Khi dân bán vàng mua nước sạch

Khi dân bán vàng mua nước sạch
TP - Xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (Hà Nội) nhiều năm nay luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, người dân phải đi khắp nơi tìm nước. Hiện cả xã có tới 80% số hộ thiếu nước trầm trọng, có hộ hàng tháng phải chi đến cả triệu đồng để mua nước.
Mua nước sinh hoạt chở về xóm Ảnh: T.V
Mua nước sinh hoạt chở về xóm Ảnh: T.V.

Rửa rau rồi mới rửa chân

Ở xã Chàng Sơn buổi chiều cảnh mua nước diễn ra nhộn nhịp. Xe cải tiến nối nhau mang những thùng nước về nhà để lo bữa tối. Hơn 10 năm nay, người dân xã Chàng Sơn vẫn thường dùng xe đi kéo nước. Những tháng mùa khô, việc tìm mua nước lại càng khó khăn hơn.

Bà Chu Thị Tuệ - Trưởng thôn 2 cho biết: Nước sinh hoạt ở đây rất hiếm, hiện có 60-70% số hộ trong thôn phải đi mua nước. Phần lớn các hộ thuê ô tô, xe công nông chở nước từ xã Bình Yên, Cần Kiệm về dùng, với giá 200-220 nghìn đồng/xe (4 khối nước). Tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng do nước ngầm khan hiếm. Có hộ đào giếng sâu tới 30m, có hộ mất hàng triệu đồng khoan giếng mà không thấy nước đâu. Nhà bà Nguyễn Thị Hiền đành bỏ không 2 giếng mới đào vì không có nước. Có những hộ bơm nước giếng khoan vẫn không đủ dùng, nên chuyển sang đi mua nước.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, ở thôn 2 đã đầu tư mua hai thùng nhựa đựng nước. Chị và một người hàng xóm chung một chiếc xe cải tiến để hằng ngày đi mua nước. Chị Tuyết tâm sự: “Tôi thuê chở nước đến nhà phải trả 25.000 đồng/xe (mỗi xe chở được 2 thùng nước), nếu tự vận chuyển về giảm được một nửa (khoảng 12.000 đồng/xe). Hôm nào mất điện, chúng tôi có tiền cũng không mua được nước. Có hộ mỗi tháng mất hơn 1 triệu đồng mua nước.

Tại thôn 1, có hai hộ may mắn khoan giếng có nước. Đây lập tức trở thành địa chỉ mua nước của hàng trăm hộ dân trong thôn. Chị Nguyễn Thị Sinh (một trong hai hộ có giếng nước) cho biết: “Tôi bơm nước cả ngày lẫn đêm mới có đủ nước đáp ứng nhu cầu của bà con. Mỗi ngày tôi bán được vài xe cải tiến (mỗi xe chở 2 thùng đựng nước), được khoảng trên dưới 100 nghìn đồng/ngày”.

Để tiết kiệm nước, nhiều hộ dân ở đây phải tận dụng nước rửa rau để rửa chân tay. Có người còn đứng ở chậu to để tắm, dùng nước tắm để giặt quần áo. Bà Đặng Thị Diệu, ở thôn 1 cho biết: “Mỗi tháng nhà tôi chi phí hết 600 - 700 nghìn đồng mua nước nên phải thật tiết kiệm. Sau khi giặt xong, tôi thường để dành nước ở chậu, đến tối lại dùng để giặt”.

Nguyễn Văn Quyền, ở thôn 1 đi chở nước từ năm 15 tuổi. Đến nay, Quyền đã 27 tuổi mà hằng ngày vẫn nhọc nhằn đi kéo nước. Quyền nói: “Thiếu ăn có thể đi vay, mượn, nhưng thiếu nước thì không thể vay được. Một ngày không thể thiếu nước sinh hoạt, nhất là những ngày hè sắp tới”.

Chưa triển khai được dự án, dân vẫn phải bán vàng

Theo ông Phí Đình Hưng - Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn, xã hiện có 2.563 hộ, gần 9.000 khẩu sinh sống ở 7 thôn. Hằng năm, từ tháng 10 đến tháng 4 có tới 80% số hộ trong xã phải đi mua nước. Hiện, xã đã xây dựng dự án nước sạch trình thành phố Hà Nội phê duyệt, tuy nhiên vẫn đang phải chờ đợi. Chính quyền xã và người dân mong nước sạch về từng ngày để giải toả cơn khát triền miên nhiều năm qua”.

Ông Chu Văn Thơm - Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Chàng Sơn cho biết: Khi ông làm Bí thư Đảng ủy (khóa 2000 - 2005) , xã cũng đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án nước sạch, song đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Theo ông, cứ thiếu nước thế này nhiều hộ dân Chàng Sơn phải tiếp tục bán vàng mà đi mua nước sạch” .

Một số người dân phản ánh, nguồn nước ngầm ở xã Chàng Sơn cũng không đảm bảo do môi trường làng nghề ô nhiễm. Đã có một số người mắc bệnh ung thư, một số người đã tử vong.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG