúng tôi từ đó nối nhau lên đường ra chiến trường, đi học.

Khi đã mơn man hơi bia, trong bóng dáng bao người tỏ mờ ký ức, tôi nhận ra nhà báo Huy Hoàng... Nhà báo hiền hậu thông minh như Thượng tọa này là thầy dạy tin học cho tôi ngay trên bàn làm báo.

Tôi đứng dậy nâng hai cốc bia, mừng rỡ biết ơn. Sự học là vậy đấy và cần phải như vậy. Ngay bên cạnh ta còn bao người thầy, dù họ còn rất trẻ, giúp ta học một điều gì đấy. Lớp trẻ năng động bây giờ có nhiều để ta học hỏi.

Và tôi nghĩ, trên hành trình nhìn lại và đi tới của báo Tiền Phong, có một sự cần mang tính tiên phong như chính cái tên của nó, đó là sự Học... và Học.

Bản Ảo, tháng 11/2008
Phan Cung Việt

MỚI - NÓNG