Khai thác vàng hủy hoại môi trường

Một lán trại của các đối tượng khai thác vàng trái phép bị lực lượng chức năng phá dỡ
Một lán trại của các đối tượng khai thác vàng trái phép bị lực lượng chức năng phá dỡ
TP - Gần đây, tại các khu vực rừng đầu nguồn thuộc xã Ân Nghĩa (Hoài Ân, Bình Định), đang diễn ra tình trạng người dân đổ xô vào rừng đào đãi vàng trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng phòng hộ gây bồi lấp đất sản xuất, hủy hoại môi trường sinh thái ở địa phương.

 >> Tổng kiểm tra các bãi vàng Phước Sơn

Nước thải từ quá trình
Nước thải từ quá trình "lọc vàng" cứ vô tư chảy ra ngoài . Ảnh: Đại Nam

"Bức tử" rừng đầu nguồn…

Đến khu rừng phòng hộ đầu nguồn xã Ân Nghĩa (Hoài Ân), mới thấy hết sự ngổn ngang . Đất đá, cát sỏi, hầm hố, cây cối bị "bức tử", đào xới . Cây rừng nhiều năm tuổi cũng bị xẻ thịt để làm lán trại. Bất chấp sự kiểm tra của lực lượng kiểm lâm, dân khai thác vàng cứ đào bới, cốt sao đào được vàng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Hoài Ân, cho biết: "Diện tích đất có rừng của huyện là 6.718,54 ha, đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân và nhân dân địa phương quản lý. Nhưng do địa hình khá cách trở nên các đối tượng đào đãi vàng vẫn lén lút vào rừng để phá rừng, đãi vàng".

Các địa điểm khai thác vàng trái phép "nóng" nhất hiện nay, tập trung tại khoảnh 1, 2, 3, 4 thuộc tiểu khu 137; khoảnh 2, tiểu khu 147. Phần lớn diện tích rừng trồng và rừng phòng hộ đầu nguồn của hồ chứa nước Đồng Quang. Tình trạng đào đãi vàng đang xảy ra ngày càng phức tạp. Nhiều đối tượng sẵn sàng chống trả lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện.

Tháo dỡ 13 lán trại

Chưa khi nào tình trạng đào đãi vàng trái phép tại Ân Nghĩa lại tái diễn ngang nhiên như hiện nay. Việc khai thác vàng tập trung chủ yếu tại các điểm: Hố Khế, dốc Ngược, dốc Hố Cọp, hồ Đồng Quang thuộc xã Ân Tường (Hoài Ân).

Một lán trại của các đối tượng khai thác vàng trái phép bị lực lượng chức năng phá dỡ
Một lán trại của các đối tượng khai thác vàng trái phép bị lực lượng chức năng phá dỡ . Ảnh: Đại Nam

Hàng trăm hộ dân sống ven khu vực hồ chứa Đồng Quang, hố Cọp, hố Khế ngay dưới chân các khu vực khai thác vàng chịu ô nhiễm do nguồn nước chứa chất thải, hóa chất dùng trong đãi vàng xả trực tiếp xuống các khe suối, dòng sông. Nhiều hộ dân sử dụng nguồn nước từ sông suối, các hồ chứa nước để sinh hoạt, tưới lúa, hoa màu, chăn nuôi cũng gặp nhiều nguy hiểm.

Ông Lê Xuân Anh, chủ một hộ dân ngụ ở thôn Phú Ninh (xã Ân Nghĩa) bức xúc: Mỗi ngày ở đây có khoảng 100 người vào đãi vàng, nước thải từ quá trình lọc vàng "vô tư" chảy ra bên ngoài, gây ô nhiễm trầm trọng.

Phần lớn các giếng nước của nhiều hộ dân nơi đây đều ngả màu vàng. Số gia súc mắc bệnh lạ không ngừng gia tăng.

Ông Trần Đình Thủ - Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, nói: "Hiện nay, tình trạng nguồn nước, hồ thủy lợi bị ô nhiễm, bồi lấp đang ở mức báo động. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức truy quét các đối tượng khai thác vàng. Nhưng rồi, đâu lại vào đó. Các đối tượng khai thác cho người theo dõi lực lượng kiểm lâm khi thấy động là họ "tẩu tán" tang vật và chạy vào rừng sâu.

Trước tình hình trên, Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân đã báo cáo với lãnh đạo UBND huyện về vấn đề này, đồng thời chỉ đạo Trạm Kiểm lâm Ân Tường tổ chức truy quét. Qua các đợt tuần tra, truy quét, bước đầu, tổ công tác đã thu giữ 3 máy nổ, 3 cối xay đá, 250m ống dẫn nước và tháo dỡ 6 lán trại xây cất trái phép trong rừng.

MỚI - NÓNG