Huyện thu hàng tỷ đồng bằng giấy viết tay

Huyện thu hàng tỷ đồng bằng giấy viết tay
TP - Thu hàng tỷ đồng của dân chỉ bằng chứng từ viết tay; lúng túng để hơn 400 lò gạch vi phạm và vội vàng xử lý đến nỗi thiếu biên bản xử phạt. Còn nhiều chuyện kỳ lạ quanh hàng trăm lò nung gạch với những người có trách nhiệm ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh).

Gia Bình là một trong năm huyện có nhiều lò nung gạch nhất tỉnh Bắc Ninh. Bốn trăm ba mươi chín lò gạch này nhiều năm liền tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người.

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chủ lò do Phòng Tài chính -Kế hoạch (UBND huyện) cấp, đến hết năm 2009 sẽ là vụ cuối. Đa số nông dân làm nghề chủ lò đều đồng thuận với chủ trương dẹp bỏ lò gạch thủ công.

Có lẽ, nếu không có sự việc ngày 17/6 vừa qua, khi gần 400 lò đốt không đúng thời gian quy định của tỉnh và bị đình chỉ, buộc dỡ lò trước 30/9 thì nhiều việc làm kỳ lạ của một số cán bộ chưa chắc bị phát hiện.

Nhiều năm liền, cán bộ chuyên trách của huyện Gia Bình thu “tiền tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng” và “tiền cam kết” của các chủ lò chỉ bằng mảnh giấy viết tay.

Điển hình, trước ngày các chủ lò gạch vi phạm đốt lò (15/6), Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Bình Nguyễn Văn Khởi thu hơn 1,4 tỷ đồng của hơn 40 lò gạch bằng vài dòng nguệch ngoạc biên nhận. Cũng chính ông Khởi lại thu tiếp của một số chủ lò khác 510 triệu đồng với hình thức tương tự.

Chiều 3/8, làm việc với Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Bình Nguyễn Kim Triều, mới thấy chuyện thu tiền dân kiểu như ông Khởi lâu nay đã là phổ biến ở huyện này.

Trong khi trao đổi, vì ông Khởi báo ốm, phóng viên Tiền Phong được tiếp xúc với một cán bộ phòng công thương huyện (xin giấu tên). Ông này nói: “Lãnh đạo bảo làm thế nào thì tôi làm thế ấy chứ không biết...”.

Trưởng phòng của ông Khởi là ông Nguyễn Ngọc Cường lại nói: “Anh Khởi thu thế nào, tôi có biết đâu”. Mặc dù, chính ông Cường và Phó Chủ tịch Triều đều thừa nhận hình thức thu tiền như trên là không đúng nguyên tắc tài chính.

Ông Triều cho biết: “Dù thu tiền biên nhận thế này nhưng số tiền sau đó lại được cán bộ huyện giúp dân đến kho bạc để nộp”.

Huyện thu hàng tỷ đồng bằng giấy viết tay ảnh 1
Hàng trăm chủ lò gạch lo lắng khi số phận lò bị định đoạt trước thời hạn 

Chính quyền địa phương nhu nhược

Ngoài hình thức thu tiền như trên, các mức đóng tiền tự nguyện (như giấy biên nhận viết) của các chủ lò gạch cũng khác nhau, không theo quy chế nào. Có chủ lò đóng 20 triệu đồng, người khác lại phải đóng 25 hoặc 30 triệu đồng...

Khi phóng viên Tiền Phong hỏi Phó Chủ tịch Triều số tiền nhiều mức khác nhau mà các chủ lò phải đóng là tiền gì thì được biết, đó là tiền đặt cọc trước khi vi phạm.

Số tiền này, nếu các chủ lò không vi phạm khi hoạt động sẽ được huyện hoàn lại cuối vụ. Tất nhiên, “chưa bao giờ số tiền đã thu này phải trả lại cho các chủ lò, vì họ triền miên vi phạm” - Ông Triều nói.

Sau khi góp tiền nộp cho một số cán bộ huyện, tưởng như mọi lần được phạt cho tồn tại, ngày 17/6, các chủ lò đồng loạt nung lò (theo quy định của tỉnh Bắc Ninh, thời gian được phép từ 1/10 năm trước đến 10/3 năm sau; dọc tuyến sông Cầu giáp Bắc Giang chỉ được phép tới 15/2 năm sau - PV).

Điều lạ nữa: Trước đó hai ngày, chính UBND huyện Gia Bình cũng có công văn gửi UBND tỉnh xin cho bà con được nung lò một tuần thời điểm hiện tại (trái thời gian quy định) để tránh lụt, nhưng tỉnh không đồng ý.

Ông Triều nói: “Chúng tôi làm đúng quy trình nhưng để xảy ra chuyện gần 400 lò vi phạm cũng do công tác quản lý của huyện chưa chặt chẽ, lực lượng lại mỏng”.

Gần 400 lò đồng loạt nung, cán bộ các cấp phạt không xuể, đến nỗi không có cả biên bản trao cho dân. Phải vài ngày sau, Huyện mới có quyết định xử phạt lỗi vi phạm xảy ra trước đó.

Làm việc với phóng viên Tiền Phong về việc cán bộ ngành dọc cấp huyện thu tiền tỷ bằng giấy viết tay, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Bắc Ninh Nguyễn Văn Diện nhận định: Thu thế là sai nguyên tắc; lỗi ở đây là do chính quyền thiếu kiên quyết, nhu nhược...

Do vi phạm về thời gian đốt lò theo quy định của tỉnh (dù thời gian này đại diện huyện Gia Bình và bà con cho rằng chưa phù hợp, nhiều lần kiến nghị thay đổi), hơn 400 lò gạch ở Gia Bình đồng loạt bị đình chỉ hoạt động, buộc tháo dỡ trước thời hạn cuối cùng ba tháng.

Những chủ lò này đang tìm cách giải quyết hàng đống nguyên liệu đã chuẩn bị cho vụ cuối, ước tính phải cả trăm tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.