Khóc trước dân để được vậy ai chẳng muốn làm!

Khóc trước dân để được vậy ai chẳng muốn làm!
Nếu chỉ khóc trước dân để có được sự thông cảm trong tình huống của ông Chủ tịch HĐND Huyện Hương Sơn thì  chắc nhiều cán bộ cũng muốn được khóc...

Một độc giả viết: Báo Tiền phong số 134 ra ngày 7/7/2005 trên trang 1 có bài viết: “Chuyện hiếm thấy ở Hà Tĩnh: Ông Chủ tịch khóc trước mặt dân” của tác giả Võ Minh Châu. Tít bài khá hấp dẫn người đọc, nội dung cũng dễ hiểu.

Riêng tôi đọc xong hiểu mà không hiểu. Hiểu, bởi tình tiết sự việc khá rõ ràng: Ông Trần Tuấn Khanh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hương Sơn - năm 2003 có đơn cho mẹ là bà Trần Thị Ban 85 tuổi, thân nhân liệt sỹ “xin được cấp một đám đất ở ngay phố huyện làm nhà”.

Sau đó bà con xì xào bởi cụ đã cao tuổi, ông Khanh hiện “là con độc nhất cớ sao để mẹ ở riêng hay có ý mưu lợi”. Thế rồi khi “bầu cử HĐND 3 cấp ông Khanh cho rút đơn”.

“Khi trúng cử Chủ tịch HĐND huyện lá đơn xin cấp đất lại được trình lên” để rồi được cấp 100 m2 đất mặt tiền với giá 21 triệu đồng vào tháng 7/2004. Nay đã 1 năm. Mẹ ông đã mất, suất đất vẫn để đó.

Nếu sự việc chỉ có thế thì bản chất vấn đề quá rõ, khỏi bàn. Đằng này theo bài báo gần đây tại cuộc tiếp xúc với cử tri ở thị trấn Phố Châu ông Khanh đã trả lời ý kiến chất vấn “đại ý: Hồi mẹ ông còn sống có nguyện vọng xin một mảnh đất không phải là ra ở riêng mà là để cho người chị gái của ông có hoàn cảnh rất khó khăn…”.

Không rõ cử tri ở địa phương ông có thật sự mủi lòng “tỏ thái độ đồng cảm” với vị Chủ tịch HĐND huyện “hi hữu” khóc trước mặt dân không? Còn tôi – một bạn đọc thường xuyên của báo Tiền phong thì không chút mảy may xúc cảm trước việc làm đó. Bởi lẽ:

Chị của ông Khanh có đủ tư cách công dân để làm đơn xin đất, địa phương cũng có điều kiện chiếu cố đến hoàn cảnh khó khăn và thân nhân của chị chứ không thể đi theo con đường “một người làm quan cả họ được nhờ”.

Nếu lá đơn đó cứ cho rằng chính đáng thì tại sao lúc bầu HĐND 3 cấp “ông Khanh lại cho rút”?

Phần cuối bài báo viết rằng: “Người dân Hương Sơn đang chờ đợi và trông mong người phụ nữ không may mắn ấy sẽ gặp được nhiều may mắn” tức là được hưởng quyền sử dụng mảnh đất đã xin cho người quá cố.

Tôi cho rằng, đó không phải là giải pháp duy nhất để chống tiêu cực về bất động sản ở các quan chức lạm dụng quyền lực.

Nếu chỉ khóc trước dân để có được sự thông cảm trong tình huống này thì chắc rằng nhiều cán bộ cũng muốn được khóc như ông Chủ tịch HĐND huyện Hương Sơn.

Dại gì mà họ không làm. Đó không phải trường hợp “hi hữu” mà là hí hữu. Bạn đọc mong rằng tỉnh và huyện Hương Sơn “nghiên cứu” trường hợp này. 

MỚI - NÓNG